Nhật Bản tham gia Ngũ nhãn: Triển vọng và thách thức

Minh Vương| 01/09/2021 20:00

Chính phủ Nhật Bản cần sớm cải thiện khả năng tình báo, đồng thời dỡ bỏ một số hạn chế về thu thập thông tin để trở thành một phần của Ngũ nhãn.

Năm ngoái, Thủ tướng Anh Boris Johnson từng lạc quan về khả năng Nhật Bản trở thành một phần của Ngũ nhãn. Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Armitage nhận định rằng “Mỹ và Nhật Bản nên có những nỗ lực nghiêm túc nhằm thiết lập mạng lưới Lục nhãn”. Trong những công bố gần đây, chuyên gia về an ninh Nhật Bản Richard Samuels và Brad Williams cũng đề cập khả năng Tokyo gia nhập liên minh chia sẻ thông tin tình báo này.

Tháng 12/2020, đảng cầm quyền Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) đã công bố báo cáo về “Hướng tới thiết lập Chiến lược An ninh kinh tế”, chỉ ra rằng Nhật Bản “nên tham gia liên minh Ngũ nhãn” và trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại Đông Nam Á, hợp tác khu vực giữa Nhật Bản và Ngũ nhãn là cần thiết.

(09.01) Nhật Bản mong muốn trở thành một phần của liên minh Ngũ nhãn, song nước này cần tháo gỡ một số vướng mắc cụ thể. (Nguồn: RS Kingdom)
Nhật Bản mong muốn trở thành một phần của liên minh Ngũ nhãn, song nước này cần tháo gỡ một số vướng mắc cụ thể. (Nguồn: RS Kingdom)

Tiềm năng rộng mở

Sau nhiều thập kỷ nâng cấp hệ thống quốc phòng và an ninh, chính phủ Nhật Bản giờ đã có tới 7 vệ tinh trinh sát và thu thập thông tin (IGS) hiệu suất cao. Các vệ tinh thế hệ mới nhất của Nhật Bản được phóng lên quỹ đạo hồi năm ngoái có thể cung cấp hình ảnh của bất kỳ ai trên Trái đất với độ phân giải lên tới gần 30 cm.

Tokyo cũng dự kiến thiết lập “hệ thống 10 vệ tinh”, được kỳ vọng có thể nâng cao năng lực thu thập thông tin tình báo của Ngũ nhãn, nhất là khi ở thời điểm hiện tại, hầu hết các thành viên đều phụ thuộc vào hệ thống vệ tinh của Mỹ.

Ngoài ra, bộ phận IGS của Nhật Bản cũng có lợi thế trong cung cấp thông tin và phân tích tình hình tại các nước thuộc khu vực Đông Á như Trung Quốc, Triều Tiên hay xa hơn là vùng Viễn Đông của Nga.

Ở mức độ tác chiến, kể từ năm 2018, Nhật Bản đã tham gia trò chơi chiến tranh Schriever, cuộc huấn luyện chuyên sâu được Ngũ nhãn tổ chức (cùng Pháp và Đức), tạo nền tảng cho hoạt động chia sẻ thông tin tình báo giữa Nhật Bản và liên minh.

Liên quan tới tình báo tín hiệu, Cơ quan Tình báo quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản chịu trách nhiệm theo dõi các tín hiệu vô tuyến quân sự ở nước ngoài. Tiền thân của cơ quan này, Văn phòng Thứ hai của Hội đồng Tham mưu (Chobetsu), đã từng chia sẻ thông tin về tín hiệu quân sự trong xung đột biên giới Xô-Trung năm 1969 với Mỹ.

Chobetsu cũng từng hợp tác với Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) để theo dõi thông tin liên lạc của Không quân Liên Xô từ căn cứ Wakkanai, Hokkaido và phát hiện máy bay Nga bắn rơi máy bay hãng Korean Air ngày 1/9/1983.

Thêm vào đó, chính phủ Nhật Bản và Mỹ cũng đã ký kết “Thỏa thuận về Bảo vệ các bí mật ngẫu nhiên” năm 1954 và Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) với Mỹ (2007), Australia (2012) và Anh (2013). Sự kết hợp của các đạo luật trong nước và thỏa thuận với bên ngoài được kỳ vọng sẽ bảo đảm quá trình chia sẻ thông tin thuận lợi trong nhóm Ngũ nhãn.

Vệ tinh thế hệ mới nhất của Nhật Bản phóng lên quỹ đạo năm ngoái có thể cung cấp hình ảnh bất kỳ ai trên Trái đất với độ phân giải lên tới gần 30 cm.

Rào cản khó vượt

Tưởng thuận lợi là vậy, song trên thực tế, Nhật Bản vẫn chưa thể tham gia Ngũ Nhãn vì một số lý do sau.

Đầu tiên, sau Thế chiến II, lo ngại công chúng phản đối, Tokyo đã hạn chế thiết lập một cộng đồng tình báo, đồng thời cho rằng có thể dựa vào Washington để thu thập thông tin. Do đó, Nhật Bản không có một cơ quan phụ trách tình báo ở nước ngoài như CIA hay MI6 của Mỹ, khiến nước này gặp khó khăn trong đóng góp thông tin đến từ hoạt động tình báo của con người (HUMIT) cho đồng minh phương Tây.

Thêm vào đó, cung cấp ảnh vệ tinh và tín hiệu quân sự cho Ngũ nhãn là điều kiện cần, song chưa đủ để trở thành một phần của Ngũ nhãn. Nhật Bản cần có chân trong thỏa thuận cốt lõi kết nối Ngũ nhãn, Hiệp định Anh-Mỹ (UKUSA) năm 1949.

Ngoài ra, nhằm bảo vệ bí mật quốc gia, Tokyo đã thông qua “Đạo luật Bảo vệ các bí mật đặc biệt” năm 2013, đề cập nội dung tối mật trong lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng, hành động gây hại và “khủng bố”. Đối tượng áp dụng là tất cả bộ và cơ quan chính phủ Nhật Bản, với hình phạt cao nhất cho vi phạm lên tới 10 năm.

Quan trọng hơn, Hiến pháp Nhật Bản quy định rất chặt về bảo mật thông tin và không cho phép chính phủ thu thập thông tin tình báo ở trong nước.

Tình báo Nhật Bản có thể theo dõi tín hiệu vô tuyến quân sự ở nước ngoài, song không được thu thập thông tin phi quân sự trong nước hay dữ liệu liên quan trên mạng. Cảnh sát Quốc gia có thể thu thập thông tin, song có thời hạn rõ ràng và chỉ phục vụ điều tra.

Trong bối cảnh đó, Tokyo cần sớm tìm cách nâng cấp các hoạt động thu thập thông tin, đồng thời cân nhắc gỡ bỏ một số hạn chế để có thể xây dựng mạng lưới tình báo, cùng năm quốc gia còn lại xây dựng một Lục nhãn mạnh mẽ và đáng gờm hơn trước.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhật Bản tham gia Ngũ nhãn: Triển vọng và thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO