Nhà thầu quốc phòng - đặc trưng của công nghiệp quốc phòng Mỹ

24/04/2021 21:54

Đặc điểm nổi bật của CNQP Mỹ là có sự tham gia rộng rãi của các nhà thầu quốc phòng tư nhân theo đơn đặt hàng của chính phủ. Vì vậy, sự chuyển hướng khi cần thiết trong CNQP của nước này cũng uyển chuyển nhằm đáp ứng được nhu cầu của cả khách hàng và nhà đầu tư.

Sự chuyển hướng thường đến sau khi có những thay đổi căn bản trong cân bằng địa chính trị toàn cầu. Trong điều kiện đó, các nhà thầu quốc phòng Mỹ thường điều chỉnh danh mục vốn đầu tư, xem xét lại chiến lược phát triển công nghệ quốc phòng và thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới. Tất cả đều phải nhằm đáp ứng được yêu cầu tác chiến của quân đội Mỹ và đồng minh.

Trong Chiến tranh lạnh, nền CNQP Mỹ ngoài mục đích bảo vệ nước Mỹ và trang bị khí tài cho phe tư bản, nó còn phải đáp ứng yêu cầu chạy đua vũ trang với khối xã hội chủ nghĩa. Nhiều thành tựu nổi bật về quốc phòng của cả hai phe đã được ghi nhận trong giai đoạn này, đặc biệt là việc chế tạo các loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và việc chinh phục không gian vũ trụ.

Tuy nhiên, việc Chiến tranh lạnh kết thúc đã khiến nền CNQP Mỹ có những thay đổi cơ bản. Hàng loạt các hãng vũ khí tên tuổi và khoảng hơn một chục hãng sản xuất vũ khí nhỏ hơn lần lượt bị sáp nhập, thâu tóm, tạo nên một số lượng ít hơn những “ông lớn” như Lockheed Martin, Boeing, Northrop Grumman, Raytheon, General Dynamics... Giai đoạn này kéo dài từ năm 1993 tới trước ngày 11-9-2001.

Một chiếc F-35 (máy bay chiến đấu thế hệ 5, do Lockheed Martin phát triển) được biên chế cho Không đoàn Thủy quân lục chiến số 2 của Mỹ tại căn cứ quân sự MacDill, Florida. Ảnh: defensenews.com

Vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 đã làm thay đổi cơ bản bức tranh CNQP nước Mỹ thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh. Từ năm 2001 tới 2010, chính quyền Mỹ tăng chi tiêu quốc phòng thêm gần 70% nhằm duy trì các chiến dịch chống khủng bố tại Afghanistan và Iraq. CNQP Mỹ hướng tới phục vụ mục đích song trùng: Nhu cầu tác chiến ngắn hạn và đối phó các mối đe dọa lâu dài. Để đáp ứng được yêu cầu tác chiến ngắn hạn, các nhà thầu quốc phòng tăng cường sản xuất trang thiết bị, khí tài thiết yếu và mở rộng năng lực cho các quân, binh chủng trong những chiến dịch có phạm vi trải rộng trên đất liền.

Trong những thập kỷ tới, Washington vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi mục đích song trùng nêu trên. Tuy Tổng thống Joe Biden vẫn chưa công bố kế hoạch quốc phòng của mình, nhưng khả năng tăng mạnh đầu tư vào CNQP là ít có. Thay vào đó, nền CNQP Mỹ sẽ nhắm tới những lĩnh vực được quan tâm nhiều hơn, như: Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong tác chiến, công nghệ in 3D trong thay thế thiết bị hỏng hóc đơn giản, xử lý thông tin dữ liệu lớn... Trong điều kiện đó, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ phải tiếp tục thay đổi phương án mua sắm và xem xét lại mô hình kinh doanh quốc phòng truyền thống.

Nền CNQP Mỹ trong những thập kỷ tới sẽ tái định hình dựa trên những xu hướng đang nổi, như: Có nhiều tập đoàn lưỡng dụng thương mại-quốc phòng hơn; gia tăng hợp nhất; mở rộng nguồn vốn đầu tư tư nhân.

Mặc dù trải qua nhiều lần tái cấu trúc hệ thống, nền CNQP Mỹ cho thấy mô hình cơ bản là không đổi. Nguồn vốn đầu tư vẫn chảy từ Bộ Quốc phòng tới các nhà thầu vũ khí, trang thiết bị quân sự thông qua các hợp đồng và đơn đặt hàng. Mục đích của nền CNQP Mỹ dẫu có thay đổi qua các giai đoạn lịch sử, nhưng vẫn nhằm bảo đảm an ninh nội địa, duy trì ảnh hưởng toàn cầu, bảo vệ đồng minh và xuất khẩu vũ khí.

HỮU DƯƠNG

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhà thầu quốc phòng - đặc trưng của công nghiệp quốc phòng Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO