Việc cựu Thủ tướng Abe Shinzo bị một đối tượng tấn công bằng súng tự chế trong lúc đang phát biểu vận động tranh cử cho một ứng cử viên của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở thành phố Nara, miền Tây Nhật Bản vào ngày 8/7 cho thấy những khó khăn trong việc ngăn chặn các vụ xả súng ngay tại một đất nước như Nhật Bản - vốn có chính sách kiểm soát súng nghiêm ngặt so với nhiều nước khác, trong đó có Mỹ.
Hiện trường vụ tấn công cựu Thủ tướng Abe Shinzo ngày 8/7. (Nguồn: Kyodo) |
Trên thực tế, các sở cảnh sát Nhật Bản đã thực thi luật kiểm soát súng nghiêm ngặt, khi thu thập thông tin từ người dân nhằm truy tìm súng bất hợp pháp như một phần của nỗ lực chống các tội phạm liên quan đến súng.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số vụ phạm tội liên quan đến súng đã xảy ra ở Nhật Bản, trong đó có những vụ nhằm vào các chính trị gia.
Năm 2007, Thị trưởng Nagasaki Itcho Ito bị một thành viên cấp cao của tổ chức tội phạm Yakuza dùng súng sát hại trong chiến dịch tranh cử. Cựu Thủ tướng Abe đã qua đời sau khi bị một đối tượng, 41 tuổi, dùng súng tự chế tấn công khi đang có bài phát biểu tại thành phố Nara.
Mặc dù công dân không có giấy phép khó có thể sở hữu vũ khí ở Nhật Bản, song theo giới chuyên gia cho rằng chính công nghệ mới, trong đó có in 3D, đã giúp việc sản xuất súng tự chế trở nên dễ dàng hơn.
Điều này đã cản trở nỗ lực thực thi pháp luật nhằm ngăn chặn việc sở hữu súng bất hợp pháp. Năm 2014, một cựu nhân viên của trường đại học đã bị bắt vì tình nghi sở hữu trái phép một khẩu súng được sản xuất bằng máy in 3D.
Năm 2018, cảnh sát tỉnh Aichi đã bắt giữ một nam thiếu niên với cáo buộc chế tạo súng ngắn và thiết bị nổ tại nhà riêng.
Ông Nobuo Komiya, Giáo sư tội phạm học thuộc Đại học Rissho, cho rằng khó có thể xóa bỏ bạo lực súng đạn. Ông khẳng định: “Không có biện pháp đối phó nào, ngoại việc các cơ quan thực thi pháp luật luôn theo dõi chặt chẽ việc có người nào sử dụng công nghệ mới sai mục đích hay không".