Cha mẹ là người có ảnh hưởng rất lớn đến tính cách và lối sống của trẻ, đặc biệt là phương pháp giáo dục và thói quen sống của họ. Con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ, bởi vậy mọi hành vi của trẻ phần lớn học được từ người lớn. Cha mẹ có thói quen tốt , con lớn lên dễ thành công, ngược lại, cha mẹ có thói quen xấu, con lớn lên dễ hư hỏng.
Bà Esther Wojcicki (81 tuổi), nhà báo, nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ - người phụ nữ được cả thế giới biết đến là người mẹ tuyệt vời đã nuôi dạy nên ba cô con gái thành tài, với các phương pháp giáo dục đặc biệt. Trong đó, cô Susan Wojcicki (51 tuổi) là CEO Youtube, được xếp hạng 7 trong danh sách "Phụ nữ quyền lực" năm 2018. Con gái thứ hai Janet, 49 tuổi, hiện là giáo sư về nhi khoa và dịch tễ tại Đại học California. Con út Anne, 46 tuổi, là CEO công ty nghiên cứu gen 23andme.
Bà Esther Wojcicki, người mẹ vĩ đại đã nuôi dạy 3 con gái thành tài (Ảnh: Fortune)
Với những phương pháp giáo dục tiên tiến, Esther Wojcicki đã tổng kết kinh nghiệm dạy con trong cuốn sách "How to Raise Successful People: Simple Lessons for Radical Results" (Cách nuôi dạy những người thành công: Bài học đơn giản cho những kết quả bất ngờ). Dù ba cô con gái của bà đều có địa vị cao trong xã hội, nhưng với tư cách là một người mẹ, bà luôn khẳng định việc học giỏi không làm các con hạnh phúc.
Bà cho rằng, cha mẹ biết dạy con những giá trị làm người sẽ quan trọng hơn nhiều so với kiến thức trên lớp, nhưng những giá trị này thường bị hầu hết các bậc cha mẹ bỏ qua. Có 4 điều sau đây mà bà Esther Wojcicki khuyên cha mẹ nên dạy con từ khi còn nhỏ, nếu muốn con lớn lên thành công:
1. Dạy con đức tính trung thực
Người xưa chẳng phải tự nhiên có câu: "Lời nói thật đáng giá ngàn vàng", tuy nhiên, hiện nay có nhiều bậc cha mẹ thường bỏ qua khi phát hiện con nói dối.
Họ xem nhẹ và cho qua khi biết con nói dối, vì cho rằng việc trẻ đôi lúc nói dối là điều bình thường, thậm chí đó là một phần tất yếu trong sự phát triển nhân cách của con mình. Có người còn cho rằng, trẻ con biết nói dối là dấu hiệu của một đứa trẻ thông minh, lanh lợi.
Trẻ nói dối chủ yếu xuất phát từ lý do: sợ bị cha mẹ trách phạt và nói dối để tránh bị cha mẹ la mắng, trừng phạt.
Bà Esther Wojcicki và 3 cô con gái (Ảnh: The Times)
Bà Esther Wojcicki cho rằng, đứa trẻ nói dối là dấu hiệu chứng tỏ giữa cha mẹ và con cái có vấn đề về lòng tin. Nếu đứa trẻ không tin chính cha mẹ của mình thì sau này có thể tin ai?
Một người không tin tưởng người khác không thể giữ lời hứa của họ đối với người đó, và cứ như thế, một người không giữ lời hứa của mình không thể đạt được sự tín nhiệm của người khác dành cho mình.
Vì thế, cha mẹ hãy khuyến khích con nói ra sự thật và khuyên bảo con không nên nói dối.
Một khi cha mẹ phát hiện ra con mình nói dối, hãy nhẹ nhàng giúp trẻ nhận ra hậu quả của hành động chúng đã gây ra và trừng phạt trẻ bằng một cách nào đó không phải là đánh đập, la mắng.
2. Rèn luyện cho con tinh thần "thép"
Nhà tâm lý học nổi tiếng của Đại học Pennsylvania - bà Angela Duckworth đã đề cập trong một bài phát biểu trên chương trình nổi tiếng TED Talks rằng: tinh thần "thép" chính là chìa khóa giúp một người thành công.
Bà cũng đề cập trong cuốn sách nổi tiếng "GRIT" rằng, những đứa trẻ có tinh thần "thép" có thể duy trì sự bền bỉ lâu dài và nhiệt huyết đến cùng với các mục tiêu mà chúng đặt ra.
Trên hành trình trưởng thành, trẻ chắc chắn sẽ gặp phải những trở ngại trong cuộc sống, và điều quan trọng là chúng phải được cha mẹ rèn luyện cho một tinh thần "thép". Một khi trẻ có thể vượt qua những trở ngại, chúng trở nên mạnh mẽ hơn.
Khi giúp trẻ rèn luyện tinh thần "thép", hãy thể hiện sự đồng cảm với những gì trẻ đang phải trải qua. Cha mẹ hãy thấu hiểu những khó khăn, thất vọng của trẻ. Thay vì chỉ biết ra lệnh con phải làm gì một cách cứng nhắc, cha mẹ hãy cùng con suy nghĩ về các giải pháp để đối mặt và cùng vượt qua khó khăn.
3. Dạy con biết tôn trọng
Cha mẹ hãy dạy trẻ nói "không" trong trường hợp cần thiết, đồng thời dạy con biết tôn trọng, lắng nghe khi người khác nói "không".
Một khi trẻ hiểu ý nghĩa của việc nói "không", chúng cũng đang học cách chấp nhận chữ "không" và tôn trọng người khác.
Cha mẹ phải tôn trọng con cái thì con cái mới có thể tôn trọng mình. Cha mẹ phải tôn trọng người khác trước, thì con mới có thể học cách tôn trọng người khác.
Gia đình bà Esther Wojcicki (Ảnh: The Times)
Trẻ sẽ học điều này qua cách cha mẹ đối xử với người khác. Muốn con nói ra những lời lịch sự như "làm ơn", "cảm ơn", "không có gì" và "xin lỗi", thì cha mẹ cũng nên sử dụng những lời nói tử tế này nhiều hơn. Cha mẹ nên dạy con: dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng đừng quên nói lời "cảm ơn" và "xin lỗi".
4. Dạy con biết tha thứ
Cách tốt nhất để dạy trẻ biết tha thứ là cha mẹ phải biết tha thứ cho người khác, dù họ có làm tổn thương mình. Tha thứ làm cho tâm trí con trở nên nhẹ nhàng, không thù ghét, không oán hận, có tấm lòng cởi mở với mọi người, được mọi người yêu mến.
Tha thứ để trẻ có một trái tim nhân ái, biết trân trọng cuộc sống và thời gian, sống tử tế với mọi người. Điều mà cha mẹ luôn mong mỏi khi sinh con ra, nhìn thấy con trưởng thành, đó là con sống cuộc sống an yên, hạnh phúc.
3 cô con gái Janet, Anne và Susan bên cạnh bố mẹ lúc nhỏ (Ảnh: Time)
Với người mẹ vĩ đại Esther Wojcicki, bà luôn ưu tiên dạy 3 con giá trị nhân cách. Bà cho rằng, đạt thành tích cao trong học tập có thể giúp con thay đổi số phận, nhưng điều này không có nghĩa là con sẽ hạnh phúc trong tương lai.
Theo Trí thức trẻ