Nhập viện gấp vì không nghe lời bác sĩ

11/05/2024 18:35

Người phụ nữ 30 tuổi từng bị suy giáp sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp. Bác sĩ yêu cầu bệnh nhân phải tái khám thường xuyên trong quá trình mang thai nhưng chị không thực hiện.

Bệnh nhân là chị K.T.L (30 tuổi), trú tại huyện Tam Nông, Phú Thọ. Người bệnh từng phẫu thuật ung thư tuyến giáp đang mang thai lần 3 được 15 tuần. Khi xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, ăn ít, khó ngủ, chị chủ quan nghĩ là biểu hiện thường gặp trong những tháng đầu mang thai.

Khi tình trạng trên ngày càng nặng hơn kèm thêm nhịp tim chậm, chị L. mới đi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh suy giáp nặng.

Chị L. đã được các bác sĩ thăm khám toàn diện, điều chỉnh lại liều thuốc và tư vấn cụ thể về những nguy cơ rủi ro mà bệnh lý suy giáp gây ra đối với phụ nữ khi mang thai. Bệnh nhân cũng được chỉ định nhập viện ngay.

Sau 2 tuần điều trị, sức khỏe chị L. đã ổn định, kết quả kiểm tra lại các chỉ số FT4 (liên quan tuyến giáp) trở về bình thường (27,1 pmol/L, trước đó là 7,2).

suy giap
Bác sĩ thăm khám cho người bệnh. Ảnh: BVCC

Thạc sĩ, bác sĩ Dương Thị Kim Ngân, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết suy giáp ở phụ nữ mang thai có thể gây ra những nguy cơ bất lợi cho cả mẹ và thai nhi. Vì vậy, tình trạng này cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời cả trước và trong thai kỳ.

Nội tiết tuyến giáp có vai trò quan trọng, mang tính sống còn đối với sự phát triển của não bộ và sự phát triển của thai nhi. Trong vài tháng đầu thai kỳ, hoạt động chế tiết của tuyến giáp thai nhi chưa được hoàn chỉnh nên toàn bộ lượng nội tiết tuyến giáp thai nhận được là từ mẹ.

Vì thế, khi mẹ suy giáp không điều trị sẽ gây ra suy giáp cho bào thai. Suy giáp bào thai mức độ nặng có thể gây tổn thương não thai nhi hoặc suy giáp bẩm sinh.

Theo dữ liệu do Hội Sản phụ khoa Mỹ (ACOG) công bố năm 2020, nếu không được điều trị thích hợp, phụ nữ mang thai bị suy giáp có thể gặp một số biến chứng như sảy thai; thai lưu; tiền sản giật, sản giật; sinh non; nhau bong non và các bất thường về phát triển tâm thần kinh ở trẻ sơ sinh.

Để phòng ngừa tình trạng suy giáp trong thai kỳ, thai phụ và phụ nữ chuẩn bị mang thai cần bổ sung nhóm thực phẩm giàu i-ốt trong chế độ ăn hằng ngày như rau dền, rau mồng tơi, sữa, muối i-ốt, rong biển… Cần lưu ý khi dùng các thực phẩm giàu chất xơ và đậu nành có thể làm giảm hấp thu i-ốt.

Phụ nữ trước khi mang thai cần khám tiền sản để phát hiện sớm và điều trị những bệnh lý trước mang thai, đặc biệt là các rối loạn về tuyến giáp nếu có biểu hiện lâm sàng. Người bệnh đã được chẩn đoán suy giáp cần tuân thủ theo lịch khám để điều chỉnh liều levothyroxine phù hợp với sự phát triển của thai nhi.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/nhap-vien-gap-vi-khong-nghe-loi-bac-si-2279839.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/nhap-vien-gap-vi-khong-nghe-loi-bac-si-2279839.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhập viện gấp vì không nghe lời bác sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO