‘Nhà bà Nữ’ và phong cách làm phim độc hại của Trấn Thành

04/02/2023 18:56

Bài viết của nhà văn Hạ Nguyên về phim “Nhà bà Nữ” đang thu hút sự hiếu kỳ của cộng đồng mạng do đi ngược đám đông, chị thẳng thắn gọi đây là điển hình của phong cách làm phim độc hại, không nên được cổ xuý.

Xin đăng tải toàn bộ nội dung bài viết của nhà văn Hạ Nguyên đánh giá phim Nhà bà Nữ.

Đối với một ngành công nghiệp nhiều rủi ro như điện ảnh, học hỏi, "bắt chước" công thức của một phim cháy vé để "nhân bản" những phim na ná là một hiện tượng phổ biến. Sẽ không có gì để nói nếu như bộ phim cháy vé F1 là một phim tốt, như trường hợp phim road trip Tèo em của Charlie Nguyễn từng làm dấy lên một làn sóng phim hài hành trình F2 "ăn theo" trên màn ảnh Việt.

Tuy nhiên, không phải phim cháy vé nào cũng là phim tốt, ngược lại, có khi nó còn là một bộ phim "độc hại". Nhà bà Nữ của Trấn Thành mùa phim Tết năm nay là một điển hình.

kha-nhu-tran-thanh.jpg
Nhà văn Hạ Nguyên đi ngược đám đông khi đánh giá phim Nhà bà Nữ của Trấn Thành

Là một phim cháy vé, liên tục phá vỡ những kỉ lục của điện ảnh Việt, Nhà bà Nữ, tất nhiên, có rất nhiều ưu điểm. Những ưu điểm ấy - các nhà báo, nhà phê bình và một lượng lớn khán giả đã ngợi khen rầm rộ xuyên Tết, nên tôi chẳng cần phải nói thêm. Tôi chỉ nói về một số điều bất ổn trong cách làm phim của phim này, với hy vọng Nhà bà Nữ không trở thành một F1 độc hại của điện ảnh Việt - một nền điện ảnh vẫn còn bấy yếu.

1. Bản tóm tắt nghẹt thở của một web drama dông dài

Xem xong Nhà bà Nữ, tôi có cảm giác mình vừa xem xong một chiếc clip review phim trên Facebook Watch (thực chất là tóm tắt phim từ 120 phút xuống còn 14 phút kèm với giọng thuyết minh của chị google và nhạc nền tèn ten tén tèn ten tén đầy đau tim). Không biết trào lưu review phim nhan nhản trên mạng xã hội có phải là nguyên nhân khiến Trấn Thành có thêm cảm hứng làm phim theo phong cách chạy như ăn cướp này hay không...

Câu chuyện của Nhà bà Nữ là một câu chuyện cũ, nhưng vẫn rất hợp thời, và sẽ là câu chuyện dai dẳng trong mọi gia đình Việt: một bà ngoại xì tin thương cháu, một bà mẹ đơn thân độc hại, hai đứa con gái nông nổi - với motif "đi thật xa để trở về", “vấp ngã để trưởng thành”, "gia đình là số một". Một câu chuyện như thế, nếu kể điềm đạm, tinh tế, Trấn Thành rất có thể đã làm được một "phim tốt nghiệp" ra trò cho việc tự học đạo diễn. Nhưng rất tiếc, để thực sự trở thành đạo diễn điện ảnh, anh còn phải học nhiều. Mà quan trọng nhất là học tiết chế.

le-giang-1-.jpg
Phim bị chê để nhân vật nói quá nhiều

Mạch phim của Nhà bà Nữ nhanh đến ná thở, cứ như là gộp 5 tập web drama lại thành 1 file rồi bấm tốc độ phát x 3,14 vậy. Đó là hệ quả của một kịch bản ôm đồm theo lối chương hồi mà chuyện gì cũng phải kể: kiểu như tháng 7 con Nhi còn chuyên cần bưng bánh canh cho bà Nữ rồi tháng 8 con Nhi đi sinh nhật con Lan quen được thằng John, tháng 9 hai đứa bồ nhau, tháng 10 hẹn hò liên tục, tháng 11 con Nhi có bầu, tháng 12 con Nhi bị phát hiện có bầu, bỏ nhà đi; rồi tháng 1, 2, 3 năm sau con Nhi với thằng John khởi nghiệp rồi sạt nghiệp; tháng 4,5 mâu thuẫn, cãi lộn; tháng 6 sảy thai - xù nhau; nhiều tháng sau con Nhi trưởng thành đủ sức truyền kinh nghiệm cho thế hệ trẻ vật vã vào đời.

Câu chuyện con Nhi vào đời đã lê thê, công thức rồi. Mà bên lề câu chuyện chính đó, những nhân vật khác cũng có những câu chuyện phụ rườm rà: chuyện bà Nữ vì sao mà nuôi mối hận đàn ông; chuyện lục đục mày tao giữa vợ chồng con Như thằng Nhuận; chuyện nhà thằng John với một ông bố độc hại chẳng khác gì version nam của bà Nữ; rồi chuyện yêu đơn phương bà Nữ của ông Liêm tổ trưởng, chuyện của tiktoker thị phi Lê Minh Hổ…

Với một kịch bản đời thường trong nhà ngoài phố nhiều đường dây, mối nối như thế; Trấn Thành đang quay lại truyền hình hóa phim điện ảnh; tước mất ở thể loại này những khoảng lặng suy tư, những “khoảng trống” hữu ý, những ước lệ giàu sức khái quát… Cách kể chuyện tỉ mỉ, ôm đồm này của anh độc hại vì nó tiếp tục nuông chiều kiểu thưởng thức phim “chương hồi”, dễ hiểu, tập trung vào câu chuyện hơn tâm lý nhân vật, đưa thị hiếu thẩm mĩ của một bộ phận khán giả xuống thấp hơn.

2. Lạm dụng voice - over để thao túng tâm lí khán giả

Từ lâu, voice – over (tiếng trong hình) đã là một trong những phương tiện biểu đạt của điện ảnh, bằng cách để cho người dẫn chuyện hoặc người bình luận lên tiếng: kể hoặc giải thích rõ hơn về một chi tiết, tình tiết trong phim. Tuy nhiên, dùng voice – over thường là chuyện “cực chẳng đã”, vì nó ít nhiều cho thấy sự bất lực của đạo diễn trong “diễn đạt” bằng hình ảnh.

ngoc-nu-s-family-1-.jpg
Nhà văn Hạ Nguyên không đồng tình cách Trấn Thành "ham dạy" khán giả

Để lấy ví dụ cho việc “diễn đạt” bằng hình ảnh, tôi sẽ minh họa bằng cảnh đầu phim bộ phim kinh điển Mắt nhắm hờ (Eyes wide shut) của đạo diễn kiệt xuất Stanley Kubrick, đây là một cảnh cực kì đơn giản nhưng giàu chất tự sự đến mức trở thành một case study điển hình. Nhân vật người chồng của Tom Cruise đi vào toilet để soi gương, điều chỉnh lại nơ thắt của bộ suit dự tiệc, trong lúc nhân vật người vợ của Nicole Kidman đang thản nhiên đi vệ sinh, lau chùi, kéo quần, ấn nước, và cửa toilet mở toang.

Chỉ một cảnh tuềnh toàng, ít dụng công, Stanley Kubrick đã khắc họa thật sinh động trạng thái uể oải, loãng nhạt, hờ hững của cuộc hôn nhân này, mà chẳng cần đến giọng voice – over nào oang oang, đại loại “Tôi và vợ tôi đã lấy nhau gần mười năm, gần đây chúng tôi đã chẳng còn chung chăn gối, chúng tôi đi vệ sinh cũng chẳng cần đóng cửa”…

Tôi nghĩ, một người thông minh như Trấn Thành không thể không biết cả tác dụng lẫn tác hại của voice – over, nhưng anh vẫn lạm dụng chúng nhiều đến mức tôi nghĩ diễn viên Huỳnh Uyển Ân (vai con Nhi) phải đi thu voice tới mấy ngày để lồng vô phim.

Cứ sơ hở là con Nhi lại nói: đầu phim thì nó giới thiệu từng thành viên trong nhà nó, bao gồm cả chính nó, đầy tận tụy (cho dù nó không nói thì ai cũng biết, vì hình ảnh ngồn ngộn của bánh canh cua, livestream kem trộn, sòng tiến lên, xóm lao động…); giữa phim thì nó thuyết minh về bi kịch của từng người trong nhà nó, bao gồm cả nó; rồi cuối phim tự nó rút ra bài học, đúc kết triết lý, cho cả nó, gia đình nó và cả rạp phim.

Con Nhi nói nhiều tới mức tôi ước gì có cái remote để bấm mute, mà quên mất là mình đang ở rạp, và đang coi phim rạp chớ không phải đang coi đá banh có Tạ Biên Cương.

Cớ sao Trấn Thành lại cho con Nhi nói nhiều như vậy? Thực ra năng lực kể chuyện bằng hình ảnh của anh không hề yếu kém, bằng chứng là Nhà bà Nữ vẫn có những thước phim giàu chất tự sự: cảnh bầy cua bò ngang như cái nết ngang ngạnh của người nhà bà Nữ; cảnh bà ngoại Ngọc Ngà mở Audio Phật Pháp nghe “Ai chửi mắng thì ta giả điếc…”; cảnh cãi lộn vì nồi lẩu thiếu bò wagyu của Nhi và John…

Thế nên nguyên nhân cho chuyện lạm dụng voice – over của Trấn Thành chỉ có một: nó thể hiện ẩn ức, khát khao được dạy dỗ người xem của Trấn Thành. Đây là một căn bệnh trầm kha của anh, từ dẫn chương trình đến làm giám khảo gameshow, diễn viên, biên kịch rồi đến đạo diễn; lúc nào anh cũng tranh thủ “dạy” mọi người nghệ thuật sống, nghệ thuật yêu, nghệ thuật làm việc, thậm chí cả nghệ thuật làm cha làm mẹ.

Anh tận tụy dạy qua bao chương trình, như một giáo viên yêu nghề, dẫu cho anh không có kĩ năng sư phạm, và khán giả cũng không phải là học trò của anh. Thế nên, khi làm phim, chuyện anh tiếp tục triết lí, giáo điều cũng không có gì là lạ. Thời điểm anh làm Bố già, may mà có Vũ Ngọc Đãng kiềm anh lại, nên xem khá dễ chịu và cảm động; còn với Nhà bà Nữ lần này, anh nhảy chồm chồm vào trong phim mượn giọng con Nhi để tiếp tục tâm huyết sư phạm.

Thật ra ở điểm này, tôi thấy thương Trấn Thành nhiều hơn ghét. Sự nói nhiều thành tật, sự ham thuyết giảng của anh trước hết là do đặc trưng nghề nghiệp. Và sâu hơn, nó xuất phát từ tình thương, sự nhiệt huyết của anh với con người và cuộc sống. Dù làm MC, giám khảo, hay làm phim, Trấn Thành đều mong muốn mang đến những giá trị, bài học, cảm hứng tích cực cho khán giả.

Với Bố giàNhà bà Nữ, Trấn Thành thậm chí còn có tham vọng chữa lành những tổn thương sâu sắc thâm căn cố đế trong mỗi gia đình Việt, để lên án một lối dạy con độc hại, thương con độc hại, hy sinh độc hại – tất yếu sẽ dẫn đến những đứa con méo mó, lệch lạc. Rõ ràng, trong bối cảnh giáo dục truyền thống đang bộc lộ nhiều hạn chế như hiện nay, những bộ phim của Trấn Thành đã cảnh tỉnh nhiều phụ huynh, nhiều người trẻ về những sai lầm trong ứng xử, để hướng tới những mô hình giáo dục gia đình tiến bộ hơn.

Nhưng tình thương dễ khiến ta mù quáng. Chính vì Trấn Thành quá dạt dào tình thương nên anh đã nôn nóng đặt mình ở vị thế cao hơn khán giả để nói thật to cho khán giả biết họ phải sống như thế nào, dạy con ra sao, yêu thương như thế nào cho đúng cách. Thay vì để cho khán giả tự “đọc” ra những thông điệp kín đáo, tinh tế, thuyết phục; Trấn Thành để con Nhi đọc luôn cho nó lẹ.

Như vậy, chính anh lại tự biến mình thành một nhà giáo dục độc tài, áp đặt, thao túng tâm lý người khác, ép họ phải chấp nhận nghĩa duy nhất của tác phẩm, cấm được hiểu khác. Rõ là kẻ tổn thương lại muốn trị liệu tổn thương cho người khác. Tuyên truyền về giáo dục cởi mở, khai phóng bằng một câu chuyện áp đặt, đơn nghĩa, Trấn Thành vẫn quẩn quanh trong mớ triết lý gượng ép của chính mình.

Tôi không biết khi làm Nhà bà Nữ, liệu Trấn Thành có chịu ảnh hưởng chút nào của vở kịch nổi tiếng Ngôi nhà không có đàn ông (tác giả Ngọc Linh) hay không, mà cốt truyện, hệ thống nhân vật rất tương đồng, cách đặt tên phim cũng na ná. Nếu thực sự anh được gợi cảm hứng từ vở kịch này thì sự học hỏi của anh là một sự học hỏi khá vụng về. Câu chuyện của Ngôi nhà không có đàn ông tinh gọn, nhân vật được xây dựng có chiều sâu tư tưởng nên dẫu cho nội dung rất luận đề thì rời khỏi sân khấu, khán giả vẫn thỏa mãn và tự nguyện đón nhận bao thông điệp cởi mở về tình yêu, tình cảm gia đình, lòng bao dung…

Còn với Nhà bà Nữ, người xem như đứa học trò bị nhồi nhét văn mẫu, ấm ức không dám hiểu khác bài học mà đạo diễn bắt nhân vật Nhi giảng đều đều suốt phim. Thật tiếc cho Trấn Thành, nếu như không nôn nóng, không sồn sồn đến mức ô dề, cắt bớt voice – over đi, để câu chuyện hiện lên xanh tươi, sống động, đa nghĩa, thì dễ chịu biết bao nhiêu.

3. Không hề giúp diễn viên thăng hạng diễn xuất

Vốn là một ngôi sao có sức ảnh hưởng lớn trong showbiz, và có một tâm hồn khao khát kết giao, Trấn Thành đi đến đâu là kéo bạn bè, người nhà mình đến đó. Từ gameshow, talkshow đến show truyền hình thực tế; từ web drama đến phim điện ảnh; nơi đâu có Trấn Thành, nơi đó có thầy anh, bạn anh, vợ anh, em gái anh, hàng xóm của anh. Điều này dễ khiến người ta nghĩ rằng: cứ chơi với Trấn Thành là có địa vị, là được anh nâng đỡ.

Tuy nhiên, tôi lại thấy tham vọng kiểm soát, áp đặt nơi Trấn Thành dễ khiến anh “dìm hàng” thân quyến của mình, hơn là nâng đỡ tài năng của họ. Trong Nhà bà Nữ, điều đó khá dễ thấy.

duong-lam-3-done.jpg
Chị cho rằng Trấn Thành không giúp diễn viên thăng hạng

Trước hết là Lê Giang, một diễn viên hài duyên dáng, có kĩ năng diễn xuất khá ổn. Dù việc lạm dụng phẫu thuật thẩm mĩ khiến khuôn mặt chị không còn mấy linh hoạt, nhưng nét hồn nhiên, tràn trề nhựa sống nơi chị khiến chị diễn rất mùi những vai phụ nữ lao động phốp pháp, chân chất, mặn mòi, như vai dì Lệ thợ may trong Bố già chẳng hạn.

Nhưng ở Nhà bà Nữ, Trấn Thành không hề giúp Lê Giang phát huy những thế mạnh đặc trưng của mình, anh triệt tiêu khả năng diễn xuất bằng hình thể, bằng ánh mắt, nét mặt của Lê Giang, chỉ để cho chị chửi, chửi, chửi và chửi. Anh triệt tiêu khả năng sáng tạo của người diễn viên khi để cho họ phải thoại quá nhiều, không còn chỗ cho một ánh mắt thất thần, một cái thở dài, một cái đấm tay vào lưng cho đỡ cái nhức mỏi của tuổi già thức khuya dậy sớm.

Nên nhân vật bà Nữ của Lê Giang không hề có chiều sâu. Bà thiếu những phút ngồi nghe cái áp lực đè nặng trên vai: gánh một bà mẹ già ham vui và đàn con báo đời; bà thiếu những phút nhớ con, chờ con, lo lắng cho con gái đang bụng mang dạ chửa; thiếu những khát khao ôm ấp, vỗ về của một người đàn ông. Nên bà Nữ trở nên thật xa lạ với khán giả, bà là một nhân vật minh họa rất kém thuyết phục.

Tôi đã mong chờ Lê Giang kéo lại chút hy vọng cho mình ở đoạn bà Nữ gặp John ở bệnh viện, lúc Nhi sảy thai. Nhưng không, bà lại lao vào gào thét, đánh đập John đến mức khiến tôi muốn trào ngược dạ dày. Không phải người mẹ bình dân, ít học, thô vụng nào cũng đau đớn ồn ào và nông nổi như vậy.

Uyển Ân thì mới vào nghề, nên chưa nói được gì nhiều. Nhưng vì có theo dõi cô bé này trong Bố già bản web drama nên tôi cũng thấy em chưa thực sự bật sáng với vai Nhi, dẫu cho vai này Trấn Thành viết riêng cho em. Ở vai Nhi, mọi thứ đều lưng chừng, lửng lửng: sự ấm ức vừa vừa với mẹ, tình yêu vừa vừa với John, khát vọng lập nghiệp vừa vừa, sự hỗn láo, ích kỉ cũng chỉ ở mức vừa vừa.

Có lẽ, việc là em gái Trấn Thành rất dễ khiến Uyển Ân thui chột diễn xuất, nếu chỉ quen đóng dạng vai nạn nhân của bạo hành gia đình; và bị triệt tiêu quyền sáng tạo trong các vai diễn do bị thuần phục bởi anh trai. Song Luân cũng tương tự luôn, vốn là trai đẹp và nhạt, không được đánh giá cao về diễn xuất, ở phim này, Luân cũng vẫn bảo toàn sự nhạt cố hữu, mà may mắn là khá hợp với sự nhạt của nhân vật John.

Những vai diễn còn lại của Ngọc Giàu, Việt Anh, Công Ninh, Khả Như, hay của chính Trấn Thành thì khá vừa vặn và duyên dáng. Ngọc Giàu, Việt Anh, Công Ninh đều là những diễn viên lớn, nên Trấn Thành không đủ sức thao túng họ; vai của Khả Như ổn nhưng chưa có đất diễn để cô được trưng trổ hết khả năng; còn vai Nhuận của Trấn Thành cũng chỉ ở dừng ở mức tròn vai.

Vậy nên, việc chơi chung với Trấn Thành, dường như mới chỉ giúp các diễn viên, ca sĩ có cơ hội, có cát sê, có danh vọng, chứ không thể giúp họ thăng hạng tài năng. Ngược lại, đôi khi mối quan hệ này còn là cái bẫy khiến họ bị triệt tiêu cá tính, năng lực, dưới nguồn năng lượng của Trấn Thành. Thân thôi, đừng thân quá!

4. Kết

Lạ lùng là tôi đã “chê” Nhà bà Nữ bằng tất cả nhiệt huyết và tình cảm dành cho Trấn Thành. Tôi theo dõi Trấn Thành từ khi anh mới chập chững thi Én vàng, cuộc thi tìm người dẫn chương trình truyền hình của HTV. Dần dần chứng kiến anh trở thành một ngôi sao đa năng của showbiz Việt.

Anh sở hữu nhiều yếu tố để trở thành một nhân vật lớn ở mọi lĩnh vực mình theo đuổi, bao gồm cả điện ảnh. Vậy nên, nếu những người có sức ảnh hưởng như anh không chịu tiết chế và thay đổi, nghệ thuật đại chúng sẽ càng đi xuống.

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm bênh vực triết lí bình dân và sự nghiên cứu thị hiếu khán giả đại chúng kĩ lưỡng của ê-kíp Trấn Thành. Theo anh, để thắng ở phòng vé, nhà làm phim cần nghiên cứu chiêu thức của Trấn Thành. Nhưng tôi muốn nói thêm, giữ phẩm chất nghệ thuật của tác phẩm là sự giữ chân khán giả tử tế và hiệu quả nhất.

HẠ NGUYÊN

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
‘Nhà bà Nữ’ và phong cách làm phim độc hại của Trấn Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO