Nhà thuốc gánh F0 cùng trạm y tế

18/12/2021 12:41

Thực tế ghi nhận, trạm y tế và nhà thuốc là 2 địa chỉ F0 tìm đến đầu tiên khi phát hiện mắc Covid-19. Nếu phối hợp hiệu quả, F0 sẽ được chăm sóc và giảm gánh nặng đáng kể cho y tế cơ sở.

Nhà thuốc hỗ trợ F0

Ngày 2/9 gia đình chị Huỳnh Thị Kim Nhung (huyện Bình Chánh, TP.HCM) gồm 7 người đều lần lượt nhiễm Covid-19. Trong đó có người già 75 tuổi và một cháu bé 6 tuổi.

Thời điểm đó, cả gia đình cùng chung triệu chứng ho, sốt, mất vị giác. Riêng bé 6 tháng tuổi phải nhập Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM điều trị cùng mẹ. “Lúc đó rối lắm! Tôi báo trạm y tế, trạm bảo mua thuốc hạ sốt, thuốc ho uống, nếu có triệu chứng nặng hơn phải đến bệnh viện”.

Tại huyện Bình Chánh, nhiều gia đình có F0 chủ động mua thuốc thay vì chờ y tế cấp phát.

Nhà thuốc gánh F0 cùng trạm y tế

Gia đình không còn ai âm tính với nCoV để đi mua thuốc, bà Nhung liên hệ với tiệm thuốc gần nhà để được giao tận nơi. Nhà thuốc này đã lên sẵn các gói thuốc theo toa của Sở Y tế TP.HCM, bao gồm thuốc giảm ho, giảm sốt, tiêu đờm, vitamin (gói thuốc A).

“Không có nhà thuốc hỗ trợ tôi không biết xử lý như thế nào”, bà Nhung chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Lệ (huyện Bình Chánh, TP.HCM) rút kinh nghiệm từ người thân, ngay khi phát hiện mắc Covid-19 đã chủ động mua thuốc, thay vì chờ đợi y tế cấp phát miễn phí. Tâm lý này phát sinh sau rất nhiều trường hợp F0 cách ly tại nhà không tiếp cận được y tế, không được cấp các túi thuốc theo quy định.

Nhận thấy trạm y tế quá tải, nhân viên y tế không đủ thời gian chăm sóc người bệnh, dược sĩ Huỳnh Ngọc Dương, Phó Chủ tịch Chi hội nhà thuốc TP.HCM nhanh chóng hình thành nhóm Zalo hỗ trợ F0.

Tại nhóm này, bác sĩ, dược sĩ, F0 được liên kết. Người bệnh được bác sĩ theo dõi mỗi ngày, dược sĩ hướng dẫn cách dùng thuốc phù hợp. Đợt dịch vừa qua, khoảng 200 F0 đã được nhóm của dược sĩ Dương chăm sóc tại nhà theo cách thức này.

“TP huy động nhà thuốc tham gia vào hệ thống chống dịch là một quyết định sáng suốt. Các dược sĩ nhà thuốc có chuyên môn, chúng ta chỉ cần cập nhật cho họ kiến thức liên quan đến Covid-19”, dược sĩ Huỳnh Ngọc Dương chia sẻ.

Cẩn trọng khi nhà thuốc cung ứng túi thuốc C 

Theo kế hoạch của Sở Y tế TP.HCM, trên tinh thần tự nguyện, một số nhà thuốc tư nhân sẽ là cánh tay nối dài của trạm y tế, nhận túi thuốc A,B,C để cấp phát cho F0.

Những nhà thuốc này được y tế cơ sở đề xuất và chính quyền địa phương cho phép để đảm nhận nhiệm vụ trên. "Quy chế phối hợp được xây dựng trên nguyên tắc Sở kiểm soát chặt các túi thuốc, tránh nhập nhằng mua bán thuốc và cấp miễn phí", Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết.

Một số nhà thuốc sẽ là một cánh tay nối dài của trạm y tế. 

Nhà thuốc gánh F0 cùng trạm y tế

Mặc dù ủng hộ phương án nhà thuốc tham gia chống dịch, nhưng dược sĩ Huỳnh Ngọc Dương lại lo ngại  nguy cơ liên quan đến túi thuốc C – thuốc kháng virus. Đây là loại thuốc sử dụng có kiểm soát với các chỉ định chặt chẽ về độ tuổi, tình trạng F0…

“Tôi không đồng ý để cho nhà thuốc cấp phát gói thuốc C cho bệnh nhân. Các thuốc kháng virus như Favipiravir hoặc Molupiravir có chỉ định và cách sử dụng vô cùng quan trọng. Cần phải để cho bác sĩ có chuyên môn, kê đơn với loại thuốc này”,  Phó Chủ tịch Chi hội nhà thuốc TP.HCM chia sẻ.

Trong khi đó, bác sĩ CKII. Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP cho rằng, ngay cả khi Molnupiravir được phép bán ở các nhà thuốc, cũng không thể mua tự do, mà cần bán theo đơn của bác sĩ.

Trong tương lai gần, thuốc kháng virus có thể được bán tại nhà thuốc.

Nhà thuốc gánh F0 cùng trạm y tế

“Toa thuốc này phải được bác sĩ ký tên và chịu trách nhiệm. Thuốc kháng virus này nếu uống không đúng liều, không đúng chỉ định có thể gây nhiều tác dụng phụ như dị tật trên thai kỳ, ảnh hưởng tim mạch, gan thận….”, bác sĩ Tiến chia sẻ quan điểm.

Ông không tránh khỏi lo ngại khi nhiều người dân vẫn còn tâm lý uống trước thuốc để phòng ngừa. Tâm lý này đặc biệt nguy hiểm với thuốc kháng virus. Đây là loại thuốc đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, dành cho F0 triệu chứng nhẹ, trên 18 tuổi, không dùng cho phụ nữ mang thai và có kế hoạch mang thai.

“Thuốc nào cũng có 2 mặt, hiệu quả điều trị và tác dụng phụ. Thuốc kháng virus đang trong quá trình nghiên cứu, cần sàng lọc tình trạng bệnh nhân và theo dõi chặt chẽ sau khi sử dụng", bác sĩ Tiến chia sẻ.

Hiện nay, TP.HCM có hơn 6.500 nhà thuốc tư nhân trên khắp địa bàn. Sau lời kêu gọi chung tay chống dịch của Sở Y tế, 590 nhà thuốc đã đăng ký tham gia chương trình chăm sóc F0 tại nhà.

Linh Giao

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhà thuốc gánh F0 cùng trạm y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO