4 nữ VĐV Việt Nam giành HCV nội dung tiếp sức 4x400m nữ ở giải châu Á
Màn thi đấu ấn tượng của Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hằng, Hoàng Thị Minh Hạnh và Nguyễn Thị Ngọc mang về cho đội tuyển điền kinh Việt Nam tấm HCV châu Á ở nội dung tiếp sức nữ 4x400m.
Đây là thành tích khá bất ngờ bởi sân chơi châu lục rất khốc liệt, các vận động viên (VĐV) điền kinh Việt Nam phải tranh tài với những đối thủ mạnh hàng đầu như Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan…
Trong vai trò chủ lực, màn bứt tốc vượt qua hai đối thủ Sri Lanka và Nhật Bản của Nguyễn Thị Huyền là bước ngoặt giúp đội nữ Việt Nam giành HCV. Tuy nhiên, VĐV người Nam Định đã không nhận công về phần mình.
"Để đạt được tấm HCV này là đều từ sự cố gắng của mỗi cá nhân và cả đội. Mỗi đồng đội góp phần rất lớn tới thành công. Chúng tôi rất hạnh phúc, có những cảm giác khó diễn tả được
Nguyễn Thị Ngọc và Hoàng Thị Minh Hạnh dù trẻ nhưng rất xuất sắc, tuy nhỏ tuổi nhưng màn thể hiện rất tốt. Khi xuất phát, hai em rất quyết tâm từ đầu, từ đó tạo nên bước đà cho tôi và Hằng", Nguyễn Thị Huyền chia sẻ.
Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hằng, Hoàng Thị Minh Hạnh và Nguyễn Thị Ngọc mang về tấm HCV châu Á ở nội dung 4x400m tiếp sức nữ (Ảnh: AAC).
"Mỗi lần giành vinh quang đều có ý nghĩa và cảm xúc khác nhau. Khi lần đầu giành HCV châu Á tôi chưa sinh em bé, còn lần này rất khác vì đã có gia đình, có em bé và những người đồng đội mới", bà mẹ một con nói.
6 năm trước, ở giải vô địch điền kinh châu Á 2017 tại Ấn Độ, Nguyễn Thị Huyền cùng Nguyễn Thị Oanh, Quách Thị Lan và Hoàng Thị Ngọc giành HCB, nhưng sau đó được đôn lên nhận HCV do một VĐV người Ấn Độ bị phát hiện sử dụng doping. Lần này, tấm HCV của Huyền và các đồng đội là hoàn toàn thuyết phục.
Sau chiến tích giành HCV, đội tiếp sức nữ nhận thưởng lên tới gần 400 triệu đồng từ Liên đoàn điền kinh Việt Nam, quy định thưởng của Nhà nước, doanh nghiệp… Nguyễn Thị Huyền khẳng định đây là bước đệm rất lớn để cô và các đồng đội cố gắng nhiều hơn trong tập luyện và thi đấu, đặc biệt là hướng tới Asiad 19 sắp tới.
Nếu tính cả tấm HCV vừa giành được trên đất Thái Lan, Nguyễn Thị Huyền sở hữu 3 HCV châu Á. Trước đó, ở giải 2017, Huyền từng có một cú đúp HCV trên hai đường chạy 400m rào nữ và tiếp sức 4x400m nữ.
Đó là chưa kể VĐV người Nam Định còn giành tới 13 HCV SEA Games, trở thành chân chạy giành nhiều HCV nhất lịch sử ở đấu trường khu vực.
Những thành tích mà Nguyễn Thị Huyền giành được càng trở nên đáng khâm phục bởi cô không chỉ đã ở độ tuổi 30, mà còn đang nuôi con nhỏ.
Trong mọi hoàn cảnh khó khăn, chân chạy sinh năm 1993 đều âm thầm vượt qua, chấp nhận mọi sự thiệt thòi, hy sinh để gánh trọng trách cho điền kinh Việt Nam.
Nguyễn Thị Huyền trở thành tấm gương để các đàn em soi vào, đặc biệt là Nguyễn Thị Hằng, Hoàng Thị Minh Hạnh và Nguyễn Thị Ngọc. Ở đội tiếp sức nữ, Nguyễn Thị Hằng được đánh giá là "chuyên gia chạy tiếp sức".
Cô sinh năm 1997 tại Hà Nội, bén duyên với điền kinh từ năm 2012 và được triệu tập lên tuyển từ năm 2017.
Trở thành tuyển thủ quốc gia ở tuổi 20, chân chạy sinh ra tại Ba Vì đã mang lại nhiều thành tích cho cá nhân, góp vào thành tích của điền kinh nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.
Niềm vui của 4 vận động viên điền kinh Việt Nam (Ảnh: AAC).
Nói về tấm HCV châu Á vừa giành được, Nguyễn Thị Hằng cho biết: "Chúng tôi không nghĩ là sẽ làm được bởi đây là sân chơi đỉnh cao của châu lục.
Cả 4 chị em không đặt áp lực, thoải mái để có tâm lý tốt nhất. Mỗi người động viên nhau cố một chút để gánh nhau lên và kết quả đến ngoài mong đợi.
Tôi được Ban huấn luyện xếp chạy ở vị trí cuối cùng thay vì thứ 3 như mọi khi. Ở 200m đầu tiên, tôi có chạy quá sức dẫn đến hụt hơi ở hơn 100m cuối. May mắn khoảng cách so với đối thủ là đủ để về đích đầu tiên. Đây là một trải nghiệm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp thi đấu của tôi".
Đây là lần đầu tiên Nguyễn Thị Hằng giành HCV châu Á. Còn tại đấu trường SEA Games cô đã có tới 3 HCV, đều ở nội dung sở trường tiếp sức 4x400m nữ.
"Tôi đã được sống trong nhiều cảm xúc từ vinh quang đến những thất bại. Mỗi lần như vậy đều cho tôi thêm bài học, động lực và quyết tâm chinh phục những đỉnh cao", VĐV 26 tuổi nói.
Hai gương mặt trẻ Hoàng Thị Minh Hạnh (24 tuổi) và Hoàng Thị Ngọc (21 tuổi) đều lần đầu góp mặt ở giải châu Á.
Tại SEA Games 32, hai VĐV này cùng Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Thị Hằng giành HCV với 3 phút 33 giây 5. Tuy nhiên, cả hai không thể ngờ mình có thể giành được tấm HCV châu lục đầy cảm xúc như vậy.
Theo Dân Trí