Nhà tình báo Liên Xô trở thành anh hùng sau khi ra tù

Nguyễn Quang - CTV| 03/04/2022 19:22

Nhà tình báo Vladimir Karpov đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, dù trước đó ông từng có thời gian bị ngồi tù.

Nhà tình báo Liên Xô trở thành anh hùng sau khi ra tù - 1

Nhà văn, nhà báo Vladimir Karpov (Ảnh: Yuri Mashkov/TASS).

Vladimir Karpov sinh ngày 28/7/1922 tại thành phố Orenburg, Nga, nhưng ông lớn lên và học phổ thông ở Tashkent. Ngôi trường số 61, nơi ông theo học, nằm cạnh một trường quân sự. Vì vậy, nhiều con cái của các sĩ quan chỉ huy đã học cùng với ông. Một trong số bạn bè cùng học với ông có Yura Petrov, con trai của chỉ huy trường quân sự. Karpov kết bạn với Yura và thường xuyên đến nhà bạn chơi.

Khi sắp học hết phổ thông, Ivan Efimovich Petrov, bố của Yura, nói: "Karpov, cháu chắc chắn sẽ trở thành một chỉ huy giỏi. Cháu vào học trường quân sự thì sẽ rất tốt".

Khi đó, Karpov là một chàng trai khỏe mạnh, tập quyền anh và chưa đầy 18 tuổi, chưa đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Karpov nói điều đó với Ivan Efimovich, và ông trấn an: "Không sao, cháu mới 17 tuổi rưỡi nhưng nhìn có kém gì chàng trai 20 đâu. Hơn nữa, bác là hiệu trưởng, bác quyết định được". Sau đó, Karpov đã trở thành học viên trường quân sự.

Đó là một quyết định định mệnh gắn số phận của ông với cuộc đời binh nghiệp. Nhưng cũng chính bước ngoặt đó đã đưa ông không chỉ được đứng trong hàng ngũ của Hồng quân Liên Xô mà còn làm cho tên tuổi của ông trở thành bất tử, khiến ông sau này trở nên nổi tiếng khắp cả nước.

"Tôi đã học trong hai năm và đến ngày 23/2/1941 thì kết thúc khóa học. Mỗi người chúng tôi được may đo toàn bộ đồng phục từ quân phục cho đến áo khoác (không như ngày nay, đồng phục được cấp phát từ kho). Tôi đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho kỳ thi quốc gia. Đột nhiên, 19 ngày trước khi tốt nghiệp, tôi bị bắt", Karpov nhớ lại.

"Hầu như tất cả nhà thơ đều là những người có suy nghĩ tự do. Tôi cũng bày tỏ những suy nghĩ  như vậy. Vào thời điểm đó, đây là một tội lớn, tội tuyên truyền kích động chống nhà nước Xô Viết. Tôi đã bị xét xử và bị kết án 5 năm trong trại cải tạo và 3 năm bị tước quyền công dân. Tôi bị giam tại Trại Tavdinlag ở vùng Bắc Urals, nơi toàn rừng taiga, là một vùng hoang vu, sương giá âm 50-60 độ. Tôi phải làm việc tại một khu khai thác gỗ - công việc khó khăn nhất là đốn cây. Rất khó cắt cành khi phải lội trong đống tuyết sâu. Làm việc từ khi trời còn mờ sáng đến tối mịt. Đó là cuộc sống trong trại", ông Karpov nhớ lại.

Cũng giống nhiều người khác, Karpov cũng đã viết thư cho chính phủ và nhà lãnh đạo Mikhail Ivanovich Kalinin. Ông yêu cầu được cử ra mặt trận.

"Tôi suýt là một chỉ huy, là một người khỏe mạnh, thích thể thao, vô địch quyền anh của Trung Á và Quân khu Trung Á", Karpov viết.

Một ngày cuối năm 1942, Karpov được phóng thích và được giới thiệu đến một đại đội thu dung. "Vào thời điểm đó, tôi đã thụ án được gần hai năm. Trận chiến Moscow đã qua từ lâu, còn Trận chiến Stalingrad đang diễn ra sôi nổi, và tổn thất của Hồng quân là rất nặng nề. Và vì phải huy động tất cả những người có thể chiến đấu ra mặt trận, nên người ta đã chọn những người trẻ, khỏe mạnh hơn từ các trại cải tạo lao động - không phải là những tội phạm quá nghiêm trọng (điều này có thể xem xét trong hồ sơ). Khoảng 10 người đã được chọn từ trại của chúng tôi và được gọi đến để nhận nhiệm vụ", ông Karpov kể lại.

Sau đó thực sự là những chặng đường khắc nghiệt của chiến tranh với tiểu đoàn thu dung, trong đó có người lính trẻ vừa được giao nhiệm vụ. Nhiều người đã hi sinh nhưng  Karpov may mắn còn sống.

Một thành tích của Karpov là bắt sống kẻ địch và thường xuyên đưa về tiểu đoàn của mình. Ông còn được công nhận là sĩ quan tình báo giỏi nhất vào năm 1944, khi Tổng cục Chính trị của Hồng quân thống kê rằng Karpov đã một mình và cùng đồng đội tóm được 79 tù binh của đối phương.

Sau đó, các chỉ huy đã ký các văn bản đề xuất trao tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên bang Xô Viết cho Karpov và gửi về Moscow nhưng bị phản đối. Đến năm 1944, sau khi Karpov thực hiện một mệnh lệnh đặc biệt quan trọng và mang về từ phía sau chiến tuyến những tấm bản đồ có giá trị và cần thiết cho cuộc tấn công, việc thuyết phục Moscow mới đi đến kết quả. Vào thời điểm đó, Karpov, bị thương nặng trong trạm xá tiểu đoàn, mới được thông báo rằng ông đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Sau đó, Karpov có thời gian phục vụ trong GRU (Tình báo Quân đội) của Bộ Tổng Tham mưu Các Lực lượng Vũ trang Liên Xô. Sau chiến tranh, sự nghiệp văn chương của ông cũng khá thành công: ông là tác giả của hàng chục tác phẩm viết về chiến tranh, một số tác phẩm còn được trao giải thưởng nhà nước và các giải thưởng khác. Ông cũng có một số cuốn sách bán rất chạy.

Ông Karpov được bầu làm đại biểu nhân dân Liên Xô và là thư ký Hội Nhà văn Liên Xô. Ông đã làm tốt công việc giáo dục lòng yêu nước cho giới trẻ. Ông qua đời vào năm 2010 tại Moscow.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/the-gioi/nha-tinh-bao-lien-xo-tro-thanh-anh-hung-sau-khi-ra-tu-20220331000008870.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/the-gioi/nha-tinh-bao-lien-xo-tro-thanh-anh-hung-sau-khi-ra-tu-20220331000008870.htm
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhà tình báo Liên Xô trở thành anh hùng sau khi ra tù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO