Trải qua 100 năm hình thành, phát triển, từ một dải đất nhỏ nằm ven biển, đến nay Nha Trang trở thành trung tâm du lịch của cả nước.

Sáng 5-3, UBND TP Nha Trang (Khánh Hòa) tổ chức hội thảo 100 năm hành trình lịch sử với chủ đề: "Nhận diện, phát huy các giá trị văn hóa, con người Nha Trang trong xây dựng, phát triển thành phố".

Ông Hồ Văn Mừng, Bí thư Thành ủy Nha Trang, cho biết đây là một trong ba hội thảo quan trọng trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển TP Nha Trang (1924-2024); 15 năm Nha Trang được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh (2009-2024).

Theo Bí thư Thành ủy Nha Trang, từ lúc phát động ý tưởng, đến nay đã có 55 chuyên đề tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước về các lĩnh vực văn hóa, lịch sử.

Trong đó, các chuyên đề tập trung làm rõ những nét đặc trưng về văn hóa vùng đất, con người Nha Trang trong tiến trình lịch sử, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể để phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa, con người trong xây dựng, phát triển thành phố thời gian tới.

Nha Trang
Nha Trang hiện nay là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: XUÂN HOÁT

Mảnh đất của “tứ thủy triều quy, tứ thú tụ”

Theo nhiều tài liệu, tên gọi Nha Trang được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là “Ya Trang”, có nghĩa là “sông Lau” - tên người Chăm xưa gọi sông Cái Nha Trang.

Dưới góc nhìn của các nhà địa lý xưa, Nha Trang được coi là vùng đất lạ, có Tứ thủy triều quy, tứ thú tụ, nghĩa là bốn mặt có nước bao bọc và có bốn quả núi mang hình bốn con thú tụ về giữ gìn anh khí. Sự đa dạng về địa hình giữa đồng bằng, đồi núi và các đảo bao quanh đã tạo nên một Nha Trang tuyệt đẹp.

Vết xưa còn lại như minh chứng lịch sử trăm năm thành phố là dáng Tháp bà Ponagar hàng ngàn năm.

Trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử Nha Trang được ghi lại vào năm 1924 khi vua Khải Định ra đạo dụ thành lập thị trấn Nha Trang. Lúc hình thành, thị trấn Nha Trang có bốn làng gồm: Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài.

Nghị định ngày 7-5-1937, Nha Trang được nâng lên thị xã với năm phường, gồm: Xương Huân là phường đệ nhất, Phương Câu là phường đệ nhị, Vạn Thạnh là phường đệ tam, Phương Sài là phường đệ tứ, Phước Hải là phường đệ ngũ.

Đến năm 1944, vua Bảo Đại ra đạo dụ nâng thị trấn Nha Trang lên thành thị xã.

Ngày 30-3-1977, Hội đồng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra Quyết định nâng thị xã Nha Trang lên TP Nha Trang trực thuộc tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa). Đến năm 2009, Thủ tướng quyết định nâng Nha Trang thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Theo PGS.TS Lưu Trang, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, trong hành trình khai sơn, phá thạch, mở đất, lập làng của cha ông ta, năm 1653, Khánh Hòa gia nhập vào hành trình phát triển của quốc gia Đại Việt.

Trải qua các chặng đường lịch sử, Nha Trang luôn đóng vai trò trọng yếu đối với Khánh Hòa. Các thế hệ cư dân sinh sống trên mảnh đất này đã tiếp nhận và hòa hợp với các giá trị văn hóa bên ngoài nhằm bổ sung, làm giàu thêm giá trị văn hóa bản địa. Văn hóa Nha Trang phong phú, đa dạng trong sự thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.

Theo TS Trang, Nha Trang mang đặc điểm chung của vùng Nam Trung Bộ có nhiều tộc người, đa dạng văn hóa: “Có thể quy các tộc người vào hai ngữ hệ chủ yếu Mã Lai - Đa đảo (Indonesien) hay Nam đảo gốc biển và Nam Á gốc đồi núi”.

“Một mảnh đất hội tụ rất nhiều tộc người, như Chăm, Raglai, Êđê, T’rin, K’ho, Nùng, Hoa, châu Âu...Do vậy, Nha Trang có sự đặc biệt mà rất ít địa phương nào có được. Điều đó tạo nên một nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc cộng thêm vẻ đẹp tự nhiên khiến mảnh đất này rất đặc biệt” - TS Trang trình bày.

Còn PGS.TS Nguyễn Văn Đăng, nguyên Trưởng khoa Lịch sử - trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, cho rằng một yếu tố nổi bật của mảnh đất Nha Trang - Khánh Hòa là hệ thống biển, cửa biển và đảo.

“Theo Hoàng Việt nhất thống dư địa chí từ đầu thế kỷ XIX (1806) vai trò trọng yếu của các cửa biển nằm trên vùng biển Khánh Hòa đương thời. Từ phía Bắc đi vào, có thể kể đến cửa cảng Suối Bùn, đồn và điếm Tô Hà, cửa biển thôn Phú Hội Tây, cửa biển Xung Hàu, đồn cửa biển Hòn Khói, cửa biển Nha Ru, cửa biển Cù Huân, cửa biển Cam Ranh" - ông nói.

Theo vị chuyên gia, quyển tuyển tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá viết vào thế kỷ XVII (1686) - tài liệu sớm nhất liên quan đến chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông - xác nhận rằng chúa Nguyễn đã lập Đội Hoàng Sa để khai thác các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ XVII. Sau đó, đội Bắc Hải cũng được thành lập để hoạt động ở Trường Sa. Những đôi dân binh đó vừa có nhiệm vụ kiểm soát, vừa khai thác tài nguyên ở các hải đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa và các đảo ở phía Nam Đại Việt.

Khánh Hòa - Nha Trang đã từng tồn tại một cơ tầng văn hóa sâu và dày từ thời tiền - sơ sử. Đó là văn hóa xóm Cồn (tiền Sa Huỳnh) với không gian rộng bao gồm Cam Ranh - Bích Đầm - Hòn Tre, các di chỉ Hòa Diêm, mộ chum Diên Sơn (Cam Ranh), các di vật Đàn Đá Khánh Sơn, Trống Đồng (I và II) Nha Trang. Chúng đều có niên đại từ 2.000 năm trở lên cách ngày nay.

Bia Võ Cạnh và các nghiên cứu của người Pháp cho thấy từ sau Công nguyên có một tiểu vương quốc từ Tiểu vương Sri Mara đến tiểu quốc Khauthara ở vùng Khánh Hòa vào đến bắc Ninh Thuận mà hiện hữu nhiều di tích, di vật nổi tiếng là Po Nagar và nhiều đền tháp Champa khác…

H1.webp
Toàn cảnh TP Nha Trang nhìn từ trên cao. Ảnh: VƯƠNG MẠNH CƯỜNG

Cũng theo TS Đăng, về nhân tài Nha Trang - Khánh Hòa, có Hùng Lộc hầu, Nguyễn Thoan, Trần Văn Năng (1763-1834), Nguyễn Xuân Thục, bác sĩ và nhà thám hiểm Alexandre Yersin (1863-1943), người Pháp gốc Thuỵ Sĩ - ông góp phần lớn cho sự ra đời của Viện Paster Nha Trang ngày nay, trở thành công dân danh dự của nước Việt Nam.

Trong giáo dục khoa cử đỗ đạt Nho học, có tám cử nhân thời Nguyễn đỗ đạt trong các năm: Trần Văn Tú (1813), Tào Quang Lệ (1821), Nguyễn Tấn Ích (1847), Trần Văn Thống (1848), Cao Đệ (1891), Nguyễn Lương (1897), Lê Đức Huy và Trần Trọng Quỳnh (1906), Trần Quý Cáp… Các vị tiến sĩ, giáo sư trong giáo dục tân học thời Pháp thuộc, các anh hùng chống Pháp, chống Mỹ và trong hai cuộc kháng chiến và xây dựng quê hương…

Trung tâm kết nối vùng

Theo TS Vũ Đình Anh, Học viện Chính trị khu vực III, TP Nha Trang có nguồn lực văn hóa hết sức phong phú và đa dạng.

“Nha Trang có bốn di sản văn hóa vật thể cấp quốc gia, 34 di tích cấp tỉnh. Chưa hết, Nha Trang có Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại được công nhận cho 09 tỉnh miền Trung. Những truyền thống tốt đẹp về văn hóa, con người ấy được trao truyền, gìn giữ, tạo nền tảng vững chắc trong hội nhập và phát triển của Nha Trang ngày nay” - TS Anh nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng du lịch Khánh Hòa thời gian qua chủ yếu đang tập trung khai thác lợi thế biển, đảo với các dịch vụ nghỉ dưỡng, điểm nhấn thu hút du khách vẫn thiên về cảnh quan thiên nhiên đẹp, gắn với hệ thống biển, vịnh, đảo... Do vậy, ngành công nghiệp không khói này chưa tạo được nhiều sản phẩm và dịch vụ văn hóa đặc sắc cho sự trải nghiệm của du khách.

Còn TS Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, cho rằng Nha Trang có thế mạnh trong phát triển kinh tế biển với ngành kinh tế mũi nhọn là dịch vụ - du lịch, logistics.

“Nha Trang là cửa ngõ ra biển cho Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng. Ngược lại, Tây Nguyên là cửa ngõ để xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang một số tỉnh của Campuchia và Lào; là nguồn cung hàng hóa và các sản phẩm như nông nghiệp, tài nguyên khoáng sản. Do đó, Nha Trang không chỉ là một phần tham gia mà còn đóng vai trò cửa ngõ hướng biển và cực liên kết mạnh kết nối chiến lược Tây Nguyên - Duyên hải Nam Trung bộ” - TS Thụy nhận định.

nha-trang-324-8043.jpg
Nha Trang hội tụ nhiều nét văn hóa truyền thống ít vùng đất nào có được. Ảnh: XUÂN HOÁT

Để giải bài toán phát triển bền vững, theo TS Anh, trước mắt, Khánh Hòa cần xây dựng và ban hành nghị quyết về lĩnh vực văn hóa, phát huy hiệu quả các nguồn lực văn hóa ở địa phương phục vụ sự phát triển bền vững.

Ngoài ra, địa phương cần có chính sách thu hút, đãi ngộ, khuyến khích sự cống hiến của nguồn nhân lực, tài năng trong tất cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa, nghệ thuật... Đồng thời, xây dựng các đề án, dự án gìn giữ, phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, qua đó một mặt gìn giữ, bảo tồn để tránh nguy cơ mai một.

6 lĩnh vực Nha Trang hướng tới

Nha Trang hướng tới đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, du lịch bền vững; chỉ ưu tiên thu hút đầu tư ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, công nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi phương thức sản xuất ứng dụng công nghệ xanh.

Chú trọng nuôi biển công nghệ cao, bền vững thân thiện môi trường tại vùng quy hoạch nuôi; tích hợp tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quy hoạch và phát triển hệ thống đô thị thông minh, phát thải các bon thấp.

Ưu tiên các loại hình phương tiện giao thông thân thiện môi trường và xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Ông HỒ VĂN MỪNG, Bí thư Thành ủy Nha Trang.

Theo plo.vn
https://plo.vn/nha-trang-tron-100-tuoi-post778896.html
Copy Link
https://plo.vn/nha-trang-tron-100-tuoi-post778896.html
Bài liên quan
  • Top six must-try adventure games in Nha Trang
    Riding a water motorcycle, flyboarding, and scuba diving are among the top seaside adventure games that tourists find to be most alluring in Nha Trang City of Khanh Hoa province, central Vietnam.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nha Trang tròn 100 tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO