Nhạc sĩ Văn Cao: Thiên tài tự nhận thất bại trong tình yêu vì không giỏi ăn nói

An Nhiên (Tổng hợp)| 11/07/2022 10:00

Nhắc đến Văn Cao, người ta thường dùng mỹ từ như tài hoa, đa tài hay thậm chí là thiên tài nhưng chưa bao giờ họ dùng chữ đa tình để nói về ông.

Ánh Tuyết - Đức Tuấn hát Đàn chim Việt - Bến xuân:

Người ta hay nói về tài tử và giai nhân, nhưng trong âm nhạc của nhạc sĩ tài hoa Văn Cao, không có nhiều tình yêu nam nữ. Bởi thứ tình yêu ấy được chuyển hoá thành một thứ tình chung của thế thái.

"Tôi là một cái người luôn luôn thất bại về tình yêu, cái thất bại này là bởi vì tôi là người không giỏi về cách tôi giao lưu với đàn bà, mà đối với những người đẹp tôi lại càng bối rối. Tôi không bao giờ nói được với người ta, thì tôi bèn nói trong thơ thôi", lúc đương thời, nhạc sĩ Văn Cao hiếm hoi nói về tình yêu.

Nhân dịp 27 năm ngày mất của một tượng đài âm nhạc Việt Nam (ngày 10/7/1995), hãy cũng tìm hiểu về các mối tình của ông.

Yêu thầm giai nhân Hải Phòng và tuyệt phẩm “Bến xuân”

Vào khoảng năm 1940, nhạc sĩ Văn Cao khi đó đã có tiếng tăm ở Hải Phòng. Ông sinh hoạt cùng với nhạc sĩ Hoàng Quý, Kim Tiêu. Ở thành phố cảng khi đó nổi tiếng có giai nhân Hoàng Oanh, một tiểu thư xinh đẹp, con nhà giàu lại hát hay khiến bao chàng trai say đắm.

vancao5-vb.jpeg
Chân dung nhạc sĩ Văn Cao thời trẻ. Ảnh tư liệu

Văn Cao và hai người bạn cũng không ngoại lệ. Nhưng ông bản tính vốn rụt rè, lầm lỳ, ít nói lại mặc cảm thân phận nên không dám tiến đến, chỉ ở phía sau giúp bạn viết nhạc cho người trong mộng.

Trong bộ phim tư liệu Giấc mơ một đời người do đạo diễn Đinh Anh Dũng thực hiện vào năm 1994, nhạc sĩ Văn Cao thú nhận: “Tôi là người luôn luôn thất bại về tình yêu, cái thất bại này là bởi tôi không giỏi về cách giao lưu với đàn bà. Đối với những người đẹp, tôi lại càng bối rối. Tôi không bao giờ nói được với người ta, thì tôi bèn nói trong thơ”.

Dù chưa một lần ngỏ ý, nhưng dường như giai nhân cũng hiểu được tâm ý của ông đôi phần. Nhưng mối tình thầm lặng ấy đã bất thành mãi mãi khi Hoàng Oanh quyết định cưới nhạc sĩ Hoàng Quý (mặc dù cuộc hôn nhân ấy không kéo dài được bao lâu).

van-cao-vb.jpeg
Nhạc sĩ Văn Cao không có nhiều bài hát về một bóng hồng cụ thể. Ảnh tư liệu

Nhưng trước đó, khi nhạc sĩ trẻ Văn Cao còn sống ở Bến Ngự, Hoàng Oanh một dịp có đến chơi. Thậm chí, người đẹp khi ấy còn ngồi làm mẫu cho ông vẽ chân dung rồi quạt khi ông viết nhạc.

Những rung động ấy giúp chàng thanh niên Văn Cao viết nên tuyệt phẩm Bến xuân vào năm 1942, trong đó có câu “Ai tha hương nghe ríu rít oanh ca”. Nhạc sĩ đã hồi tưởng lại đoạn tình ấy trong phim tài liệu: “Ngày xưa, tôi có thầm yêu một người con gái mà không dám nói ra. Thế nhưng, người ấy hiểu lòng tôi và đến với tôi, vì thế mới có câu hát “Em đến tôi một lần” và có bài hát này”.

