Theo ông Ishiba, đề xuất nói trên sẽ cung cấp khoản hỗ trợ ít nhất 10 ngàn tỉ yen (65 tỉ USD) cho lĩnh vực này vào năm tài chính 2030. "Chúng tôi sẽ xây dựng một khuôn khổ hỗ trợ mới để thu hút hơn 50 ngàn tỉ yen đầu tư công và tư trong 10 năm tới" - Thủ tướng Nhật Bản cho biết.
Theo đài CNBC hôm 13-11, động thái trên diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang nỗ lực tăng cường và đa dạng hóa chuỗi cung ứng bán dẫn. Mục tiêu của Tokyo là tăng gấp 3 lần doanh thu từ chip sản xuất trong nước lên mức hơn 15 ngàn tỉ yen vào năm 2030.
Công ty Rapidus, liên doanh sản xuất chip Nhật Bản được chính phủ hậu thuẫn, đang đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực tái thiết ngành chip của đất nước.
Rapidus đã nhận được hơn 2 tỉ USD hỗ trợ của chính phủ với mục tiêu sản xuất hàng loạt chip logic 2 nanomet tiên tiến vào năm 2027. Các chip logic tiên tiến nhất đang được sử dụng trong các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử và học máy.
Hồi những năm 1980, Nhật Bản là quốc gia sản xuất chip hàng đầu thế giới, chiếm hơn một nửa thị trường bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, nước này dần mất đi vị thế dẫn đầu khi các đối thủ cạnh tranh bên ngoài lần lượt xuất hiện, trong đó có Samsung (Hàn Quốc).
Riêng Mỹ trở thành một nhân tố chủ chốt trong thiết kế chip, với các công ty như Intel và Micron. Trong khi đó, Công ty ASML (Hà Lan) là nhà sản xuất thiết bị chế tạo chip tiên tiến nhất thế giới.