'Nhân sâm của người nghèo' hút khách

16/09/2023 16:07

Được gọi là sâm nhưng giá lại rẻ như khoai lang nên củ sâm đất được coi là 'nhân sâm của người nghèo'. Gần đây, củ sâm đất được nhiều bà nội trợ mua về ăn trực tiếp hoặc chế biến thành món ăn thơm ngon, bổ dưỡng, thanh mát đến kỳ lạ.

Củ sâm đất (hay còn được gọi là khoai sâm, địa tàng thiên, hoàng shin cô... ) là loại cây mọc hoang trong vườn nhà, trong rừng hoặc những nơi ẩm ướt. Đây được coi là một đặc sản nổi tiếng ở Lào Cai. Củ khoai sâm được bà con dân tộc nơi đây trồng rất nhiều.

Về nguồn gốc loại sâm này, có người nói đồng bào Mông ở xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai mang bên Trung Quốc về trồng, lại có người nói bà con đi rừng già gặp củ này thấy ăn ngọt, mát nên mang về trồng lấy củ ăn. Cây sâm đất đang mang lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân xã Y Tý, huyện Bát Xát.

Nhìn bề ngoài, cây sâm đất khá giống cây hoa dã quỳ, một gốc mọc ra nhiều thân cao hơn đầu người, hoa có màu vàng như hoa hướng dương. Mỗi gốc sâm đất lại mọc ra nhiều củ giống như gốc sắn.

Nhìn bên ngoài củ khoai sâm giống hệt khoai lang (Ảnh: Dân Việt)

Cây sâm đất được trồng từ trước Tết Nguyên đán. Đến tháng 9, tháng 10 hàng năm, khi cây trổ hoa màu vàng tươi cũng là vào mùa thu hoạch. Người ta chỉ cần dùng tay lay nhẹ gốc vài cái rồi nhấc lên sẽ được cả chùm củ sai lúc lỉu. Củ sâm đất to nặng khoảng 1-2kg, củ nhỏ cũng nặng từ 5-7 lạng.

Theo mô tả của một số tiểu thương, nhìn bên ngoài, củ sâm đất khá giống khoai lang. Nhưng khi bổ ra, chúng có ruột trắng trong hoặc có màu vàng nhạt. Loại củ này có thể ăn trực tiếp sau khi gọt vỏ. Khi ăn sẽ có hương vị như nhân sâm, giòn, ngọt, mát.

Củ sâm đất để càng lâu càng ngọt. Chỉ cần để nơi khô, thoáng là có thể bảo quản đến nửa năm.

Lạ hơn nữa là củ sâm đất để phơi nắng càng héo càng ngọt sắc và ngon. Sâm đất có thể gọt ra ăn sống tráng miệng, làm nộm, luộc, nấu canh xương, ngâm rượu hoặc ép nước uống đều rất tốt cho sức khỏe.

Nếu ăn sống sâm đất, người ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt mát, nhiều nước, ngon giòn hơn củ đậu. Còn khi nấu canh xương thì sâm đất càng rõ mùi thơm, ngọt nước, củ hơi dẻo hoặc thái mỏng trộn nộm, ăn cuốn đều rất ngon.

Củ sâm đất thơm ngon, bổ dưỡng. (Ảnh: Dân Trí)

Loại củ này ăn vừa ngon, lại được cho là có tác dụng thanh lọc cơ thể, làm đẹp da, giảm cân, giải rượu, thậm chí chứa hoạt chất chống oxy hóa, ung thư,... nhưng giá rẻ nên được mệnh danh là “sâm nhà nghèo”. Hiện củ sâm đất được bán với giá dao động từ 15.000-40.000 đồng/kg.

Theo một số tài liệu nghiên cứu, trong củ sâm đất có hàm lượng saponin giống như trong củ sâm Hàn Quốc, rất bổ dưỡng. Khi đang mệt hoặc đói, ăn vài miếng củ sâm đất sẽ cảm thấy tỉnh táo hẳn, giảm mệt mỏi.

Từ lâu, củ sâm đất được coi là một vị thuốc quý, được sử dụng để phòng chữa bệnh và nâng cao sức khỏe.

Theo Đông y, sâm đất có tác dụng lợi tiểu, giải nhiệt cơ thể, hỗ trợ trị cao huyết áp, giảm lượng đường huyết trong máu.

Trong dân gian, bà con thường sử dụng củ sâm đất kết hợp với những dược liệu khác để chữa bệnh: táo bón, sỏi thận, tiểu đường, mụn nhọt...

Không chỉ củ mà lá, thân, rễ cây sâm đất cũng có nhiều tác dụng. Lá sâm đất có thể được dùng để xào, nấu canh vừa thơm, vừa giải nhiệt hoặc phơi khô làm trà uống có hương vị nhẹ nhàng, dễ chịu. Thân và rễ cây sâm đất có thể được dùng chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng, lạ miệng.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Nhân sâm của người nghèo' hút khách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO