Nhà văn Nguyễn Tuân và câu chuyện 2 lần đi tù ít người biết

An Nhiên (Tổng hợp)| 10/07/2022 14:40

Là một nhà văn nổi tiếng của văn học hiện đại, nhưng ít ai biết câu chuyện 2 lần đi tù của Nguyễn Tuân. Ông bị bắt vì vượt biên sang Thái Lan, một lần khác lại bị Pháp bắt vào tù.

Hôm nay, ngày 10/7 là sinh nhật cố nhà văn Nguyễn Tuân. Cuộc đời 77 năm của ông, trong đó khoảng nửa thập kỷ gắn bó với sự nghiệp văn học nghệ thuật, ông để lại nhiều tác phẩm để đời.

Nhưng có một câu chuyện ít người biết khi nhắc đến nhà văn Nguyễn Tuân, ấy là ông từng 2 lần đi tù. Đến giờ, câu chuyện ấy vẫn ít được nhắc tới nhưng điều đó minh chứng cho lối sống ngang tàng, thích xê dịch của một cá tính văn học.

nt5-vb.jpeg
Chân dung nhà văn Nguyễn Tuân. Ảnh tư liệu

“Ngay cả lúc anh đăm đăm ngồi trước trang giấy trắng lạnh phau giữa phòng văn, anh cũng vẫn là một con người đang đi. Đi vào cái đêm làm việc của mình. Đi cho đến chỗ tận cùng của đêm mình”, Nguyễn Tuân đúc kết “cái đi” của ông sau này.

Cả một đời xê dịch, ông không mong gì hơn ngoài việc “mỗi người hãy sống đúng với bản sắc của mình”.

Bị bắt khi vượt biên sang Thái Lan

Trước hết, phải nhắc đến lối sống “chủ nghĩa xê dịch” của nhà văn Nguyễn Tuân. Đây là một trong những tính cách rất đỗi đặc trưng của ông. Vì yêu thích lối sống tự do, thích ngao du, khám phá những vùng đất mới để cảm nhận, để sống và để viết, cuộc đời của Nguyễn Tuân vì thế mà cũng rất đỗi phong phú.

Phải nhắc đến hoàn cảnh gia đình của tác giả Chữ người tử tù. Ông sinh trưởng trong một gia đình có cha là nhà nho yêu nước và tài hoa. Vì thế, đấng sinh thành ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của Nguyễn Tuân sau này.

Ông từng thừa nhận ông không chỉ yêu mến cha mình, mà tính cách cũng bị chi phối rất nhiều. Một trong số đó là cái ngông của tuổi trẻ, muốn chống trả nề nếp, phép tắc, định kiến của xã hội bằng cách làm ngược lại với thái độ ngạo đời.

nt3-vb.jpeg
Nhà văn Nguyễn Tuân thời trẻ và những chuyến đi. Ảnh tư liệu

Khi Nguyễn Tuân lớn lên, chế độ phong kiến dần suy yếu, ông sống trong thời Pháp thuộc. Vốn là một trí thức, vì bất mãn với chế độ, ông nhiều lần bày tỏ thái độ. Khi cố nhà văn đang học cuối bậc Thành chung Nam Định, lúc đó là năm 1929, ông tham gia một cuộc bãi khoá phản đối giáo viên Pháp nói xấu người Việt.

Vì sự kiện này, Nguyễn Tuân bị nhà trường đuổi học. Không những vậy, ông cũng bị cấm vào làm việc ở bất kỳ công sở nào trên toàn cõi Đông Dương. Việc này khiến ông phần nào trở nên bất cần hơn nữa.

Cũng từ đó, Nguyễn Tuân bắt đầu sở thích ngao du sơn thuỷ. Một lần, ông cùng nhóm bạn vượt biên sang Lào, sau đó vừa đặt chân đến Băng Cốc, Thái Lan thì bị bắt do đi trái phép. Ông bị giam rồi giải về quản thúc ở Thanh Hoá như một tù nhân. Khoảng 1 năm, tác giả nổi tiếng mới được thả ra.

Nhiều thông tin nói rằng đây như một đòn giáng khiến Nguyễn Tuân lâm vào tình trạng khủng hoảng tinh thần sâu sắc. Họ miêu tả ông như một kẻ “đại bất đắc chí”.

nt-vb.jpeg
Ông bị bắt lần đầu khi vượt biên sang Thái Lan. Ảnh tư liệu

Nhưng ngay cả khi vậy, bước chân của ông cũng không mỏi. Ông cứ đi như thể để hấp thụ tinh hoa của trời đất, để cảm nhận sức sống để rồi thổi vào tác phẩm linh hồn của vạn vật như cách Nguyễn Đình Thi miêu tả ông “suốt đời đi tìm cái đẹp, cái thật”.

Như ông cũng thừa nhận đam mê xê dịch của bản thân là bởi "chỉ có cuộc đời rộng rãi, chỉ có đường đời vô thường định mới dạy cho ta biết được những câu đẹp đẽ".

Bởi thế năm 1938, ông lặn lội sang Hồng Kông đóng bộ phim Cánh đồng ma cũng vì muốn được thăm thú các bơi. Để rồi sau này, ông đi đi từ Lũng Cú, Sa Pa, Sông Đà hay thậm chí vào trại giam giặc chỉ để thoả chí.

Bị thực dân Pháp bắt giam vì che chở cán bộ

Từ thái độ bất mãn với chế độ, Nguyễn Tuân dần có thái độ sống bàng quan. Dù vậy cuộc đời vẫn không để ông yên ổn như cách ông muốn khi một lần nữa, ông tiếp tục bị bắt nhưng lần này không phải vì chủ nghĩa xê dịch như xưa.

Đó là khoảng giữa năm 1941, khi ấy ông cũng đã có “số má” trên văn đàn. Khi đó, Nguyễn Tuân ở phố Hàng Đẫy, ông thuê một căn gác ở cuối sân sau một toà nhà. Căn gác xép ấy là nơi ở của một lái xe, bên dưới là ga ra ô tô nhưng trống không. Ông tận dụng không gian đó để mắc một chiếc võng. Ông yêu thích nơi ấy đến mức có khi cả tuần không bước chân ra khỏi nhà. Sự yên tĩnh ấy giúp ông viết nhiều tuỳ bút, truyện ngắn, truyện dài.

nt4-vb.jpeg
Nhà văn Nguyễn Tuân nổi tiếng rất ghét các nhà phê bình hám danh. Ảnh tư liệu

Nhưng toà nhà ông ở lại là nơi tụ tập bí mật của một số đảng viên. Ông quen biết cũng không ít người ở đấy. Nhưng Nguyễn Tuân không quan tâm nhiều đến tình hình chính trị. Mặc cho nhiều đêm, ông đang viết thì nghe tiếng ồn vì họ tập võ, đấu gươm và cả tiếng súng, lựu đạn… Ông biết trong số đó ai là nhóm thân Nhật, nhóm chống Pháp nhưng cứ lơ, không màn đến thế sự.

Ngoài chỗ thuê, Nguyễn Tuân còn có một nơi chốn đi về thiêng liêng hơn mà ông gọi đó là am sông Tô. Đây cũng là bút danh ông từng ký dưới mỗi tác phẩm. Thật ra, đây là nơi gia đình ông sống. Đó là một ngôi nhà ngói nhỏ, nơi 3 thế hệ gia đình ông định cư. Nhà ông ở cạnh con sông Tô Lịch, nơi có dòng nước đem ngòm từ thành phố đổ ra, có mùi hôi thối rất khó chịu.

Nhưng Nguyễn Tuân rất yêu nơi này bởi khi từ Thanh Hoá ra, cả nhà ông đã chọn ở đây, nơi vợ ông tảo tần kiếm sống.

nt6-vb.jpeg
Tuỳ bút Sông Đà và chữ ký của Nguyễn Tuân. Ảnh tư liệu

Một hôm, một cán bộ Việt Minh bị mật thám bám đuổi ráo riết, bèn tìm đến am sông Tô của Nguyễn Tuân ở nhờ ít hôm. Vị cán bộ ấy cũng cho ông biết trên Hàng Đẫy đã bị theo dõi, khuyên ông không nên lên trên đó nữa. Nhưng sau đó vì mất cảnh giác, vị này bị mật thám bắt giữ và tra hỏi khiến Nguyễn Tuân bị vạ vây.

Họ lùng sục và bắt được nhà văn, liền tống ông vào xà lim để tra hỏi tin tức. Nhưng kỳ thực, ông đâu biết gì để khai. Song, mật thám nghĩ ông cứng đầu nên dùng đòn roi hòng làm nhụt chí và moi tin tức từ ông.

Cuối cùng, ông chỉ bị khép tội giúp đỡ và che chở cho Việt Minh. Người ta nói rằng Nguyễn Tuân đã im lặng, chịu đòn roi cả tháng vì im lặng, vì không muốn người khác cũng bị vạ lây.

nt67vb.jpeg
Chữ người tử tù, tác phẩm nổi tiếng của cố nhà văn Nguyễn Tuân. Ảnh tư liệu

Sau đó, cố nhà văn nổi tiếng bị tống giam ở Hoả Lò, chờ ngày ra toà chịu phán quyết. Ông bị đưa lên trại cải tạo ở vùng rừng núi Lạc Sơn, Hoà Bình. Khoảng một năm sau, ông được thả về.

Nhưng điều thú vị là vì tính cách thích xê dịch, nên người ta không quan tâm việc ông “biến mất” trong một năm đó. Họ nghĩ ông lại đi đến một vùng đất mới.

Sự kiện này đánh dấu giai đoạn dấn thân của Nguyễn Tuân, bởi không lâu sau đó, ông bắt đầu tham gia cách mạng. Kể từ đây, một cái tôi tài hoa nhưng khinh bạc của ông đã thay đổi để hoà mình vào cuộc sống của nhân dân, trở thành một chiến sĩ trên mặt trận văn hoá. Sự thay đổi này của ông được Nguyễn Đình Thi chia sẻ trong điếu văn ở lễ tang ông: “Ông dự các trận đánh, ông chia sẻ với chiến sĩ từng nắm cơm ăn vội đến giấc ngủ giữa rừng. Ông nhìn thấy những người trai trẻ yêu quý hy sinh giản dị cho Tổ quốc sống còn”.

Điều đáng nói, khi Hội Nhà văn Việt Nam bắt đầu siết chặt quản lý nhân sự, có hồ sơ kê khai những điểm nổi bật như công tác, thời gian bị bắt, tù đày… Nhưng Nguyễn Tuân không kể lại sự việc trên, ông chỉ ghi đơn giản: “Đi căng một năm vì chứa chấp Phùng”.

Đến nay, người ta vẫn hay nói đùa nếu ngày ấy ông chịu “kể công”, nhà tù chính trị Hoả Lò đã có tên một bảng vàng để người đời nay có thêm di tích lịch sử.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn Nguyễn Tuân và câu chuyện 2 lần đi tù ít người biết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO