Dàn nhạc ngũ âm truyền thống của người Khmer được hợp thành bởi 5 bộ nhạc cụ làm từ 5 loại chất liệu khác nhau tạo nên 5 âm sắc riêng biệt nên được gọi là nhạc ngũ âm. 5 bộ nhạc cụ gồm bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da. Mỗi loại nhạc cụ được định âm chính xác, đảm bảo yếu tố hòa âm cho cả dàn nhạc để khi hòa tấu tạo ra âm thanh độc đáo, từ rất trầm đến cao vút, từ ngọt ngào, du dương đến sâu lắng đi vào lòng người.
Nghệ nhân ưu tú Danh Tiền, ngụ huyện Gò Quao cho biết: “Trước kia, nhạc ngũ âm truyền thống của người Khmer chỉ biểu diễn trong chùa và trong sinh hoạt nghi lễ tôn giáo, ngày nay nhạc ngũ âm được biểu diễn ở lễ hội, đám cưới, đám tang của đồng bào Khmer. Nhạc ngũ âm trở thành một phần không thể thiếu trong các lễ hội của đồng bào Khmer”.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer, nhạc ngũ âm được lưu giữ, trình tấu và truyền dạy ở trường dân tộc, các chùa Nam tông Khmer, điển hình như dàn nhạc ngũ âm ở các chùa Thứ Năm, Cà Nhung, Tà Bết... Đến với chùa Thứ Năm (An Biên) khoảng 18 giờ là chúng ta được thưởng thức âm thanh rộn ràng của các loại nhạc cụ truyền thống do học viên thực hiện.
Em Thị Sóc Phe, ngụ ấp Năm Chùa, xã Nam Thái (An Biên) thích nhạc cụ dân tộc từ nhỏ. “Khi nghe tin chùa mở lớp dạy nhạc cụ truyền thống của dân tộc, em đến chùa đăng ký học. Ban đầu em học thấy khó nhưng nhờ thầy chỉ dẫn nhiệt tình giúp em biết cách đánh một số bài truyền thống. Sau hơn 1 năm học, em cùng thành viên trong đội đánh thành thục nhiều bài”, em Thị Sóc Phe cho biết.
Thành viên đội nhạc ngũ âm chùa Thứ Năm (An Biên) biểu diễn nhạc ngũ âm phục vụ phật tử.
Theo đồng chí Danh Phúc - Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, nhạc ngũ âm trải qua nhiều thăng trầm. Những người chơi nhạc già đi theo năm tháng, không còn rong ruổi khắp các xóm, ấp để gõ đàn, đánh trống, đánh cồng... Thời gian gần đây, nhạc ngũ âm được các trường dân tộc nội trú quan tâm phát triển. Học sinh trường dân tộc nội trú chỉ nhau cách chơi nhạc ngũ âm.
Các chùa Nam tông Khmer và các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh tổ chức trình diễn nhạc cụ, âm nhạc ngũ âm, qua đó khuyến khích mọi người học và chơi nhạc ngũ âm. Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư kinh phí mua dàn nhạc ngũ âm cho các chùa và trường dân tộc nội trú.
Trong dòng chảy của thời gian, âm nhạc Khmer tiếp thu nhiều loại hình nghệ thuật mới, hiện đại từ các quốc gia, nhưng đối với đồng bào Khmer, nhạc ngũ âm là di sản văn hóa truyền thống quý giá luôn rộn ràng trong những dịp đến chùa lễ Phật, trong các lễ hội ở các xóm, ấp và trong đời sống.