Đã 76 năm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", văn hóa luôn được đánh giá có một vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Điều này cũng được thể hiện xuyên suốt những văn kiện đại hội Đảng.
Mới đây nhất, trong văn kiện đại hội lần thứ XIII của Đảng, quan điểm của Đảng đã chỉ rõ văn hóa là một trong bốn trụ cột của quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Đặc biệt văn hóa là sức mạnh nội sinh để phát triển bền vững đất nước. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Nhà sử học Dương Trung Quốc về những vấn đề phát triển văn hóa hiện nay cũng như cần có các thiết chế văn hóa xứng tầm, góp phần nâng cao năng lực hưởng thụ văn hóa của người dân.
Văn hóa – sức mạnh mềm nhiều khi còn lớn hơn cả vũ khí
Thưa ông, từ góc độ của một nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa, ông có thể làm rõ hơn về vai trò của văn hóa đối với sự tồn vong và hưng thịnh của một dân tộc?
Thường người ta nói văn hóa là thượng tầng nên khi nào hạ tầng vững thì văn hóa mới phát triển, hay nói cách khác, "phú quý sinh lễ nghĩa". Nhưng thời đại của chúng ta cho thấy rất rõ rằng văn hóa là một nguồn lực, là động lực mà đôi khi ta phải nói ngược lại là "lễ nghĩa sinh phú quý". Điều đó chứng minh không chỉ riêng ta mà cả trên thế giới, sức mạnh văn hóa – sức mạnh mềm - nhiều khi còn lớn hơn cả sức mạnh cứng, hơn cả vũ khí, hơn cả tiềm lực kinh tế. Đương nhiên nó phải đi đôi với nhau, nó là sự hỗ trợ, tương hỗ với nhau.
Ở nước ta, khi nào chúng ta đứng trước thử thách lớn, những khó khăn thì rõ ràng người ta mới nhận ra được giá trị văn hóa như thế nào. Không phải tự nhiên năm 1946 đất nước mới giành độc lập, với đầy những rủi ro và các mối đe dọa thì Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa. Bởi vì ngay trong quá trình giành lại chính quyền thì lực lượng vũ trang của chúng ta có bao nhiêu đâu? Ở đây, động lực lớn nhất chính là lòng yêu nước. Nhìn vào thử thách năm 1946 mà ngay sau đó ta bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp rồi tiếp nối cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng ta cảm thấy văn hóa có vai trò như thế nào.
Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: Việt Hùng |
Đến thời điểm này, đất nước chúng ta đi một chặng đường rất dài nhưng vấp phải không ít những gian khó, đôi khi gian khó đầu tiên là con người, là lòng người, phẩm chất con người. Có những người ngày hôm qua là những chiến binh rất anh hùng nhưng hôm nay ngã gục trước những cám dỗ của đời sống. Vì thế tôi nghĩ Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa qua tiếp tục là một tiến trình, nhưng đứng trước một nhiệm vụ mới, thử thách mới thì tôi nghĩ điều đó là phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước.
Văn hóa phải được phát triển song hành cùng kinh tế. Có thể thấy nền kinh tế đất nước trong những năm qua đã có sự phát triển rõ rệt, vậy văn hóa liệu đã được được đầu tư, phát triển tương xứng hay chưa thưa ông?
Bây giờ nói tương xứng chưa rất khó vì mong muốn của chúng ta bao giờ cũng phải là nhiều nhất, cao nhất và trong tư duy của những người điều hành luôn luôn phải nghĩ đến câu chuyện là nếu có vật chất thì mới làm được văn hóa. Cho nên điều này cần làm thay đổi nhận thức của xã hội.
Như tôi nói đến câu chuyện "lễ nghĩa sinh phú quý" là điều càng ngày người ta càng nhận thức ra. Chẳng hạn như một doanh nghiệp, họ nghĩ đến văn hóa của doanh nghiệp mình không phải chỉ thuần túy là đường lối phát triển kinh tế mà còn là đối xử với nhân công như thế nào, tạo ra những nguồn lực trong nội sinh như thế nào để cho sản xuất phát triển và hiệu quả.
Việt Nam có đời sống văn hóa nghệ thuật phong phú, song vẫn còn tồn tại một khoảng cách rất lớn với tinh hoa văn hóa nghệ thuật thế giới ở tất cả các lĩnh vực như hội hoạ, kiến trúc, âm nhạc, điện ảnh... Vậy chúng ta cần làm gì để thu hẹp khoảng cách này?
Tôi cho rằng sáng tạo của con người trước hết là của chính con người ấy, của những người khao khát sáng tạo ấy, nhưng môi trường sinh thái rất quan trọng để chúng ta có thể tiếp cận, hội nhập, học hỏi. Cái khó là anh học như thế nào để không đánh mất mình, đấy là quan trọng nhất.
Tôi nghĩ rằng chúng ta luôn nói đến văn hóa nhưng văn hóa là cái gì cụ thể thì chúng ta phải suy nghĩ. Riêng về sáng tạo nghệ thuật tôi nghĩ rằng chúng ta không thể không bắt đầu từ nền tảng của văn hóa dân tộc.
Tôi vừa mới được tham dự Lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh của họa sĩ Lê Bá Đảng, một người Việt Nam sống rất lâu ở môi trường nước ngoài. Ở đỉnh cao của hội họa và tạo hình quốc tế, được đánh giá rất cao nhưng cái sự đánh giá cao nhất của thế giới đối với ông là vẫn giữ được phong cách riêng của một người Việt Nam, của một người Phương Đông với sáng tạo hoàn toàn mới mẻ mà không phải là sự chắp vá hay sự bắt chước, rõ ràng là sự đóng góp. Tôi nghĩ đấy là một điển hình.
Tôi thấy các bạn trẻ bây giờ phải am hiểu ngôn ngữ Tiếng Việt, am hiểu nghệ thuật dân tộc và trên nền tảng đấy, các bạn sẽ tiếp thu một cách hết sức hiệu quả và sáng tạo những giá trị của nhân loại.
Ông nhận xét gì về nhu cầu thụ hưởng văn hóa nghệ thuật của người Việt Nam. Đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, thói quen thụ hưởng văn hóa nghệ thuật của người Việt có gì thay đổi?
Cái thay đổi lớn nhất của chúng ta là thời đại 4.0 – thế giới mạng. Qua đó có thể bộc lộ ngay điểm mạnh, yếu của chúng ta. Điểm mạnh là các bạn trẻ hội nhập rất nhanh, thậm chí còn nhỏ tuổi có thể có kỹ năng tiếp cận mạng rất nhanh. Nhưng cái nguy hại nhất là bị phụ thuộc vào nó, thứ mà gọi là "nghiện" thực chất là phụ thuộc.
Văn hóa đọc hay năng lực thưởng thức nghệ thuật kinh điển cũng phần nào mất đi. Thước đo của những giá trị nhân loại như các giải thưởng lớn cho phim như Oscar, có khi nhiều người Việt không thích mà lại thích những câu chuyện diễm tình, ly kỳ. Đó là vấn đề cần điều chỉnh nhất định trong việc giáo dục về khả năng tiếp cận văn hóa.
Có một nhà hát ở Hồ Tây là việc rất cần thiết
Hà Nội là trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của cả nước, có bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến và một nếp thụ hưởng văn hóa, nghệ thuật đặc trưng. Theo dòng chảy lịch sử, ngoài việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống thì Hà Nội đã tiếp cận những giá trị văn hóa tinh hoa của thế giới như nào thưa ông?
Tôi nói ví dụ về kiến trúc, chỉ là tôi xem một công trình thời đại của chúng ta, để chúng ta so sánh, không nói đến cổ điển hay truyền thống, nhất là truyền thống đô thị chúng ta chưa có nhiều. Một cái nhà hát chẳng hạn, thì có ai đọ được Nhà hát Lớn mặc dù sự so sánh với bản thân nó cũng đã khập khiễng. Nhưng chúng ta không có công trình nào của một nhà hát đúng nghĩa của nó tương xứng. Với Thủ đô 10 triệu dân của một đất nước 100 triệu dân nhưng nơi để có thể hưởng thụ những cái mà chúng ta mong muốn là công trình tầm cỡ thế giới hầu như không có.
Mô hình Nhà hát Opera Hà Nội đang được quy hoạch xây dựng tại khu vực Hồ Tây |
Một câu chuyện thời sự có thể có sự bàn tán rất khác nhau, ví dụ câu chuyện Hồ Tây – một thắng cảnh tuyệt đẹp nhưng trong một thời gian rất dài chúng ta buông lỏng quản lý biến nó thành một khu dân cư cực kỳ đông đúc. Trừ những công trình tín ngưỡng, tôn giáo mà chúng ta còn giữ lại được thì hầu như không có một công trình văn hóa nào cả. Hồ Tây chỉ có bất động sản, nhà riêng và có một chút ở văn hóa ẩm thực và ẩm thực cũng là những dịch vụ tư nhân mà không có một công trình văn hóa hiện đại nào.
Có những ý kiến khác nhau khi xây dựng một nhà hát tại đây, người ta cảm thấy nghi ngờ, e ngại là có gì đó mượn không gian đấy để thực hiện những "lợi ích nhóm" nào đó chăng? Nhưng rõ ràng ở đây hiện là không có, mà nếu có một công trình thì phải tương xứng với thắng cảnh, tương xứng với Thủ đô 10 triệu dân, của một quốc gia 100 triệu dân.
Chúng ta học Bắc Kinh (Trung Quốc), học ở Singapore, ở các nước họ sẵn sàng mời những kiến trúc sư giỏi nhất thế giới đến xây ở những khu vực trung tâm nhất của nơi đó. Những công trình để đời và công trình có đủ khả năng để tiếp nhận những văn hóa hiện đại, đương đại, những thể loại mà ngày hôm nay còn chưa quen biết với chúng ta nhiều ví dụ như Opera, giao hưởng nhưng rồi dần dần chúng ta cũng phải tiếp cận với nó.
Nếu chúng ta cứ mãi nghĩ rằng đang có thì mới đáp ứng, như thế không được, phải có cái nhìn tương lai và phải có những định hướng mang tính rất giáo dục, mang tính quảng bá, mang tính chất nâng cao dân trí để người dân ta hội nhập với thế giới.
Vì thế câu chuyện có một nhà hát ở Hồ Tây là việc rất cần thiết, nhưng phải làm nhà hát như thế nào? Ai làm? Cái tôi muốn là chúng ta phải đầu tư, đầu tiên chúng ta phải làm tốt quy định pháp luật như quy hoạch. Đã nói là làm chứ không phải hôm nay quy hoạch như thế này, ngày mai lại sửa đi.
Thứ hai, phải đầu tư vào thiết kế, người thiết kế phải thuộc hàng giỏi nhất thế giới. Và ta đừng lãng phí, việc chi tiêu cần thiết ta vẫn phải chi tiêu. Hiện Thủ đô Hà Nội như này mà chúng ta vẫn chưa có nổi một cái bảo tàng nổi tiếng.
Điều đó phải đòi hỏi tầm nhìn của những nhà lãnh đạo, lãnh đạo đất nước, lãnh đạo của ngành văn hóa và thủ đô nữa. Chúng ta phải dám đầu tư. Nhưng đầu tư thì phải bảo đảm đầu tư những công trình thực sự để đời và chống lãng phí, chống thất thoát. Đừng e ngại tiêu tiền vào những việc đó.
Nhiều quốc gia trên thế giới, văn hóa và nghệ thuật luôn được đầu tư mạnh mẽ, trong đó là xây dựng những công trình văn hóa trở thành biểu tượng. Nước Pháp có Bảo tàng Lourve, Úc có nhà hát Sydney Opera, Singapore có nhà hát Sầu Riêng. Thưa ông, có phải là chúng ta có đang thiếu những công trình mang tính biểu tượng và đại diện cho sự phát triển quốc gia hay không?
Đã được 70 năm tính từ ngày Thủ đô Hà Nội giải phóng, chúng ta chưa có một công trình nào thực sự xứng đáng. Cái chúng ta đầu tư lớn là Cung Đại Hội chẳng hạn, nó to thật đấy, ý kiến về xấu đẹp khác nhau thì tôi không nói nhưng vẫn chưa phải là tiêu biểu của Hà Nội, vị trí của nó cũng chưa phải tiêu biểu của Hà Nội.
Cho nên tôi nghĩ là một công trình ở Hồ Tây hay khu vực Hoàn Kiếm, nếu chúng ta tính toán đầy đủ thì vẫn có thể xây được, nhưng đã xây thì phải là cái để đời chứ không phải xây để giải quyết một tầm nhìn ngắn hạn hoặc lợi ích ngắn hạn.
Gần đây, dư luận đang rất quan tâm với việc Hà Nội có quy hoạch, xây dựng một nhà hát Opera tầm cỡ ở khu vực Hồ Tây với kỳ vọng trở thành công trình văn hóa biểu tượng không chỉ của Hà Nội mà còn là của cả nước. Ông có thấy một công trình tầm cỡ như vậy là cần thiết để góp phần nâng tầm diện mạo và vị thế văn hóa, nghệ thuật Việt Nam với thế giới?
Tôi nghĩ là rất cần thiết. Tôi nói đến Nhà hát Lớn năm 1911, khi xây xong nó đã làm cho cả một đô thị ở đất Phương Đông – một kinh đô đã bị mai một rất lâu được phục hồi lại, đời sống văn hóa, văn nghệ của Hà Nội dù thời thuộc địa đi chăng nữa cũng thay đổi rất nhiều.
Còn bây giờ chúng ta là một quốc gia độc lập mà chúng ta hội nhập với thế giới. Nếu có một công trình góp phần để thúc đẩy quá trình hội nhập thế giới trên lĩnh vực nghệ thuật, tôi cho rằng đây là một điều hết sức cần thiết đối với thủ đô chúng ta bên cạnh việc chúng ta bảo tồn những giá trị truyền thống.
Vậy theo ông, điều gì đáng lưu ý nhất khi xây dựng một công trình văn hóa lớn như nhà hát Opera Hà Nội tại khu vực Hồ Tây?
Tôi nghĩ nhà hát sẽ là một điểm "kích". Nếu có được một công trình lớn như thế, công trình tiêu biểu như thế cho Hà Nội, chắc chắn hạ tầng sẽ được giải quyết và tôn hạ tầng của khu vực Hồ Tây lên. Vấn đề là hạ tầng như thế nào thì thuộc về các nhà chuyên môn. Rõ ràng, nếu ở đó có một công trình văn hóa có kiến trúc mang tính đặc trưng, tiêu biểu, ở trình độ rất cao thì tôi nghĩ nó sẽ làm nâng giá trị của cả khu vực Hồ Tây lên. Và đó là điểm nhấn cho Thủ đô trong thời kỳ đang thu hút du lịch, đáp ứng nhu cầu văn hóa.
Được biết, chủ trương của TP Hà Nội hiện nay là công trình nhà hát này sẽ được thực hiện với hình thức vốn xã hội hóa, nghĩa là doanh nghiệp tư nhân sẽ được mời tham gia đấu thầu xây dựng nhà hát để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước? Chi phí cho việc xây dựng nhà hát không hề nhỏ, và sự thực ai cũng thấy là làm văn hóa đồng nghĩa với "bỏ tiền tấn mà thu về tiền lẻ". Nhưng việc xã hội hóa để Hà Nội có một công trình để đời cho mai sau, làm nên vị thế cho thủ đô của Việt Nam là việc chắc chắn nên làm. Và doanh nghiệp nào dám đứng ra làm cũng là đáng hoan nghênh. Ông có nghĩ như vậy không?
Xã hội hóa là một điều tất yếu. Doanh nghiệp nào cũng sẽ có tính toán riêng của họ, có những lợi ích tính bằng tiền, có lợi ích không cần tính bằng tiền và có cả những sự cống hiến nữa. Điều đó thì tôi không dám nói thay ai nhưng tôi chỉ nói rằng xã hội hóa là một xu thế, mà thực tế nếu nhà nước quản lý thì hiệu quả thường rất thấp.
Quan trọng là chọn thế nào, và chọn ở đây cũng cần phải thông qua quy định của pháp luật. Ví dụ như đấu thầu, ai có thiết kế đẹp, có bài toán khai thác, phát triển nó như nào thì rõ ràng có được lợi thế hơn. Đó cũng là yếu tố để ta lựa chọn. Tôi cho rằng vấn đề này có tính chuyên nghiệp càng cao càng tốt thì mới tương xứng với việc ta chọn vị trí.
Tư nhân bỏ tiền ra thì cũng có tư duy của họ. Dù thế nào họ cũng có được lợi ích, không lợi ích thì chả ai làm. Nhưng lợi ích gì? Ngắn hạn hay dài hạn? Lợi ích vật chất hay lợi ích tinh thần? Giá trị thương hiệu cũng là một giá trị rất lớn.
Và theo tôi, các nhà doanh nghiệp không phải họ không có tinh thần cống hiến, khi họ đạt đến mức độ nào, họ cũng muốn để đời một cái gì đấy. Đó là tâm lý chung. Thực tế tất cả các công trình lớn của thế giới đều tương tự như vậy, đều mang dấu ấn của cá nhân, dấu ấn của nhân vật nào đó.
Xin trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!