Nhà nước tính chi 10.300 tỷ mua 8 trạm BOT thua lỗ nhưng chưa thể đàm phán

Hoài Thu| 11/10/2023 07:45

Với 8 dự án BOT thua lỗ, Chính phủ cho biết việc đàm phán với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng kéo dài do còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa thống nhất quan điểm.

Đây là một nội dung được đề cập khá đậm nét trong báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn liên quan lĩnh vực giao thông vận tải.

Trong báo cáo này, Chính phủ nêu nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập của các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý.

Nhiều dự án BOT cần bổ sung vốn Nhà nước để xử lý

Trong 54 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý đang thu phí, lũy kế doanh thu đến năm 2022 có 7 dự án doanh thu cao hơn so với hợp đồng, 43 dự án đạt 30-100% và 4 dự án đạt dưới 30%. Tính riêng năm 2022, có 6 dự án doanh thu cao hơn so với hợp đồng, 41 dự án đạt 30-100% và 7 dự án đạt dưới 30%.

Đề cập bất cập về vị trí trạm thu phí, Chính phủ cho biết sau khi thực hiện các giải pháp như di dời trạm về vị trí phù hợp, gộp trạm thu phí, thực hiện giảm giá cho các phương tiện khu vực lân cận trạm thu phí... hầu hết các dự án BOT đã thu phí ổn định.

Nhà nước tính chi 10.300 tỷ mua 8 trạm BOT thua lỗ nhưng chưa thể đàm phán - 1

Trạm thu phí T2 thuộc Dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 (Ảnh: P.T).

Tuy nhiên, đối với 6 trạm thu phí còn lại (bao gồm trạm Bỉm Sơn, trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài, trạm T2 trên Quốc lộ 91, trạm Quốc lộ 3 Thái Nguyên, cơ chế thu phí trên tuyến La Sơn - Túy Loan, phương án thu phí trên một số cảng thủy nội địa để hoàn vốn cho dự án Cầu Bình Lợi), dù đã triển khai áp dụng các giải pháp xử lý nhưng không khả thi, cần phải bổ sung vốn Nhà nước để xử lý.

Báo cáo Quốc hội giải pháp cụ thể đối với 8 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý, Chính phủ đưa ra giải pháp cơ bản.

Một là bố trí vốn Nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, ngân hàng tín dụng và chấm dứt hợp đồng trước hạn đối với 5/8 dự án, gồm: Tuyến tránh phía Tây TP Thanh Hóa; cầu đường sắt Bình Lợi; đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3; đường Hồ Chí Minh; cải tạo Quốc lộ 91 TP Cần Thơ.

Hai là sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn Nhà nước tham gia (tối đa 49%) để tiếp tục thực hiện hợp đồng đối với 3/8 dự án BOT còn lại, gồm: Dự án BOT cầu Ba Vì - Việt Trì; BOT cầu Thái Hà: BOT hầm Đèo Cả.

"Dự kiến, tổng mức vốn Nhà nước để xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT khoảng 10.342 tỷ đồng, theo giá trị cập nhật đến tháng 3", Chính phủ tính toán.

Chưa thống nhất hướng xử lý 8 trạm BOT thua lỗ

Chính phủ cho biết do 8 dự án BOT trước đây được Thủ tướng là cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo các dự án độc lập; hơn nữa mức vốn Nhà nước đề xuất để xử lý khó khăn, bất cập đối với từng dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, nên thẩm quyền quyết định giải pháp xử lý khó khăn này thuộc Thủ tướng.

Vấn đề này cũng từng nhiều lần được bàn thảo tại nghị trường. Trong Nghị quyết số 62, Quốc hội khóa XV giao nhiệm vụ "Trong năm 2022, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí, dự án BOT".

Sau gần một năm, Chính phủ thừa nhận việc này "chưa bảo đảm tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội".

Nhà nước tính chi 10.300 tỷ mua 8 trạm BOT thua lỗ nhưng chưa thể đàm phán - 2

Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 3 dự kiến được mua lại (Ảnh: P.D.).

Theo giải thích của Chính phủ, việc đàm phán với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và tổ chức tín dụng kéo dài do các bên còn có nhiều ý kiến khác nhau, chưa thể thống nhất về quan điểm, giải pháp xử lý cũng như mức độ chia sẻ của các bên khi thực hiện giải pháp xử lý.

Trong thực tế, Bộ GTVT đã nhiều lần tổ chức đàm phán, có nhiều văn bản gửi nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các tổ chức tín dụng.

Một số đơn vị ban đầu đã thống nhất giải pháp bổ sung vốn Nhà nước tham gia không quá 49% tổng mức đầu tư để tiếp tục thực hiện hợp đồng, nhưng lại thay đổi quan điểm và đề nghị chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn (như nhà đầu tư dự án BOT cầu Thái Hà).

Bên cạnh đó, việc xác định mức chia sẻ cũng có nhiều quan điểm khác nhau, trong đó một số nhà đầu tư sẵn sàng chia sẻ 50% tỷ suất lợi nhuận (thậm chí chia sẻ cao hơn), một số nhà đầu tư chỉ chấp thuận chia sẻ lợi nhuận nếu ngân hàng tín dụng chấp thuận chia sẻ tối đa, giảm thiểu mức lãi suất vốn vay…

"Đây là khó khăn lớn nhất, đến thời điểm hiện tại các bên vẫn chưa thể thống nhất", Chính phủ cho biết Bộ GTVT sẽ tiếp tục đàm phán với các bên để xác định mức chia sẻ phù hợp, bảo đảm nguyên tắc "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro".

Nội dung này sau đó sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định giải pháp xử lý cũng như bố trí nguồn vốn Nhà nước để thực hiện.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/xa-hoi/nha-nuoc-tinh-chi-10300-ty-mua-8-tram-bot-thua-lo-nhung-chua-the-dam-phan-20231010224458963.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/xa-hoi/nha-nuoc-tinh-chi-10300-ty-mua-8-tram-bot-thua-lo-nhung-chua-the-dam-phan-20231010224458963.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhà nước tính chi 10.300 tỷ mua 8 trạm BOT thua lỗ nhưng chưa thể đàm phán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO