Nhắc đến kiến trúc Nhật Bản, người ta hình dung ngay tới những căn nhà gỗ truyền thống với lối thiết kế vô cùng ấn tượng. Những căn nhà gỗ này vô cùng bền chắc, tồn tại cả trăm năm tuổi, đứng vững vàng trước mọi cơn rung chấn của động đất.
Ít ai biết, đằng sau những công trình đó là kỹ thuật xây nhà gỗ có một không hai trên thế giới của người Nhật Bản. Họ có thể xây một căn nhà gỗ vững chãi mà không cần dùng đến một cái đinh, khiến cả thế giới phải ngả mũ thán phục.
Kỹ thuật truyền thống từ xa xưa này có tên gọi "Kanawatsugi" hay còn gọi là kỹ thuật Ghép mộng gỗ. Đây là kỹ thuật ghép nối phức tạp, tinh vi đòi hỏi độ chính xác cao mà không cần phải sử dụng đến đinh, keo dính hay công cụ nào khác như cách ghép gỗ thông thường.
Người Nhật gọi những người thợ mộc làm nhà gỗ theo kỹ thuật Kanawatsugi là Miyadaiku. Những người làm nghề này đều phải có đức tính cẩn thận, tỉ mỉ, tay nghề cao, mọi thứ phải chính xác đến từng chi tiết nhỏ mà nhiều nghệ nhân thời nay vẫn khó lòng theo được.
Theo quan niệm của người Nhật xưa, Kanawatsugi là kỹ thuật xây nhà mang đậm triết lý âm dương. Theo đó, đầu khúc gỗ có âm, có dương. Hai đầu gỗ ôm khít vào nhau như đôi tình nhân, không bao giờ tách rời.
Nói cách khác, họ sử dụng kỹ thuật ghép một thanh gỗ lồi gọi là "mộng" với một thanh gỗ lõm gọi là "lỗ mộng". Nghệ nhân Kanawatsugi phải đảm bảo làm mọi thứ thật hoàn hảo với độ chính xác đến từng milimet để hai thanh gỗ có thể kết hợp với nhau một cách khăng khít.
Bằng kỹ thuật nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng người Nhật đã tạo ra những ngôi nhà gỗ, cầu gỗ ghép bền, đẹp, có thể tồn tại hàng trăm năm mà không mục nát hay lỏng lẻo, chịu mọi cơn rung chấn của động đất lên tới cấp độ 8.
Kỹ thuật Kanawatsugi của người Nhật xưa được những người thợ mộc truyền từ đời này qua đời khác. Người Nhật Bản rất tôn trọng nền văn hóa truyền thống của dân tộc. Vì vậy dù hiện nay các kiểu nhà gỗ hiện đại đã được xây dựng khá phổ biến, họ vẫn rất tôn trọng những đặc trưng của nhà gỗ cổ truyền.
Trúc Lam