Sau này, Bến xuân trở thành nơi mai mối cho tình bạn của nhạc sĩ Phạm Duy với đàn anh Văn Cao. Ông từng ca ngợi: “Nếu đem so sánh với những bản nhạc tình của 50 năm tân nhạc thì Suối mơBến xuân là cực điểm của lãng mạn tính trong ca nhạc Việt Nam. Sẽ không bao giờ có những bài ca lãng mạn như thế nữa! Sẽ có nhạc tình cảm tính, nhạc tình não tính, nhạc tình nhục tính và ảo tính nhưng không thể có thêm những bài nhạc tình lãng mạn nào hay hơn nhạc Văn Cao”.

Nhưng sau khi nhạc sĩ Văn Cao tham gia Việt Minh vào năm 1994, phần lời ca khúc này được ông viết lại và đổi tên thành Đàn chim Việt.

vancaopd-vb.jpeg
Nhạc sĩ Phạm Duy thừa nhận Văn Cao tạo nên trường ca, còn ông chỉ là người kế thừa. Ảnh tư liệu

Lời bài hát đẹp, trau chuốt kỹ lưỡng đến mức Phạm Duy thốt lênPhải đợi cho tới khi tân nhạc ra đời vào những năm cuối 30 và đầu 40 thì chúng ta mới có được một loại nhạc tình lãng mạn. Tuy nhiên, loại nhạc tình lãng mạn đó chỉ có thể được gọi là đạt tới độ hoàn mỹ khi nó được phát xuất ra từ một con người tài hoa bật nhất của thế giới nghệ sĩ trẻ lúc bấy giờ. Người đó là Văn Cao. Nhạc sầu của nhiều tác giả khác, nhiều khi chỉ là sầu giả tạo; còn tình ca của Văn Cao, nếu là tình buồn cũng không bao giờ bi lụy”.

Sau này khi hồi tưởng lại giai đoạn ấy, nhạc sĩ Văn Cao cho rằnghình tượng người thiếu nữ trong tác phẩm của ông rất mơ hồ, họ xuất hiện trong không gian tưởng tượng của ông. “Gặp thì không phải không nhiều, người ta yêu tôi cũng nhiều nhưng tôi yêu lại thì không bao giờ. Có một thời gian tôi không muốn yêu một ai cả. Tôi có thể thích cái đẹp nhưng rất sợ sự hòa nhập với cuộc đời của người ta, nhất là những người con gái xinh tươi”, ông tâm sự.

Chung thuỷ sâu sắc với vợ con

Hồ Bất Khuất miêu tả nhạc sĩ Văn Cao và tính son sắt của ông: “Ông là một người tài hoa – cầm, kỳ, thi họa đều giỏi cả, nhưng sống lặng lẽ, khiêm nhường. Là một nghệ sĩ tài hoa, được rất nhiều phụ nữ xinh đẹp mến mộ, nhưng suốt đời ông chỉ có một mối tình với người bạn đời của mình là bà Nghiêm Thúy Băng”.

vovancao8-vb.jpeg
Vợ nhạc sĩ Văn Cao khi trẻ và lúc về già. Ảnh tư liệu

Nhiều tư liệu kể lại, vào những năm 1940, Nghiêm Thúy Băng là tiểu thư cành vàng lá ngọc, con gái của một chủ nhà in và là chủ bút 2 tờ báo lớn.

Cô được giao trông coi một tiệm sách nhỏ, vừa lo việc bán sách, vừa giao hàng cho khách in. Những lần đó, Thuý Băng có dịp gặp gỡ nhạc sĩ Văn Cao. Vốn say mê âm nhạc của nghệ sĩ tài hoa, cô gái trẻ càng thêm yêu mến khi tiếp xúc. Nhạc sĩ cũng si mê vẻ đẹp của cô tiểu thư nên họ cưới nhau vào năm 1947.

vovancao-vb.jpeg
Bà vẫn thường xem lại...
vovancao9-vb.jpeg
... bản thảo viết tay của chồng

Nhưng đây cũng là năm toàn quốc kháng chiến, nhạc sĩ Văn Cao phải tản cư, tham gia chiến đấu. Cả 2 không có được đám cưới như mong đợi, hôn lễ của họ rất đơn giản với vài người thân trong gia đình.

Trong hoàn cảnh này, ông đã sáng tác nên Làng tôi dành tặng bà. Mặc dù đây là ca khúc viết về chiến tranh thời chống thực dân Pháp, nhưng hình dáng yên bình của làng quê, cũng chính là bóng dáng người vợ hiền của ông.

Giữa những ngày dằng dặc. Chỉ còn khuôn mặt em. Sáng trong và bình lặng… Dù hai đứa chúng ta. Chưa lúc nào sung sướng. Những ngày đau khổ ấy. Khuôn mặt em. Như mảnh trăng những đêm rừng cháy, những lời thơ chân thành, tình cảm ông dành cho bà trong bài thơ Khuôn mặt em.

vancao4-vb.jpeg
Nhạc sĩ Văn Cao và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần gặp. Ảnh tư liệu

Đây là mối tình lớn nhất trong cuộc đời của Văn Cao. Họ có với nhau 5 người con. Bà trở thành hậu phương vững chắc giúp chồng thăng hoa trong nghệ thuật.

Sau này, bà Nghiêm Thúy Băng cũng hồi tưởng lại mối tình ấy: Cuộc đời tôi từ khi đến với anh Văn Cao chưa có một ngày nào được sung sướng về vật chất, nhưng tôi không ân hận khi trao cả cuộc đời cho anh. Có lẽ đó là một sứ mệnh ngẫu nhiên nếu không muốn nói là định mệnh. Ngay cả những lúc sóng gió nhất trong cuộc đời, tôi vẫn ở bên cạnh anh và tôi cũng cảm nhận được tôi có ý nghĩa với anh như thế nào”.

Những năm cuối đời, nhiều người bảo nhạc sĩ Văn Cao sống khép kín và cô độc, ngay cả với vợ mình. Sự biến động trong cuộc đời nhạc sĩ ảnh hưởng đến gia đình ông rất nhiều.

Ca sĩ Ánh Tuyết từng chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ: “Vòng xoay của cuộc đời đã khiến bà thành một con người phải đáo để. Nếu bà không như thế thì làm sao gia đình nhạc sĩ Văn Cao có thể sống mà vượt qua những thời đoạn tưởng chừng không thể đứng dậy nổi. Bà hẳn là một phụ nữ can trường. Bà cứ mặc ai nói gì... Bà chỉ biết một mực thương yêu chồng con, một mực lo cho chồng và bằng mọi cách bảo vệ chồng mà thôi”.

Ánh Tuyết nói thêm rằng chị thêm kính trọng vợ Văn Cao bởi bà luôn song hành cùng ông, cùng trải qua không biết bao nhiêu khổ ải gian truân. Bà sẵn sàng đương đầu làm lá chắn chở che, giành giật từng mảnh nhỏ tinh thần, từng chút nhỏ vật chất những khi chồng gặp nguy nan”, chị nói thêm.

Bài liên quan
  • 13 năm ngày mất NSND Phùng Há (Kỳ 1): Vàng son một đời
    13 năm sau ngày NSND Phùng Há qua đời, bà mãi là biểu tượng, là vị tổ cuối cùng của nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Chuyện đời, chuyện nghề của cố nghệ sĩ khiến bao người phải kinh ngạc, tiếc thương cho một đời hồng nhan truân chuyên.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sĩ Văn Cao: Thiên tài tự nhận thất bại trong tình yêu vì không giỏi ăn nói
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO