Quen biết và thân thiết với ông gần 20 năm, thấy ông lúc nào cũng thảnh thơi, vui vẻ. Tôi gạ ông tổng kết lại cuộc đời mình bằng một vài chữ, ông nói gọn trong hai từ “lênh đênh”.
Đây cũng là bài hát ông yêu thích, đến nỗi ông lấy nó đặt tên cho đêm nhạc duy nhất của đời mình, rồi cũng lấy tên đó đặt tên cho DVD “Lênh đênh biển”. Và nay, khi ở tuổi 86, ông lại “Lênh đênh” về trời…
Nhạc sỹ Hồng Đăng và vợ Lê Anh Thúy.
“Lênh đênh” nó vận vào mình
Một buổi sáng năm 2006, nhạc sĩ Hồng Đăng mời một số bạn bè thân thiết đến quán cà phê Cây Đa ở phố Trần Nguyên Hãn (Hà Nội).
Ngỡ ông mời uống cà phê bình thường, hóa ra để công bố và tặng bạn bè DVD “Lênh đênh biển”, thu lại những ca khúc từ đêm nhạc riêng của ông năm 2005 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Như thế, sau đêm nhạc cả năm trời ông mới có DVD tặng bạn bè. Ông nói vui: “Cái tên đêm nhạc vận ngay vào mình. Sau cả năm rồi mà nay vẫn lênh đênh…”.
Tôi hỏi Vì sao vậy? Ông thủ thỉ “Cái số lênh đênh, nó cứ xô mình. Ngày đó tôi đã bảo Thúy (Lê Anh Thúy, vợ ông) là tổ chức dịp này gặp khó khăn đấy. Tôi đã nói trước như thế nhưng Thúy không nghe, bảo cứ tổ chức. Y như rằng, xảy ra chuyện”.
Đời nhạc sĩ vốn “nghèo khó cao sang”. Trước ông, chưa nhạc sĩ nào dám bỏ tiền ra để tự làm một đêm nhạc sang chảnh như ông tại Nhà hát Lớn.
Ông cũng chưa bao giờ dám nghĩ tới. Nhưng vì trân quý và yêu mến nhạc của ông, một lãnh đạo trong giới nhà băng đề nghị được tài trợ kinh phí cho đêm nhạc.
Nhưng khi các khâu tổ chức đã hòm hòm thì đột nhiên nội bộ mất đoàn kết, kiện cáo nhau, vị lãnh đạo kia đành hủy kèo.
“Ác là ở chỗ chỉ còn vài ngày nữa, nên mình xoay xở không kịp, mà đêm nhạc thì không thể hoãn, vé đã bán. Lúc ấy, không chỉ tôi mà cả những anh em đạo diễn, đạo cụ, ánh sáng, phối khí… đều choáng váng. Chỉ còn nước khóc thôi...”, ông tâm sự.
Tổng chi phí cho đêm nhạc ngót nghét tỷ bạc. Đây là số tiền quá lớn ở thời điểm đó, với một nhạc sĩ nghèo như ông. Nhưng không lẽ hủy, mà vé bán rồi làm sao hủy được. Nên đành cắn răng vay mượn, cộng với sự giúp đỡ của bạn bè, người cho 5 triệu, người cho 10 triệu, người bỏ công giúp không lấy tiền.
Nhiều người như sắc-xô-phôn Trần Mạnh Tuấn bay từ Sài Gòn ra biểu diễn không lấy tiền, ca sĩ Hồng Nhung bay từ Pháp về hát cũng không lấy cát xê… và đêm nhạc vẫn diễn ra bình thường.
Trước khi tổ chức đêm nhạc, anh em bạn bè nói phải làm thật hoành tráng, để giúp anh Đăng kiếm tí tiền. Không ngờ lỗ nặng, mãi gần hai năm sau mới trả hết nợ…
“Nghĩ lại thấy mình nghèo mà chơi quá sang. Đến thời điểm đó, chưa có nhạc sĩ nào tổ chức được đêm nhạc riêng hoành tráng như “Lênh đênh biển”. Đêm nhạc thành kỷ niệm. Nhiều anh em tốt với mình quá, nên cũng vui”, ông tâm sự.
Cái đáng quý, cũng là tài sản lớn nhất mà ông có, chính là bạn bè. Cũng nhờ thế mà lúc ông khó khăn, mỗi người chung tay một việc. Đêm nhạc ghi lại dấu ấn của đời ông vẫn diễn ra trọn vẹn, lan tỏa hơn cả kỳ vọng.
Tôi cách tuổi ông cả một thế hệ, nhưng chưa khi nào bị cảm giác khoảng cách của tuổi tác chi phối. Xung quanh ông bạn hữu gần xa trong Nam, ngoài Bắc nhiều vô kể, giới nào cũng có, tất cả đều được ông đối xử chân thành.
Cách đây chục năm, ông phát hiện bị tiểu đường, tim mạch, thỉnh thoảng phải vào viện điều trị, thì những người chăm sóc ông, trực tiếp điều trị cho ông phần lớn đều là bạn ông.
Chuyện tử vi, tướng số
Với Hồng Đăng, tài năng âm nhạc bộc lộ từ rất sớm, những năm 1953, khi mới 14 tuổi, đang là học sinh kháng chiến ở Liên khu IV ông đã sáng tác những ca khúc đầu tay như: “Nắng về Tây Bắc”, “Nhớ ơn cụ Hồ”, “Đời học sinh”. Đến nay, ông có khoảng hơn 700 tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng vượt thời gian như: “Hoa sữa”, “Biển hát chiều nay”, “Lênh đênh”…
Người ta biết đến ông với vai trò nhạc sĩ thì nhiều, nhưng ít người biết ông còn có khả năng đặc biệt. Ở thời ông, có ba người nổi tiếng xem tử vi, tướng số là GS. Trần Quốc Vượng, Thiếu tướng Nguyễn Đình Ngọc và nhạc sĩ Hồng Đăng. Ông từng kể tôi nghe chuyện ông và GS. Trần Quốc Vượng nhiều lần đánh cược, chuyện vui thôi nhưng mang nhiều ẩn ý ông gửi trong đó.
Ông kể, lần đầu, tôi và ông Vượng tới nhà ông Viện (bố của ca sĩ Hồng Nhung) chơi.
Khi đó, ông Viện nói chuyện vợ lại có bầu, ông Vượng đoán “lần này vợ ông lại đẻ con gái rồi (khi đó đã có Hồng Nhung), ông lại phải cố hiệp nữa để kiếm con giai thôi”. Tôi bảo “ông yên tâm, con giai đấy!”.
Hai bên thống nhất cược chai rượu Tây (hồi đó là sang lắm) và con gà sống thiến xem ai nói đúng. Khi đó, có nhiều người chứng kiến. Cuối cùng, vợ ông Viện đẻ con trai. Chuyện đó đến giờ thỉnh thoảng mọi người vẫn nhắc.
Một lần khác, tôi và ông Vượng đến nhà GS. Nguyễn Văn Khải (trường ĐH Sư phạm Hà Nội).
Ông Khải khoe “vợ tôi có bầu”, ông Vượng đoán con giai, tôi khẳng định con gái. Thế là ông Vượng cáu “ông cứ nói khác tôi làm gì”. Tôi bảo “không những con gái mà vợ ông còn phải mổ đẻ”.
Sau đó, một ngày tôi đang sắp ăn cơm trưa, ông Khải đến gọi đi chiêu đãi ở nhà hàng Bodega Tràng Tiền. Ông Khải thông báo “vợ tôi đẻ con gái và phải mổ đẻ suýt chết. Đúng như ông nói”.
Nghe ông kể chuyện vui, tôi chưa tin lắm nhưng cũng bị thuyết phục bởi nhiều chuyện “người thật, việc thật” trong vài chục năm làm bạn vong niên với nhạc sĩ.
Với nhiều người, ông giúp hết sức mình bằng “khả năng tự có”, đôi khi là những lý giải về khoa học tử vi, là khuyên làm cách này, cách kia để tránh được những việc mà dân gian hay gọi là “đại hạn”.
Hỏi cái tài của ông có từ đâu? Ông kể, cha ông là người xem tử vi, tướng số giỏi. “Có lẽ một phần tôi thừa hưởng gen từ cha, một phần tự nghiên cứu. Năm 1968, tôi có một cậu con trai. Khi cháu được hơn hai tuổi, tình cờ gặp một cụ già, ông nhìn mặt thằng bé nói “thằng bé này không sống được quá ba tuổi”, tôi không tin vì khi đó cháu rất bình thường. Nhưng đùng cái, cháu bị tai nạn ở trường mẫu giáo, đi viện rồi mất.
Từ đó, tôi luôn bị ám ảnh bởi những điều khó lý giải về số phận con người, cộng với một số chuyện khác xảy đến nữa, tôi nghĩ đây là môn khoa học rất đáng để nghiên cứu, ông tâm sự.
Ông bảo, lâu nay người ta cho rằng tử vi, tướng số là mê tín dị đoan, nên bài xích nó. Nhưng ở Mỹ, có cả một viện nghiên cứu về khoa học tâm linh (tử vi, ngoại cảm…) và hiện nhiều nước nghiên cứu rất sâu. Không nên lãng phí “nguồn tài nguyên” này.
Ví dụ, nếu nghiên cứu sâu và khi nó trở thành khoa học thì ngay từ bé, mình có thể định hướng cho con trẻ nên đi vào học nghề gì để phát triển tối đa khả năng của nó.
* 7 giờ sáng qua, 21/3, tôi nhận điện thoại của chị Thúy (người vì yêu nhạc và con người ông đã tình nguyện sống và chăm sóc ông mấy chục năm nay), thông báo nhạc sĩ Hồng Đăng đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội).
Dẫu biết, ông cũng không thể trốn mệnh trời, nhưng vẫn thật xót xa. Bên tai tôi văng vẳng lời ca bài hát “Lênh đênh”: Có hai nỗi nhớ xôn xao gió triền đê/Có hai con tim chung một lối về/Trời xanh thế/Đời xanh thế/Lênh đênh những vì sao xa/Lênh đênh những vầng mây xa/Mà sao vẫn lênh đênh, lênh đênh… Lời bài hát như đang vận vào ông, cứ lênh đênh, lênh đênh. Giờ ông cứ lênh đênh, lênh đênh nhưng không hẹn ngày về.
Năm 2001, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Ca khúc “Biển hát chiều nay”, “Hoa sữa”, “Quà tháng năm”, “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ” và hợp xướng “Lửa rực cháy”’; Ngày 28/10/2021, nhạc sĩ Hồng Đăng được trao Giải thưởng Lớn “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” vì có những cống hiến xuất sắc cho nền âm nhạc Thủ đô.
Theo baogiaothong.vn