Trận phun trào núi lửa dưới đáy biển ngoài khơi quần đảo Tonga vào ngày 15/1 đã làm kích hoạt cảnh báo sóng thần và lệnh sơ tán ở Nhật Bản, đồng thời tạo ra những cơn sóng lớn tràn vào một số hòn đảo nằm ở Nam Thái Bình Dương. Theo những hình ảnh được mạng xã hội đăng tải, những cơn sóng lớn này đã đánh sập nhiều ngôi nhà ven biển.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã phát cảnh báo sóng thần vào đầu giờ sáng ngày hôm nay (16/1) và cho biết các cơn sóng cao khoảng 3m có thể xuất hiện ở quần đảo Amami. Trước đó, những cơn sóng cao hơn 3m cũng từng được ghi nhận ở khu vực này. Đài truyền hình NHK đưa tin, hiện chưa có báo cáo thiệt hại về người và của.
Núi lửa dưới đáy biển ngoài khơi quần đảo Tonga phun trào làm kích hoạt cảnh báo sóng thần và sơ tán ở Nhật Bản. (Ảnh: AP) |
Trong buổi họp báo, một quan chức thuộc Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã hối thúc người dân tránh xa các khu vực vùng biển cho tới khi khuyến cáo sóng thần và những cảnh báo sóng thần nghiêm trọng hơn được gỡ bỏ. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản ban bố cảnh báo sóng thần sau hơn 5 năm và phạm vi áp dụng là ở một số khu vực.
Vị quan chức nhấn mạnh thêm, sự thay đổi của mực nước biển mà các nhà khí tượng quan sát thấy không giống như mô hình sóng thần xuất hiện sau những trận động đất.
“Chúng tôi cũng chưa thể biết chắc những cơn sóng này có phải là sóng thần hay không”, Reuters dẫn lời quan chức thuộc Cơ quan Khí tượng Nhật Bản.
Cảnh báo sóng thần được đưa ra sau khi núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai, nằm cách thủ đô Nukualofa của Tonga khoảng 65 km về phía bắc phun trào dữ dội vào tối ngày 15/1.
Theo Cục Khí tượng Australia, đợt phun trào đã tạo ra cơn sóng thần cao 1,2 m. Tuy nhiên, Australia hiện chưa phát cảnh báo sóng thần đối với khu vực đất liền, các đảo và vùng lãnh thổ của nước này.
Song Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Thái Bình Dương cho hay, sóng thần cao 83 cm đã tràn vào thủ đô Nuku'alofa của Tonga, và cơn sóng thần hơn 60 cm cũng được ghi nhận ở thủ đô Pago Pago tại Samoa, vùng lãnh thổ thuộc Mỹ ở Nam Thái Bình Dương.
Fiji đã ban bố cảnh báo sóng thần, đồng thời hối thúc người dân tránh xa các khu vực bờ biển “do dòng nước lớn và những cơn sóng nguy hiểm”.
Phóng viên Jese Tuisinu của đài Fiji One đã cho đăng tải trên Twitter một đoạn video cho thấy, những cơn sóng lớn tấn công khu vực bờ biển trong khi nhiều người đang cố chạy vào xe để di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm.
Tại New Zealand, cơ quan ứng phó khẩn cấp đã ban bố khuyến cáo về hoạt động sóng thần ở vùng biển phía đông và phía bắc của nước này, cũng như đưa ra dự báo về các cơn sóng lớn và bất thường, khó đoán chạy dọc bờ biển.
Hôm 15/1, Cơ quan Địa chất Tonga thông báo vụ phun trào núi lửa dưới lòng biển đã đẩy tro bụi, hơi nước và khí gas bốc lên độ cao 20 km trên không trung, và trút tro bụi xuống thủ đô Nuku'alofa của Tonga. Vụ phun trào có bán kính 260 km.
Cũng trong ngày 15/1, Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Quốc gia Mỹ đã phát đi cảnh báo sóng thần đối với các tiểu bang ở bờ Tây. Những khu vực có nguy cơ bị sóng thần tấn công gồm bang California, Oregon, Washington, Alaska và Hawaii.
Ở vịnh San Francisco thuộc phía bắc bang California, người dân ở một số khu vực quy mô nhỏ như thành phố Berkeley và Albany cũng đã được lệnh đi sơ tán.
Minh Thu (lược dịch)