Bát sen thời Lý, thế kỷ 11-12. Bộ sưu tập của Nguyễn Dòng - TPHCM.
Ngày nay bếp ăn Việt Nam đã có tên tuổi trong nghệ thuật ẩm thực quốc tế. Thuộc nền văn minh lúa nước, người Việt từ ngàn xưa đã lấy cơm gạo làm lương thực chính, các loại rau trái, tôm cá, gia thú, gia cầm là thực phẩm hằng ngày. Các món ăn Việt không quá cầu kỳ nhưng cân bằng dinh dưỡng, nhiều rau xanh, ít dầu mỡ nên ngày càng được thực khách quốc tế đánh giá cao.
Không chỉ vậy, người Việt còn quan tâm nhiều đến việc bày biện một mâm cơm, nhất là mâm cỗ bởi mâm cỗ của người Việt thường có nhiều món ăn. Mâm cỗ Tết cổ truyền của miền Bắc tối thiểu phải có 4 bát, 4 đĩa, có điều kiện hơn thì có thể tới 6 bát, 6 đĩa thậm chí 8 bát, 8 đĩa. Chính vì vậy các loại bát đĩa và đồ dùng nhà bếp của người Việt rất phong phú về kích cỡ, kiểu dáng.
Cũng cần nói thêm, kỹ nghệ sản xuất đồ gốm sứ, đặc biệt là đồ gốm tráng men ở Việt Nam phát triển rất mạnh bắt đầu từ thời nhà Lý, khi nước ta khôi phục nền độc lập sau hơn ngàn năm Bắc thuộc, mà theo các học giả thì đây là một dòng gốm sứ có một truyền thống riêng biệt.
Chúng ta hãy cùng chiêm ngưỡng một chiếc bát tô thời Lý. Đây gần như là chiếc bát độc bản còn sót lại sau cả ngàn năm, thuộc dòng gốm hoa nâu độc đáo của gốm Đại Việt. Sự kỳ công và tinh tế trong chế tác đã tạo ra một chiếc bát tuyệt đẹp mang đậm nét văn hóa Phật giáo thời nhà Lý. Chưa rõ chiếc bát như vậy được dùng cho đối tượng nào, nhưng chắc chắn không phải là đối tượng bình dân, bởi trong hàng trăm chiếc bát thời Lý còn sót lại đến nay không thấy có những chiếc bát tương tự.
Chén bát gốm Chu Đậu thời Lê Sơ, thế kỷ 15-16. Bộ sưu tập gốm cổ của Nguyễn Dòng - TPHCM.
Gốm Việt Nam rất được người Nhật ưa chuộng nên từ cuối thế kỷ 14 đến thế kỷ 16 nhiều lô hàng từ Việt Nam đã được xuất khẩu qua Nhật Bản. Những gia đình quyền quý tại đây đến nay vẫn còn lưu giữ những đồ gia bảo có xuất xứ từ các lò gốm Việt Nam hoặc trao lại cho các bảo tàng lưu giữ. Tại một bảo tàng ở thành phố Nara, khách tham quan phải lặng người trước vẻ đẹp của một chiếc bát hoa lam có xuất xứ từ Việt Nam. Chiếc bát được vẽ kỹ cả trong lẫn ngoài bằng loại men chàm đậm, thân được tạo 16 múi nổi xen kẽ hoa văn sen và mai rùa rất sang trọng và quý phái. Đây cũng là chiếc bát độc bản thuộc dòng gốm xanh trắng thế kỷ 15 khi kỹ thuật gốm Đại Việt đạt đến đỉnh cao, chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu trong suốt gần 2 thế kỷ.
Tô hoa lam, thời Lê Sơ, thế kỷ 15. Bảo tàng Nara (Nhật Bản).
Thuộc nền văn hóa sông nước, nên tôm cá và các loài thủy tộc là một trong những món ăn chính của người Việt. Cá, tôm, cua xuất hiện rất nhiều trên các đĩa gốm Chu Đậu thế kỷ 15. Một chiếc đĩa hoa lam cỡ lớn có họa tiết đề tài song ngư thể hiện cặp cá chép nối đuôi nhau vùng vẫy quanh những cụm rong đầy sức sống, thành đĩa trang trí hoa văn mẫu đơn. Bố cục chiếc đĩa thật hoàn hảo khiến cho tác phẩm như dùng để treo tường chứ không chỉ để đựng đồ ăn trên mâm cỗ Việt.
Đĩa Song ngư, dòng gốm hoa lam, thế kỷ 15. Bộ sưu tập nước ngoài.
Đĩa Tam Thái, thế kỷ 15. Bộ sưu tập nước ngoài.
Sau bát, đĩa - những vật dụng chủ yếu trong ẩm thực Việt thì các loại đồ đựng như âu, ang, liễn cũng được người xưa chăm chút không kém, từ kiểu dáng, màu men và kỹ thuật chế tác.
Ang men ngọc thời Trần, thế kỷ 13. Bộ sưu tập của Nguyễn Dòng - TPHCM.
Hai chiếc ang men ngọc thời Trần. Giới cổ vật còn gọi đây là dòng gốm men C hay Celadon - tên một nhân vật trong vở kịch của Honove d’Urfe viết vào thế kỷ 17 luôn mặc trang phục màu xanh ngọc.
Gốm men ngọc phát triển rực rỡ từ thời nhà Tống và Nguyên bên Trung Quốc, còn ở Việt Nam thì gốm men ngọc thời Trần cũng đạt đến đỉnh cao. Điều đặc biệt của dòng gốm men ngọc là không dùng bất kỳ một màu men nào khác để tạo họa tiết trên mặt gốm mà dùng thủ pháp ám họa hoặc đắp nổi, còn nếu không cứ để trơn bởi màu độc sắc này vốn đã xanh trong như ngọc rồi.
Nắp âu men ngọc, lò gốm Thiên Trường, thời Trần, thế kỷ 13. Bộ sưu tập của Nguyễn Dòng - TPHCM.
Trong hình là những ám hoạ hình lá dương sỉ trên chiếc ang có nắp và những cánh hoa súng trên chiếc ang không nắp. Những ám họa này được tạo ra bằng cách nạo, khắc những nét lõm trên cốt gốm trước khi phủ men. Sau khi nung, những vết lõm đó có đọng lớp men dày hơn chỗ khác nên màu men đậm hơn, tạo ra những họa tiết mong muốn. Còn với các chi tiết nổi thì người thợ tạo các hình đắp nổi trên mặt gốm rồi phủ men trước khi nung tạo ra những họa tiết 3D rất ấn tượng.
Âu men lục thời Trần, thế kỷ 13. Bộ sưu tập của Nguyễn Dòng - TPHCM.
Dựa theo tư liệu khảo cổ thì các sản phẩm gốm men ngọc xuất sắc nhất của Việt Nam được chế tác tại lò gốm ở Xuân Trường, phủ Tức Mặc, Nam Định, nơi có hành cung của vua Trần thế kỷ 13 - 14. Trên một số mảnh vỡ còn sót lại tại di chỉ lò gốm và trên một số hiện vật còn ghi rõ dưới chân đế dòng chữ “Thiên Trường Phủ chế” (chế tạo tại phủ Thiên Trường).
Một dòng men khác trên gốm cổ Việt Nam không thể không nhắc đến là men lục, tức màu xanh lá cây. Men lục trên gốm Việt khá phổ biến từ thời nhà Lý và nhà Trần với các tông đậm nhạt khác nhau. Những chiếc âu, loại cốc sâu lòng được phủ một lớp men lục chảy loang lổ tạo hiệu ứng nghệ thuật rất khác lạ.
Liễn men trắng, thời Trần, thế kỷ 11-12. Bộ sưu tập của Nguyễn Dòng - TP HCM.
Loại hình đồ đựng có kích cỡ lớn hơn, đó là các loại liễn. Một chiếc liễn còn rất nguyên vẹn dù đã có tuổi gần 1.000 năm (thời Lý). Chỉ một màu men trắng hoa bưởi, từ thân, vai, nắp, núm hiện ra một bông sen trắng tinh khiết, đẹp và tinh xảo đến không ngờ. Không rõ người xưa dùng chiếc liễn này để đựng thứ gì, đối tượng dùng là ai, nhưng có thể chiếc liễn này chưa hề được đem ra sử dụng vì nó như còn mới nguyên, không một vết trầy xước, không hề sứt mẻ, đầu cánh sen mỏng manh vẫn nhọn hoắt đầy sức sống. Những chiếc liễn loại này còn sót lại không nhiều và là đối tượng được săn đón rất say mê trong giới cổ vật.
Bình và tước rượu Lê Sơ, thế kỷ 15. Bộ sưu tập của Nguyễn Dòng - TPHCM.
Bình và tước rượu Lê Sơ, thế kỷ 15. Bộ sưu tập của Nguyễn Dòng - TPHCM.
Bộ sưu tập bình vôi và bình rượu khá phổ biến trong giới sưu tập, ít thì dăm ba chiếc, nhiều thì có tới hàng trăm chiếc.
Một chiếc bình và chiếc tước uống rượu thuộc thời Lê Sơ, thế kỷ 15. Chiếc bình có dáng hồ lô, cổ thắt và cao, miệng bình thì rất nhỏ để giữ hương rượu tốt hơn. Bầu trên và bầu dưới được trang trí bằng các họa tiết sen vẽ bằng loại men chàm cao cấp tạo cảm giác thanh tao cho chiếc bình rượu quý. Bên cạnh là chiếc tước, một kiểu chén uống rượu có chân cao như loại ly uống rượu vang bây giờ. Bộ tửu cụ của người xưa quả không đơn giản như ta thường nghĩ.
Bộ đồ trà hiệu đề chữ Nhật, triều Nguyễn, thế kỷ 19. Bộ sưu tập của Nguyễn Dòng - TPHCM.
Các cụ xưa cũng thường thưởng trà vào mỗi sáng hay sau các bữa ăn. Trà cụ nổi tiếng được biết đến là các bộ ấm, chén tử sa được làm từ loại đất sét đặc biệt có nguồn gốc từ vùng Nghi Hưng bên Trung Quốc, cốt gốm nhẹ, mỏng có màu nâu nhưng giữ nhiệt rất tốt, giữ hương vị thơm ngon cho nước trà.
Còn ở chốn cung đình thời Nguyễn, bộ trà hiệu đề chữ Nhật là giá trị nhất. Chữ Nhật là mặt trời, biểu tượng của các vua triều Nguyễn. Trong các bộ trà hiệu đề chữ Nhật thì bộ Vương Chất gặp tiên là quý nhất. Bộ trà gồm một đĩa dầm, và các chén tống, chén quân đều vẽ tiểu cảnh một tiều phu đứng xem hai Tiên ông đang đánh cờ. Bộ đồ trà Vương Chất gặp tiên đến nay còn lại rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Chúng ta vừa trải qua chuyến du khảo bếp ăn Việt cổ và kết thúc bằng tiệc trà hoàng cung. Sắp bước sang năm Quý Mão, một câu hỏi được đặt ra là vì sao hình tượng con mèo không thấy xuất hiện trên gốm Việt cổ. Có người cho rằng, con mèo thường mang đến những điều xui xẻo bởi câu tục ngữ: “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”.
Chiếc bát lớn hiệu đề Nội Phủ Thị Nam được dùng trong Nam Cung phủ chúa thời Trịnh Sâm. Thành bát được tô điểm bởi những bông sen trắng tinh khiết điểm những tán lá xanh mướt và để tạo nét sống động cho khung cảnh, đồ án thường điểm thêm những sinh vật sông hồ như cua, châu chấu, niềng niễng... Bộ sưu tập của Nguyễn Dòng - TPHCM.
Có lẽ không phải vậy, bởi chó mang lại vận may thì tại sao hình tượng con chó trên gốm cổ cũng vắng bóng. Mà không chỉ có chó, mèo mà ngay cả con rắn (tỵ), con lợn (hợi), con chuột (tý) cũng vắng bóng trên đồ gốm cổ, trong khi đó các loài vật đó lại xuất hiện rất nhiều trên các loại hình nghệ thuật dân gian khác như trên tranh Đông Hồ, Hàng Trống hoặc các công trình kiến trúc cổ chẳng hạn.
Một lý giải khác là phần lớn đồ gốm phục vụ cho ẩm thực nên hình ảnh những con vật kể trên không phù hợp khi xuất hiện bên mâm cơm, mâm cỗ của người Việt. Tôi nghiêng về cách lý giải này hơn.