Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian cho biết chính quyền Bắc Kinh đã liên lạc với Tokyo thông qua các kênh ngoại giao để yêu cầu Nhật Bản "thể hiện tinh thần có trách nhiệm" với kế hoạch này.
“Nhật Bản thường yêu cầu các nước khác hoàn thành trách nhiệm với quốc tế. Giờ đây, cộng đồng quốc tế đang dõi theo Nhật Bản, vì vậy họ không thể nhắm mắt làm ngơ hay lờ đi. Vấn đề này rất quan trọng. Nhật Bản cần phải có trách nhiệm với lợi ích của cộng đồng quốc tế, cũng như của người dân nước này”, ông Zhao Lijian nói.
Các Bộ trưởng Nhật Bản dự kiến sẽ họp mặt vào ngày 13/4 để ra quyết định chính thức về việc xả nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương. Điều đáng lưu ý là quy trình xử lý không thể loại bỏ hoàn toàn chất phóng xạ tritium, một sản phẩm phụ của các lò phản ứng hạt nhân, trong nước thải. Việc xả nước từ nhà máy Fukushima ra biển làm dấy lên lo ngại về ô nhiễm môi trường.
Hôm 9/4, ông Zhao nói ông hy vọng Nhật Bản sẽ “đánh giá kỹ lưỡng” quy trình xử lý nước thải và “tiết lộ thông tin liên quan một cách tự nguyện, kịp thời, chính xác, công khai và minh bạch, đồng thời đưa ra quyết định một cách thận trọng sau khi thực hiện tham vấn đầy đủ với các nước láng giềng”.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết lượng nước thải của Fukushima cần được xử kịp thời trước khi các bể chứa tại nhà máy đầy, theo ước tính là vào mùa hè năm 2022. Công ty điều hành nhà máy Fukushima là Tokyo Electric Power cũng cần hai năm để chuẩn bị cho việc xả nước thải ra biển, theo truyền thông Nhật Bản.
Theo công bố hồi tháng 10/2020 của tổ chức phi lợi nhuận vì môi trường Hòa bình xanh, tất cả chất phóng xạ trong các bể chứa nước thải ở Fukushima sẽ bị thải ra Thái Bình Dương nếu Nhật Bản giữ nguyên kế hoạch. Các chất này có thể tồn tại trong môi trường hàng nghìn năm và gây nguy cơ làm biến đổi DNA của con người.