Báo cáo mới đây của Quỹ Khoa học và Chính trị Đức (SWP) nhấn mạnh, dù 5 quốc gia bán vũ khí lớn nhất thế giới hiện nay (Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) chiếm hơn 3/4 thị trường, song các nhà sản xuất vũ khí mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ đang làm xáo trộn trật tự trên.
Cuộc chuyển đổi ngành CNQP của Thổ Nhĩ Kỳ để trở thành một “quốc gia công nghệ quân sự” thực thụ mới chỉ rõ nét trong những năm gần đây, nhưng đã được khởi động từ nhiều thập kỷ qua. SWP cho biết, nhìn lại lịch sử, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự vào Cyprus, Mỹ thiết lập cấm vận từ năm 1975 đến 1978, rồi tiếp đó là những hạn chế hơn nữa đối với xuất khẩu vũ khí do các nước đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác áp đặt.
Gần đây nhất, vào cuối năm 2020, Washington ban hành lệnh trừng phạt liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Việc cắt, giảm hợp tác với các thành viên NATO buộc Ankara phải điều chỉnh lại chiến lược phát triển ngành CNQP theo hướng giảm phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài, thúc đẩy hỗ trợ tài chính và tăng cường xuất khẩu.
Xe bọc thép của công ty Nurol Makina (Thổ Nhĩ Kỳ) được trưng bày tại Triển lãm DIMDEX 2024 ở Doha, Qatar. Ảnh: Anadolu |
Chính sách quốc phòng hiện tại của Ankara chú trọng phát triển và sản xuất những hệ thống vũ khí mang nhãn hiệu “Sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ”. Các dự án quân sự ở nước này được triển khai theo hợp đồng với Cơ quan CNQP (SSB) thuộc sở hữu nhà nước. Cùng với đó, chi tiêu quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ đi lên “như diều gặp gió”. SWP dẫn chứng, chi tiêu quốc phòng năm 2001 của nước này chỉ hơn 7,2 tỷ USD, rồi đạt mức 20,44 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến sẽ vượt 40 tỷ USD trong năm nay-con số cao kỷ lục mới và tăng 150% so với năm ngoái. Mặt khác, tỷ trọng năng lực sản xuất trong nước cũng ngày càng tăng.
Theo số liệu của chính quyền Tổng thống Tayyip Erdogan, các linh kiện liên quan đến lĩnh vực quân sự do nước này sản xuất chiếm 80% tổng sản lượng quốc phòng vào năm 2023. Một năm trước đó, tỷ lệ đó là 73%.
Nhằm giúp các nhà thầu quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ có lợi nhuận, điều cần thiết là họ phải tăng khả năng xuất khẩu và tiếp cận thị trường mới. SWP cho biết, từ một nước phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, Thổ Nhĩ Kỳ vươn lên đứng thứ 11 trong số những nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Vào năm 2014, tổng giá trị xuất khẩu vũ khí của quốc gia nằm trên cả hai lục địa Âu-Á này là 1,9 tỷ USD.
Năm 2022, con số đó đã tăng lên 4,4 tỷ USD và chỉ một năm sau, kỷ lục 5,5 tỷ USD đã được thiết lập, tức tăng 27% so với năm trước đó. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) thống kê, từ năm 2014 đến 2018, vũ khí xuất khẩu của Ankara chiếm 0,7% thị phần toàn cầu, nhưng đã tăng tới 106% để đạt mức 1,6% trong giai đoạn 2019-2023.
Trong thập kỷ qua, các sản phẩm quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần chứng tỏ được năng lực thực chiến. Đơn cử, máy bay không người lái (UAV) Bayraktar TB2 của hãng Baykar đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường, được giới chuyên gia đánh giá là giúp những quốc gia sở hữu “tân binh” này thay đổi cuộc chơi theo hướng có lợi. Tuy nhiên, SWP nhận định UAV chỉ là dấu hiệu rõ ràng nhất về một kỷ nguyên mới trong chính sách quốc phòng và tiềm năng xuất khẩu vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đặc biệt, ngành CNQP Thổ Nhĩ Kỳ đã thâm nhập vào lục địa châu Phi, châu Á và gần đây hơn là vùng Vịnh. Hiện sản phẩm quốc phòng của nước này khá đa dạng, từ vũ khí cá nhân, tên lửa hành trình, tàu ngầm, tàu khu trục, tàu sân bay hạng nhẹ cho đến xe bọc thép, xe tăng, trực thăng, UAV có thể mang vũ khí hạng nặng và gần đây nhất là tiêm kích tàng hình KAAN-máy bay chiến đấu đầu tiên do nước này sản xuất. Với việc tiêm kích KAAN vừa lần đầu thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm, Ankara chính thức gia nhập nhóm các quốc gia ưu tú có khả năng sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, cho dù sản phẩm vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
VĂN HIẾU