Ngày 11/5, phiên phúc thẩm xét xử bị cáo (36 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) và đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền, tiếp tục phần xét hỏi.
Hồ sơ vụ án thể hiện, năm 2016, Luyện thành lập Công ty Alibaba với vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Hơn một năm sau, công ty tăng vốn điều lệ lên 1.600 tỷ đồng.
Tiếp đó, Luyện thành lập 22 pháp nhân, giao cho người thân và nhân viên đứng tên, trong đó sử dụng 12 công ty với tư cách là chủ đầu tư 58 dự án bất động sản không có thật tại Đồng Nai, Vũng Tàu và Bình Thuận; tự phân lô, tách thửa trái pháp luật; quảng cáo gian dối để bán cho hàng nghìn người.
Tại tòa, khi được hỏi về việc nâng vốn điều lệ một cách "chóng mặt", Nguyễn Thái Luyện khai việc tăng vốn điều lệ là có thật và được góp bằng tài sản.
Khi được hỏi tại sao thành lập 22 pháp nhân, bị cáo Luyện nói mình làm mọi việc vì khách hàng, mong muốn mọi người có chỗ ở để an cư lạc nghiệp. "Siêu lừa" khai ban đầu thành lập công ty để môi giới nhưng quá trình vận hành có một số vấn đề phát sinh khó khăn cho người mua nên đã lập ra các công ty chủ đầu tư, phân phối trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Trong vụ án này, có nhiều bị cáo đã dùng tiền của mình, người thân để đầu tư vào các dự án của Công ty Alibaba. Về vấn đề này, "siêu lừa" nói do mọi người tin tưởng Luyện nên đầu tư.
Tiếp đó, đại diện VKSND Cấp cao tại TPHCM đặt vấn đề về việc tại sản kê biên nhỏ hơn số tiền phải bồi thường.
Ngay lập tức, Nguyễn Thái Luyện cho rằng kết quả giám định đối với tài sản kê biên là không chính xác, thấp hơn số tiền người này đã bỏ ra để mua các quyền sử dụng đất.
Tiếp đó, Nguyễn Thái Luyện nói hiện quỹ đất của Công ty Alibaba là rất lớn, nếu tất cả các bị hại nhận lại đất thì mới hết khoảng 1/3 đất đơn vị này hiện có. Nguyễn Thái Luyện nói hiện công ty có gần 5 triệu m2 đất nếu bán với giá 1 triệu đồng/m2 thì dư khả năng bồi thường cho các bị hại.
"Hiện tài sản kê biên có rất nhiều và cam đoan mình dư sức bồi thường toàn bộ thiệt hại trong vụ án", bị cáo Luyện quả quyết.
Tại phiên tòa sơ thẩm cũng như phúc thẩm, Nguyễn Thái Luyện nói hiện có nhiều người chưa được xác định tư cách là bị hại nên đưa ra đề xuất nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người này.
"Trong vụ án này, cấp sơ thẩm tuyên buộc tôi phải bồi thường 2.445 tỷ đồng cho các bị hại, bên cạnh đó dành quyền khởi kiện cho rất nhiều người. Ngoài ra, theo tôi hiện có khoảng 1.000 khách hàng chưa có tên trong danh sách bị hại, người liên quan. Nhằm đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên, tôi đề nghị giám định lại tài sản cơ quan tố tụng đang thu giữ", Luyện trình bày.
Bị cáo nói thêm: "Khi có kết quả giám định mới thì đề nghị kê biên phần tài sản bằng phần cấp sơ thẩm cáo buộc tôi phải bồi thường, phần còn lại giao cho cơ quan chức năng quản lý để thực hiện nghĩa vụ cho những khách hàng chưa có tên trong vụ án".
Hồ sơ vụ án xác định, Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm đã rao bán những dự án không có thật nhằm chiếm đoạt tài sản. Không đồng ý với cáo buộc này, bị cáo nói đất chuyển nhượng cho khách hàng là có thật, được thực hiện theo đúng quy định nhưng có một phần trong đó là đất nông nghiệp.
Tiếp đó, HĐXX tiến hành hỏi bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Nguyễn Thái Luyện), người này nói mình mong muốn khắc phục hậu quả vụ án nhưng tất cả tài sản của vợ chồng đã bị kê biên nên chưa thể khắc phục.
Phiên tòa tiếp tục xét hỏi chiều nay, 11/5.