Ngoài ra, tâm lý thận trọng của thị trường khi chờ đợi thêm tín hiệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như những diễn biến ở Trung Đông cũng kéo giá vàng giảm.
Cuối phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,2%, xuống mức 2.501,74 USD/ounce, so với mức cao kỷ lục 2.509,65 USD/ounce ghi nhận vào phiên cuối tuần trước. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ lại tăng nhẹ 0,1%, lên mức 2.541,30 USD/ounce.
Ông David Meger, Giám đốc đầu tư và giao dịch thay thế tại High Ridge Futures, cho biết: “Chúng tôi sẽ không ngạc nhiên khi chứng kiến xu hướng thoái lui trên thị trường vàng vì các nhà giao dịch có thể thất vọng nếu Fed chỉ đưa ra khả năng cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm và không gợi ý về khả năng cắt giảm 0,5 điểm phần trăm.
Trọng tâm sẽ chuyển sang biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Fed, dự kiến được công bố vào ngày 21/8, và bài phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell tại Hội nghị các ngân hàng trung ương ở Jackson Hole vào cuối tuần.
Theo nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của Reuters, giá vàng có thể rơi xuống phạm vi 2.479-2.487 USD/ounce, sau khi không thể phá vỡ ngưỡng kháng cự 2.507 USD/ounce.
Tuy nhiên, nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết giá vàng có thể tăng cao trong những tháng tới, có khả năng đạt 2.600 USD/ounce vào cuối năm nay, đồng thời mọi con mắt sẽ đổ dồn vào bất kỳ dấu hiệu nào về kế hoạch cắt giảm lãi suất của Fed.
Một số ngân hàng Trung Quốc đã được cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng mới, do vậy giới phân tích nhận định nhu cầu tiêu thụ vàng của nước này sẽ phục hồi bất chấp giá cao kỷ lục.
Nhu cầu vàng cũng tăng mạnh do căng thẳng địa chính trị “nóng” lên, ở Trung Đông thúc đẩy hoạt động mua tài sản trú ẩn an toàn.
Cùng ngày, giá bạc tăng 0,8% lên 29,24 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 0,3% lên 957,57 USD/ounce, trong khi giá palladium giảm 2,1% xuống 930,92 USD/ounce.
Tại Việt Nam, cuối phiên 19/8, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 78,00 - 80,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).