Nhà thuốc và y tế cơ sở kết nối để san sẻ gánh nặng F0

NGUYỄN LY - CHÂN PHÚC| 17/12/2021 17:17

TPHCM - Thực tế cho thấy, hệ thống y tế cơ sở và hệ thống nhà thuốc trên địa bàn được cho là nơi đầu tiên mà F0 tiếp cận, nếu hai đơn vị này phối hợp tốt, sẽ tạo hàng rào vững chắc khi chăm sóc F0 tại nhà đạt hiệu quả.

Ngày 2.9, gia đình bà Huỳnh Thị Kim Nhung (huyện Bình Chánh, TPHCM) gồm 7 người đều lần lượt dương tính với COVID-19, trong đó có 1 người 75 tuổi và một em bé 2 tuổi.

Nhớ lại thời điểm đó, bà Nhung vẫn còn cảm giác hồi hộp vì các triệu chứng ho, sốt, mất vị giác cả nhà đều có. Đặc biệt, có bé 6 tháng tuổi phải nhập viện Nhi đồng 2 điều trị. Trong lúc đó, gia đình bà Nhung đã liên hệ với tiệm thuốc gần nhà để được hỗ trợ và giao thuốc tận nơi.

“Lúc đó rối lắm, mặc dù có báo trạm y tế rồi nhưng trạm bảo mua thuốc hạ sốt, thuốc ho và uống, nếu có triệu chứng nặng hơn thì phải đến bệnh viện. Sau đó, tôi được nhà thuốc cấp cho gói thuốc A, giảm ho, giảm sốt, tiêu đờm và thêm cả thuốc bổ nữa nên cả nhà vượt qua dịch an toàn. Thời điểm đó không có nhà thuốc hỗ trợ, tôi không biết sẽ như thế nào” - bà Nhung chia sẻ.

Ở những địa bàn nóng về số ca mắc COVID-19, các tiệm thuốc như một địa chỉ cứu cánh của nhiều F0. Đơn cử, hệ thống 30 nhà thuốc Huy Hoàng (huyện Bình Chánh, TPHCM), mỗi ngày có thể ghi nhận được cả trăm F0 đến mua que test và thuốc điều trị tại nhà.

 
Nhà thuốc và y tế cơ sở kết nối để san sẻ gánh nặng F0. Ảnh: Nguyễn Ly

Một thực tế cho thấy, khi người dân có vấn đề về sức khỏe, đa phần tìm đến các tiệm thuốc trước tiên để tư vấn điều trị.

Theo các chuyên gia, kế hoạch của TPHCM là đưa hệ thống nhà thuốc tư nhân vào chăm sóc F0 là hợp lý, bởi nếu phối hợp tốt thì đây sẽ là nguồn nhân lực giúp giảm tải tuyến y tế cơ sở vốn đã bộc lộ nhiều hạn chế khi dịch bùng phát.

Ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó Chủ tịch Chi hội nhà thuốc TPHCM - cho hay: “Thực ra chủ trương tham gia vào hệ thống chống dịch là một quyết định sáng suốt, tại các nhà thuốc có dược sĩ cao đẳng và dược sĩ đại học… họ có những kiến thức chuyên môn, chúng ta chỉ cần cập nhật cho họ những kiến thức liên quan đến COVID-19. Thuốc điều trị trong COVID-19 là những nhóm nào, có tác dụng như thế nào với bệnh nhân, điều quan trọng là quy trình chăm sóc để F0 mau chóng khỏi bệnh, hạn chế chuyển biến nặng”.

Ông Dương cũng cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin để thành lập các nhóm theo cấp độ phường, tổ có sự kết nối giữa nhà thuốc, y tế cơ sở và người bệnh, từ đó dễ dàng quản lý người bệnh.

Trong thời gian tới, các nhà thuốc nếu được tham gia vào hoạt động hỗ trợ F0 điều trị tại nhà, hoạt động kê đơn và cấp phát thuốc cũng cần thận trọng, đặc biệt là những bệnh nhân có cơ địa dễ chuyển biến nặng.

BS CKII Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố - cho rằng, khi thực hiện bán thuốc ở nhà thuốc, người dân muốn mua được thuốc điều trị COVID-19 phải có kê đơn của bác sĩ, bởi nếu không đúng liều lượng được chỉ định bệnh nhân có thể bị tác dụng phụ”.

Đồng thời, theo các chuyên gia, thành phố cần có những hành lang, công văn hướng dẫn tạo tính pháp lý cho những người kê toa, dựa trên cơ sở là phác đồ, phác đồ Bộ Y tế có rồi, nhưng cần phải xây dựng cụ thể hơn, chống chỉ định sử dụng thuốc cho đối tượng nào, chống chỉ định cụ thể ra sao, thời gian và hướng dẫn sử dụng.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhà thuốc và y tế cơ sở kết nối để san sẻ gánh nặng F0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO