Ông Nguyễn Đình Nam, Phó giám đốc Ban điều hành dự án 85, đơn vị phụ trách quản lý dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cho biết, hiện các nhà thầu đã nhận được 22,86/176,74 ha mặt bằng (đạt 13%). Các mặt bằng đã nhận, ban quản lý chỉ đạo nhà thầu triển khai nhân lực, máy móc thi công ngay.
Tuy nhiên, diện tích mặt bằng nhận được còn hạn chế và không liền khoảnh nên nhiều nhà thầu gặp khó khăn trong tổ chức thi công khiến tiến độ dự án rất chậm. Trước đó, ngay khi khởi công dự án, nhà thầu đã huy động nhiều máy móc, thiết bị theo hồ sơ đề xuất về hiện trường.
Thời gian chờ mặt bằng, đơn vị thi công khảo sát hiện trạng, làm việc với địa phương và người dân để thuê mặt bằng và tổ chức thi công các hạng mục như đúc dầm, lắp dựng trạm trộn bê tông.
Đến nay, các đơn vị nhà thầu đã triển khai tất cả 21 mũi thi công trên hiện trường. Trong đó bao gồm 9 mũi thi công cầu, 4 mũi thi công đường, 5 mũi thi công cống, hầm chui, 3 mũi thi công cấu kiện đúc sẵn.
Hạng mục được triển khai sớm nhất của dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là công trình cầu vượt đường Tập đoàn 7 Phước Bình, điểm tiếp giáp ranh giới hành chính tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
"Ban đã chỉ đạo các nhà thầu chủ động huy động đầy đủ nhân sự, máy móc, thiết bị, hoàn thiện các thủ tục liên quan để sẵn sàng tổ chức thi công ngay sau khi nhận được mặt bằng. Bên cạnh đó, đối với các hạng mục đã có mặt bằng và đang thi công, ban quản lý dự án đốc thúc nhà thầu tăng cường nhân sự, tăng ca làm việc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành để đưa dự án về đích đúng thời hạn theo yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ", ông Nam thông tin.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, trong những ngày giáp Tết, không khí thi công trên các hạng mục đang triển khai của dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua tỉnh Đồng Nai khẩn trương. Theo kế hoạch, các tổ thi công hạng mục cầu vượt, hầm chui, đúc dầm... sẽ làm việc đến cận Tết.
Ngày 26/1, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có 3.700 hộ dân nên công tác giải phóng mặt bằng lớn hơn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rất nhiều.
"Hiện Đồng Nai đang cố gắng đẩy nhanh, hoàn thiện các khu tái định cư để di dời các hộ dân ra, bàn giao mặt bằng sạch cho ban quản lý dự án thành phần 1 và 2 chứ hiện mặt bằng vẫn đang tình trạng "da beo" rất khó thi công", ông Lĩnh nói.
Đề cập đến các giải pháp nhằm đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Hồng Quế, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai (Ban quản lý), cho biết hiện đơn vị tổ chức họp giao ban từng tuần để cập nhật tiến độ công tác giải phóng mặt bằng của các địa phương.
Ban quản lý dự án cũng đề nghị UBND huyện Long Thành và TP Biên Hòa chỉ đạo các phòng ban, phường xã, thị trấn khẩn trương hoàn thiện xác nhận nguồn gốc sử dụng đất đối với các hồ sơ do Ban quản lý chuyển đến để kịp thời lập phương án bồi thường. Ban quản lý cũng đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường giảm bớt thủ tục sao lục hồ sơ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất đã được cấp phép.
Về giải pháp bố trí tái định cư, Ban quản lý kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, giao các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh xác định cụ thể các khu tái định cư bố trí di dời các hộ dân thuộc diện bố trí tái định cư để địa phương xem xét trường hợp tái định cư làm cơ sở phê duyệt phương án bồi thường và thu hồi đất.
Liên quan đến việc thực hiện thanh lý cây cao su, bàn giao mặt bằng diện tích đất cao su trong khu vực triển khai thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Tổng công ty cao su Đồng Nai cho biết, đối với phần diện tích còn lại hơn 16 ha, đến nay đã hoàn thành các thủ tục về đấu thầu thanh lý. Đơn vị khai thác cũng cam kết, trong tháng 1 sẽ hoàn thành thanh lý cây cao su, bàn giao mặt bằng cho dự án.
Việc mặt bằng không liền khoảnh khiến các công trình thi công xen lẫn với đường dân sinh của người dân rất bất tiện. "Chúng tôi phải tận dụng từng diện tích mặt bằng sạch để thi công sớm các hạng mục vì nếu đợi có hết mặt bằng mới khởi công tiến độ chắc chắn chậm tiến độ", đại diện nhà thầu chia sẻ.
Những ngày cuối tháng 1, phóng viên ghi nhận tại công trường khu tái định cư Long Đức (xã Long Đức, huyện Long Thành), công nhân, kỹ sư, máy móc hối hả tăng tốc thi công trải đá dăm, lu lèn nền đường, ngầm hóa cáp quang, dây điện… Hình hài hạ tầng của khu dân cư đã hiện ra như đường nhựa, vỉa hè, hệ thống thoát nước, điện, đèn đường...
Theo đại diện Công ty Cao su Đồng Nai, nhà thầu thi công khu tái định cư Long Đức, đến nay dự án đã hoàn thiện hơn 60% kế hoạch. Dự kiến khoảng tháng 4 sẽ hoàn chỉnh hạ tầng, chủ đầu tư bắt đầu đón người dân bốc thăm vào xây nhà, ổn định cuộc sống. Sau khi hoàn thành, khu tái định cư Long Đức sẽ được bố trí cho khoảng 840 hộ dân nhường đất cho cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu về sinh sống.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được khởi công xây dựng từ tháng 6/2023 có tổng chiều dài toàn tuyến là 53,7km đi qua địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai có chiều dài hơn 34km, qua Bà Rịa - Vũng Tàu là 19,7km.
Dự án được chia thành 3 dự án thành phần: dự án thành phần 1 dài 16km do UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản; dự án thành phần 2 dài 18,2km qua tỉnh Đồng Nai do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản và dự án thành phần 3 dài 19,5km do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm cơ quan chủ quản.