Trong số những cuộc chia tay của các nhóm nhạc nữ thì Sistar là có lẽ là cái tên có màn chia tay thuận lợi và êm đẹp nhất. Tuy vậy, sự kết thúc của nhóm vẫn khiến không ít người cảm thấy tiếc nuối khi cả 4 thành viên đều không thể cùng vượt qua “lời nguyền 7 năm” đối với một nhóm nhạc nữ, ngay cả khi họ vẫn nhận được sự mến mộ từ công chúng và đạt được các thành tích cao trên các bảng xếp hạng.
Trên thực tế, dường như chỉ có một yếu tố thực sự chi phối đến khả năng tiếp tục quảng bá của một nhóm nhạc nữ, dù cho họ có gia hạn hợp đồng hay không, đó là nguyên tắc độc tôn tại các công ty quản lý. Nguyên tắc này chỉ ra rằng trong mỗi công ty giải trí chỉ có thể sở hữu duy nhất một nhóm nữ chủ chốt tại một thời điểm nhất định. Điều này có nghĩa rằng nếu có một nhóm nữ kì cựu sắp hết hạn hợp đồng và công ty đã có sẵn đội hình cho nhóm nữ mới thì rất có thể nhóm nữ tiền nhiệm sẽ phải giải tán để nhường chỗ cho đàn em. Đã có rất nhiều minh chứng dù vô tình hay trùng hợp ủng hộ cho suy luận trên, đó là sự kết thúc của Sistar,2NE1, 4Minute, Wonder Girls và Rainbow. Nhưng trước khi chúng ta bày tỏ sự không hài lòng với những nhóm tân binh, những người xuất hiện và đi cùng với sự giải thể của các nhóm mà chúng ta yêu thích, thì hãy đi sâu tìm hiểu các ảnh hưởng kinh tế để giải thích được lý do tại sao nguyên tắc độc tôn lại là một dấu hiệu cảnh báo gần như chuẩn xác cho sự kết thúc của một nhóm nhạc nữ lâu năm tại Kpop.
Để có thể hiểu rõ hơn về “nguyên tắc độc tôn” được đề cập ở trên, trước hết chúng ta phải nắm được phương thức kinh doanh chung đứng đằng sau sự ra đời của những nhóm nhạc nữ. Các thần tượng nữ thường dựa vào các hợp đồng quảng cáo (hay còn gọi là CF), như là một trong những nguồn thu nhập chủ yếu của họ. Thành viên có thu nhập cao nhất cũng thường là người sở hữu nhiều CF nhất. Người phát ngôn của những thương hiệu quảng cáo lớn nhất và phổ biến nhất thường được xem nữ hoàng CF, khi mà gương mặt của họ xuất hiện trên các biển quảng cáo ở khắp mọi nơi. Đối với các công ty quản lý, việc tạo nên một nữ hoàng CF mới thật sự là chủ đích cuối cùng khi cho ra mắt một nhóm nhạc nữ, bởi phần lợi nhuận to lớn thật sự mới được tạo thành khi đó.
Sẽ không ngoa khi nói rằng tuổi trẻ chính là tài sản lớn nhất của các thần tượng trong ngành công nghiệp giải trí, đặc biệt là đối với nhóm nữ. Khi mà các nữ hoàng CF đã qua thời kì xuân sắc đỉnh cao thì luôn có hàng tá những thần tượng khác trẻ và mới mẻ hơn sẵn sàng thay thế vị trí của họ. Từ nhận định này có thể thấy rằng các nhóm nữ trẻ tuổi sẽ trở nên có giá trị hơn khi mà họ có những lợi thế to lớn nhờ vào tuổi tác và sức khỏe. Lấy ví dụ như trường hợp của Sistar, họ đã từng dành được sự mến mộ nồng nhiệt nhất từ khán giả, cũng như trải qua vinh quang của một nhóm nhạc hàng đầu, vì vậy không thể lấy danh tiếng hiện tại của Cosmic Girls (WJSN), nhóm đàn em của Sistar, ra so sánh. Nhưng nếu so sánh về tuổi tác và sự mới mẻ với công chúng thì rõ ràng Sistar yếu thế hơn nhiều.
Về mặt kinh tế, các công ty quản lý sẽ xem xét giữa hai yếu tố là “tiềm năng kiếm tiền” và “lợi tức đầu tư” khi quyết định ai mới là người họ nên “đổ tiền” vào. Quay trở lại trường hợp của Sistar, mặc dù danh tiếng của các cô gái trước khi tan rã đã từng tốt hơn đàn em WJSN ở thời điểm đó, nhưng các nhà đầu tư vẫn e ngại khi lựa chọn họ làm người phát ngôn cho các quảng cáo vì lý do tuổi tác của các thành viên. Mặt khác, nhờ vào sự trẻ trung mà các thành viên WJSN có lợi thế tương đối lớn để thu hút sự chú ý của các thương hiệu quảng cáo, trong khi các thành viên Sistar đã trải qua giai đoạn hoàng kim này.
Các công ty cũng dựa vào “lợi tức đầu tư” có thể thu được để đưa ra các quyết định đầu tư vào một nghệ sĩ. Với Sistar, “lợi tức đầu tư” của họ vẫn còn rất tốt cho đến tháng 6/2017, khi mà hợp đồng tân binh của họ với công ty chủ quản hết hạn. Hợp đồng tân binh là loại hợp đồng mà các nghệ sĩ phải kí khi họ được ra mắt, nơi mà hầu hết các điều khoản đều thiên về lợi ích của công ty hơn là nghệ sĩ. Để có thể thu hồi vốn từ việc đào tạo và ra mắt một nhóm nhạc thần tượng, các công ty quản lý thường sẽ yêu cầu nghệ sĩ kí kết loại hợp đồng tân binh được nói đến ở trên để đảm bảo rằng họ (công ty quản lý) có thể thu hồi được tất cả vốn đầu tư ban đầu. Trước khi Sistar chính thức tan rã, nhóm đã có rất nhiều lần thương lượng với Starship về các điều khoản trong hợp đồng nếu được tái kí, tuy nhiên, công ty này cũng đã có một “quân cờ” để đối phó với những yêu cầu từ các thành viên Sistar, đó chính là sự ra mắt của WJSN.
Sự kì vọng gần như chính là điểm mấu chốt lý giải việc các nhóm nữ không mấy mặn mà trong việc tái kí hợp đồng tân binh với công ty. Từ quan điểm của các thành viên nhóm nữ, thì đa phần đều cho rằng sau bảy hoặc nhiều năm ra mắt, họ hoàn toàn có thể trở thành ngôi sao hàng đầu, cũng vì vậy họ đều mong muốn có thể kí kết một hợp đồng có lợi hơn so với loại hợp đồng tân binh mà họ kí khi mới ra mắt. Tuy nhiên đa phần các công ty đều sẽ bác bỏ hoặc giảm đi một vài điều khoản mà họ cảm thấy “quá nhiều”, từ đó dẫn đến những bất đồng giữa hai bên và kết cục có thể là việc chia tay mà công chúng không ít lần được chứng kiến.
Lý do của việc mà hầu hết các công ty đều không muốn tái kí hợp đồng với một nhóm nữ đã có tuổi tác lẫn thâm niên, chính là vì họ đã có sẵn một nhóm nữ trẻ tuổi hơn được ra mắt với tiềm năng kiếm tiền tốt và lâu dài hơn so với một nhóm kì cựu.
Lại nói về Sistar, cho dù nhóm có lại kí loại hợp đồng nào với công ty đi nữa, thì những điều khoản trong hợp đồng mới với nhóm đều không thể nào thuận lợi cho công ty như hợp đồng kí kết với các thành viên WJSN. Do đó, lợi tức đầu tư mà Starship thu về từ hợp đồng mới với Sistar chắc chắn sẽ giảm đi đáng kể. Cho dù tuyên bố chính thức từ các thành viên rời nhóm là như thế nào, thì vẫn có một sự thật phũ phàng là công ty quản lý sẽ đầu tư nhiều hơn vào nhóm nữ mới trẻ tuổi hơn, những người có tiềm năng kiếm tiền và thu được lợi tức đầu tư cao hơn.
Tuy vậy đôi khi vẫn có một số công ty tiếp tục tái kí hợp đồng với nhóm cũ trong khi vẫn đang tìm kiếm xây dựng đội hình cho một nhóm nữ mới. Nhận định này khá giống với trường hợp của Kara khi mà nhóm đã có thêm 2 lần quảng bá sau khi tái kí hợp đồng và các thành viên nổi tiếng nhất rời đi. Dal Shabet và T-ara cũng tiếp tục hoạt động sau khi có sự thay đổi về nhân sự nhóm, các thành viên còn lại hầu như đều có thể đảm nhiệm khá tốt các vị trí bị khuyết để đảm bảo họ vẫn có thể cùng quảng bá với nhóm đàn em đang tiến bước phía sau. Điều này cũng chỉ ra rằng, “lời nguyền 7 năm” không phải bị phá vỡ, nó chỉ bị trì hoãn mà thôi.
Một thực tế mà dường như đa phần các fan đều nhận biết được đó là với mô hình vận hành các nhóm nữ hiện tại thì không cho phép sự tồn tại của nhiều hơn một nhóm nữ chủ chốt trong cùng một công ty, bởi vì các công ty đa phần sẽ không thể thu lại được toàn bộ lợi tức đầu tư khi quảng bá đồng thời cho cả hai nhóm.
Tuy nhiên vẫn sẽ có ý kiến phản bác về việc duy trì một nhóm nữ kì cựu sẽ không cần phải tốn quá nhiều nguồn vốn như khi đầu tư cho một nhóm tân binh, bởi rõ ràng các nhóm nữ kì cựu thường đã có sẵn nền tảng nổi tiếng nên việc đem lại doanh thu cho một CF nào đó là hoàn toàn nằm trong tầm tay họ. Nhưng nếu nhìn theo góc độ của những nhà quảng cáo thì công chúng thường có hứng thú nhiều hơn đối với một gương mặt mới, trẻ trung và linh động hơn là cái tên đã quá quen thuộc với họ qua nhiều năm liền.
Công ty quản lý của Sistar, Starship, dường như cũng đã suy tính đến việc này. Cũng vì thế mà trong quá trình thương thảo hợp đồng mới với nhóm, cả hai bên đều đã không thể đi đến một thỏa thuận chung. Về bản chất, nếu chi phí quảng bá cho hai nhóm nữ - với chi phí cao hơn đáng kể so với việc quảng bá một nhóm nữ - không dẫn đến tăng doanh thu đủ lớn, thì theo logic thông thường, công ty hiển nhiên chỉ nên tâp trung hơn cho một nhóm, mà đó chính nhóm có tương lai mở rộng hơn và hợp đồng thuận lợi hơn.
Nói cách khác, việc Starship sở hữu nhiều hơn một nhóm nhạc nữ dường như không mang lại quá nhiều lợi ích về tài chính cho họ. Vì vậy, thay vì chia khoản đầu tư vào cả Sistar lẫn WJSN, thì sẽ an toàn hơn nếu đầu tư vào mỗi WJSN khi mà Starship muốn thu được lợi tức đầu tư lớn hơn trong tương lai sau này.
Để hiểu thêm về mô hình kinh doanh đằng sau các nhóm nhạc nữ, hãy so sánh với mô hình kinh doanh phía sau các nhóm nhạc nam. Các nhóm nhạc nam nói chung có tuổi thọ cao hơn nhóm nữ vì nguồn thu chính của họ không phải từ các CF, mà từ việc bán vé concert và vật phẩm lưu niệm cho người hâm mộ. Mô hình kinh doanh này cho phép một công ty có thể có nhiều nhóm nam cùng một lúc bởi vì các nguồn doanh thu về cơ bản là không xung đột nhau.
Ví dụ như fandom của iKON không hoàn toàn trùng lặp với fandom của WINNER, và cả hai nhóm này cũng không quá tương tự so với fandom của Big Bang. Do đó, YG có thể có ba nhóm nhạc nam quảng bá cùng lúc và vẫn tạo ra lợi tức đầu tư cao cho mỗi nhóm vì mỗi nhóm nhạc nam tạo ra dòng doanh thu độc lập với nhau.
Tuy vậy điều tương tự lại không thể áp dụng với 2NE1 và BLACK PINK, bởi vì nguồn thu lợi nhuận của cả hai nhóm đều khá giống nhau, do có sự tương đồng trong phong cách của cả hai. Ví dụ, khi YG kí kết hợp đồng quảng cáo với một thương hiệu lớn nào đó cần một thần tượng nữ làm người đại diện thì 2NE1 và BLACK PINK sẽ phải cạnh tranh với nhau, điều này rõ ràng là không hề có lợi cho việc đạt được lợi tức đầu tư của YG.
Ngược lại, doanh thu của các nhóm nam có thể ít bị hạn chế hơn nếu họ biết tách biệt hình ảnh bản thân khác một chút so với số đông đủ để thu hút công chúng mà không khiến các fandom chồng chéo lên nhau. Khi các nhóm nam trở nên giàu kinh nghiệm hơn, và fandom của họ trưởng thành hơn thì những nhóm nam này vẫn có thể tạo ra lợi tức đầu tư tốt theo thời gian, khiến họ ít có khả năng giải tán và nhiều khả năng tái hợp hơn sau giải tán. Điều tương tự, thật không may, lại không hoàn toàn đúng với các nhóm nữ khi họ đạt đến một độ tuổi nhất định và số lượng các hợp đồng CF cũng chững lại.
Với bất kì quy luật nào thì cũng sẽ có ngoại lệ. Trong trường hợp này thì có vẻ như SM là công ty hiếm hoi đứng ngoài lề “nguyên tắc độc tôn”, khi họ hiện tại vẫn còn sở hữu cả ba cái tên hàng đầu trong hàng ngũ nhóm nữ của Kpop. Cả SNSD lẫn f(x) đều đã trải qua chặng đường 7 năm tương đối an toàn khi chỉ mất một thành viên so với đội hình ban đầu nhưng vẫn giữ được danh tiếng đáng nể, và khi nhóm nữ mới nhất của SM là Red Velvet được ra mắt thì cả hai nhóm nữ trên đều vẫn còn đang hoạt động khá tích cực.
SM với tư cách là một trong những công ty giải trí quyền lực nhất xứ Hàn, đã đặt ra không ít quy tắc riêng trong những phi vụ thương lượng đối với các hợp đồng quảng cáo. Cũng vì vậy mà họ hoàn toàn có đủ tiềm lực và khả năng để có thể đồng thời quảng bá cho cả ba nhóm nữ cùng một lúc. Mặc dù trong thực tế, cả hai nhóm kì cựu là SNSD và f(x) đều đã giảm các hoạt động quảng bá nhóm và theo lý thuyết thì cả hai cái tên này đã không còn đủ sức hấp dẫn với các nhà quảng cáo như lúc trước, nhưng một khi lợi tức đầu tư do họ mang lại vẫn đạt đủ hạn mức mà SM đã đề ra thì việc công ty này vẫn tiếp tục quảng bá cho cả hai cùng với Red Velvet là hoàn toàn có thể xảy ra.
Lúc này, chúng ta đã có thể hiểu một cách tổng quát về lý do tại sao mỗi công ty chỉ có thể sở hữu một nhóm nữ tại một thời điểm, để ngăn chặn những sự chồng chéo giữa việc thành lập nhóm mới và hợp đồng với nhóm cũ sắp kết thúc. Như vậy chúng ta cũng có thể dễ dàng dự đoán tương lai của những nhóm nữ kì cựu khi nhìn vào kế hoạch ra mắt tân binh từ công ty quản lý của họ. T-ara đã từng dự đoán sẽ tan rã sau hàng loạt biến cố xảy ra trong suốt hơn 7 năm sự nghiệp của nhóm và đặc biệt là khi MBK ra mắt DIA vào năm 2015, và sự thật là sau đó, T-ara cũng chính thức rời khỏi công ty khi hợp đồng của nhóm với MBK hết hạn vào năm 2017. Không có tuyên bố chính thức như T-ara, nhưng cả Dal Shabet và After school dường như cũng biến mất tăm sau khi công ty quản lý của hai nhóm này là Happy face và Pledis thông báo ra mắt nhóm nữ mới là Dreamcatcher và Pristin.
Như vậy, liệu còn có ai có thể trụ vững sau hàng loạt sự thất thủ của nhóm nữ thế hệ cũ? Girl’s Day đã gia hạn hợp đồng với DreamT vào năm 2017 và A Pink vẫn tiếp tục quảng bá cho đến hiện tại. Rất dễ để nhận ra điểm chung của cả hai nhóm nữ này, đó là công ty quản lý của họ, cho đến hiện tại, vẫn chưa ra mắt bất kì nhóm nhạc mới nào khác, điều đó có nghĩa là cả Girl’s Day lẫn A Pink vẫn đang là nhóm nữ chủ chốt duy nhất tại công ty của họ.
Mặc dù có chút khập khiễng nhưng có thể xem việc ra mắt một nhóm nhạc nữ cũng giống như lúc bạn sở hữu một chiếc xe. Bạn có thể bỏ ra nhiều tiền để đầu tư cho chiếc xe nhằm đảm bảo nó có thể vận hành bền vững qua thời gian. Nhưng khi chiếc xe đã quá lâu và hiệu suất vận hành đã giảm thì việc mua một chiếc xe mới để thay thế rõ ràng sẽ khôn ngoan hơn so với việc cứ tiếp tục bỏ tiền ra để trùng tu chiếc xe cũ. Một khi chiếc xe mới bắt đầu vận hành trơn tru thì chiếc xe cũ sẽ không còn có nhiều giá trị nữa, đồng thời việc bỏ tiền ra để bảo trì chiếc xe cũ kia cũng sẽ trở nên vô nghĩa, vì vậy cuối cùng bạn sẽ phải bỏ nó. Quan điểm trên có thể còn thiếu sót nhưng dù sao nó vẫn phản ánh được phần nào những tính toán mà các công ty giải trí đã và đang triển khai đối với các nhóm nhạc dưới trướng quản lý của mình.
Tóm lại, “nguyên tắc độc tôn” đã chỉ ra rằng mỗi công ty giải trí chỉ có thể sở hữu một nhóm nữ chủ chốt vào một thời điểm nhất định. Không hẳn vì họ không đủ tiềm lực để quảng bá cho nhiều nhóm cùng lúc, mà họ chỉ dựa trên những suy tính lâu dài về mặt tài chính và lợi nhuận thu được khi đầu tư cho một nhóm nhạc nữ mới và trẻ hơn, thay vì phải dùng cũng chừng đó tiền để duy trì một nhóm nữ đã bước qua giai đoạn đỉnh cao của tuổi tác và sự nghiệp.