Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ, người chắp bút cho kịch bản nhiều bộ phim bất hủ như “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm,”“Em bé Hà Nội” vừa qua đời tối ngày 20/3, hưởng thọ 90 tuổi.
Theo thông tin từ con trai nhà biên kịch, nhà quay phim Hoàng Tích Thiện, ông đã qua đời vì bệnh tuổi già và mắc một số chứng bệnh liên quan đến tim, phổi. Ông ra đi bên cạnh gia đình, con cháu.
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ sinh năm 1932 tại Từ Sơn, Bắc Ninh và được coi là một trong những người viết kịch bản hàng đầu của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam và cũng là nhà biên kịch đầu tiên được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Gia đình của nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ có nhiều người theo đuổi ngành nghệ thuật, nghề viết. Bên cạnh con trai Hoàng Tích Thiện làm quay phim, các anh trai ông là họa sỹ Hoàng Tích Chù, nhà báo Hoàng Tích Chu và nhà viết kịch Hoàng Tích Linh.
Theo thông tin gia đình cung cấp, trong các năm từ 1946 đến 1959, cố nghệ sỹ Hoàng Tích Chỉ đã sớm giác ngộ cách mạng và trải qua nhiều công việc như làm trinh sát của Ty liêm phóng Bắc Giang, sau đó làm trưởng phòng Văn nghệ Ty văn hóa Bắc Giang rồi theo học Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc năm 1959.
Năm 1961, ông là học viên lớp biên kịch khóa đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam và tốt nghiệp năm 1963. Từ năm 1964, ông làm trưởng phòng biên tập Hãng phim truyện Việt Nam, sau đó ông tiếp tục giữ chức giám đốc Hãng phim truyện I - Cục Điện ảnh.
Lúc sinh thời, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ là người chắp bút cho nhiều bộ phim kinh điển của điện ảnh Cách mạng Việt Nam, tên tuổi ông gắn liền với nhiều đạo diễn nổi tiếng, đáng chú ý phải kể đến cố Nghệ sĩ nhân dân-đạo diễn Hải Ninh, người cùng ông hợp tác trong các phim “Em bé Hà Nội,”“Vỹ tuyến 17 ngày và đêm.”
Trong sự nghiệp, ông cùng các đồng nghiệp giành nhiều giải thưởng như Bông sen bạc các năm 1970, 1973 cho “Biển gọi” và “Em bé Hà Nội.” Bộ phim “Vỹ tuyến 17 ngày và đêm” cũng mang về cho ông và ê-kíp một giải Bông sen vàng năm 1975.
Đáng chú ý nhất, năm 2012, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm “Trên vĩ tuyến 17” (kịch bản phim truyện), “Biển gọi” (kịch bản phim truyện); “Vỹ tuyến 17 ngày và đêm” (biên kịch thứ nhất phim truyện); “Em bé Hà Nội” (biên kịch thứ nhất phim truyện); “Mối tình đầu” (biên kịch thứ nhất phim truyện); “Thành phố lúc rạng đông” (biên kịch thứ nhất phim tài liệu).
Đến tuổi 70, ông vẫn đau đáu với loạt kịch bản văn học còn ngổn ngang trên bàn làm việc. Sự ra đi của ông để lại nhiều tiếc thương cho không chỉ đồng nghiệp, giới văn nghệ sỹ mà còn cả trong lòng những người yêu điện ảnh Việt Nam./.