Theo AFP, trong đề xuất ngân sách cho tài khóa 2023 (bắt đầu từ tháng 4-2023), Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề nghị 5,59 nghìn tỷ yên (hơn 40 tỷ USD) cho ngân sách quốc phòng với nhận định thế giới đang bước vào “một kỷ nguyên khủng hoảng mới”. “Khi chúng ta tăng cường cơ bản tiềm lực quốc phòng trong vòng 5 năm tới, chúng ta cần bảo đảm đủ ngân sách cho năm đầu tiên”, AP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Hamada Yasukazu.
AP cho biết đề xuất ngân sách của Bộ Quốc phòng Nhật Bản tập trung vào những lĩnh vực then chốt như các hệ thống tấn công và phòng thủ tên lửa, các phương tiện không người lái, phòng thủ không gian và an ninh mạng. Truyền thông Nhật Bản nhận định 5,59 nghìn tỷ yên chưa phải là mức đề xuất cuối cùng và con số này có thể tăng lên tới 6,5 nghìn tỷ yên (gần 47 tỷ USD) bởi như tờ Japan Times đã chỉ ra: “Nguồn quỹ dành cho một số dự án-có thể lên đến 100 dự án-vẫn chưa được đề cập cụ thể”.
Dự thảo ngân sách cuối cùng (trong đó có ngân sách dành cho quốc phòng) đối với tài khóa 2023 dự kiến được Chính phủ Nhật Bản hoàn tất vào cuối tháng 12-2022 và sẽ trình Quốc hội nước này thông qua trước khi tài khóa mới bắt đầu.
Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản tham gia một cuộc tập trận ở tỉnh Shizuoka, tháng 5-2022. Ảnh: Reuters |
Trên thực tế, Nhật Bản đã liên tục tăng ngân sách quốc phòng hằng năm trong suốt thập niên qua. Theo AP, trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 5-2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã cam kết tăng cường tiềm lực quốc phòng khi Washington và Tokyo nỗ lực thắt chặt liên minh an ninh.
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi tháng 6-2022, Thủ tướng Kishida cũng tuyên bố Nhật Bản sẽ tăng cường tiềm lực quốc phòng trong vòng 5 năm tới và bảo đảm “gia tăng đáng kể” ngân sách quốc phòng để thực hiện mục tiêu này. Tờ Japan Times cho biết, giới phân tích nhận định việc Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản hồi tháng 7 vừa qua đã “tạo thêm động lực” để Thủ tướng Kishida thúc đẩy tăng ngân sách quốc phòng.
Đề xuất ngân sách của Bộ Quốc phòng Nhật Bản được công bố trong bối cảnh lâu nay Nhật Bản vẫn hạn chế ngân sách quốc phòng ở mức khoảng 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo trang mạng nippon.com, giới hạn 1% GDP đối với ngân sách quốc phòng được đưa ra vào năm 1976 dưới thời chính quyền của Thủ tướng Miki Takeo theo tinh thần Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản.
Cho dù chính quyền của Thủ tướng Nakasone Yasuhiro đã bãi bỏ giới hạn này vào năm 1987 nhưng cho đến nay, nó vẫn được xem là một quy định bất thành văn. Không phải nói đâu xa, tờ Japan Times cho biết, ngay cả ngân sách quốc phòng của Nhật Bản cho tài khóa hiện tại là 5,4 nghìn tỷ yên (gần 39 tỷ USD) cũng chỉ chiếm 0,95% GDP. Đề xuất ngân sách quốc phòng 5,59 nghìn tỷ yên cho tài khóa 2023 đánh dấu lần đầu tiên vượt mức trần 1% GDP của nhiều năm qua.
“Cho dù là một mức cao mới nhưng khoản ngân sách mà Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề xuất phản ánh sự tiếp nối chứ không phải là đoạn tuyệt với quá khứ. Khoản ngân sách được đề xuất này nhất quán với xu hướng trong những năm gần đây và chưa phải là sự gia tăng đáng kể”, tờ Japan Times dẫn lời chuyên gia James Schoff tại Quỹ hòa bình Sasakawa-một viện nghiên cứu có trụ sở tại Tokyo.
Thời gian qua, nhiều nghị sĩ của LDP đã kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Kishida tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% GDP trong vòng 5 năm tới giống như mục tiêu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đề ra cho các nước thành viên. Khi đó, Nhật Bản sẽ trở thành quốc gia có chi tiêu quốc phòng lớn thứ 3 thế giới chỉ sau Mỹ và Trung Quốc so với vị trí thứ 9 như hiện nay.
AFP dẫn lời chuyên gia Nozomu Yoshitomi tại Đại học Nihon (Nhật Bản) nhấn mạnh tăng ngân sách quốc phòng là một việc bắt buộc bởi môi trường an ninh xung quanh hiện nay khiến Nhật Bản “dễ trở nên tổn thương”. Trong khi đó, Giáo sư Toshiyuki Ito tại Viện Công nghệ Kanazawa (Nhật Bản) cho rằng đề xuất của nhiều nghị sĩ LDP về việc tăng ngân sách quốc phòng lên mức 2% GDP khó thành hiện thực trong bối cảnh bất kỳ một mức tăng chi tiêu quốc phòng nào, dù là khiêm tốn, cũng sẽ gia tăng sức ép đối với chính phủ vốn đã phải gồng gánh những khoản chi phí khổng lồ liên quan tới tình trạng già hóa dân số.
Cho dù tuyên bố sẽ “gia tăng đáng kể” ngân sách quốc phòng nhưng cho đến nay, Thủ tướng Kishida vẫn luôn khẳng định không đề ra con số mục tiêu cụ thể. Thay vào đó, mức tăng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản sẽ được cân nhắc dựa trên các ưu tiên chi tiêu.
“Những gì tôi đề xuất là xây dựng tiềm lực quốc phòng cần thiết trong vòng 5 năm tới trong khi theo dõi sát sao diễn biến tại các quốc gia khác. Khi tính toán cụ thể mình cần đạt được những năng lực nào, chúng tôi sẽ biết được cần ngân sách quốc phòng lớn ra sao. Và tới lúc đó, chúng tôi sẽ cần nghĩ tới cách để có được nguồn ngân sách ấy”, Reuters dẫn lời Thủ tướng Kishida.
HOÀNG VŨ