Như Dân trí , từ tối 28/9 trên dọc bãi biển của xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định xuất hiện những con ngao dạt vào bờ biển. Đỉnh điểm vào ngày 30/9, hàng triệu con dồn về đây, kéo dài trắng xóa hàng cây số dọc bãi biển, tạo cảnh tượng hiếm gặp.
Người dân ở đây cho biết, thỉnh thoảng xuất hiện hiện tượng ngao dạt vào bờ biển, nhưng đây là lần đầu tiên họ bắt gặp số lượng ngao đạt mức kỷ lục lên đến hàng triệu con, có những con to bằng bàn tay và phần lớn trong số chúng đều đã chết há miệng.
Vậy hiện tượng này được giải thích như thế nào từ góc nhìn của khoa học?
Ngao phân bố trên các bãi biển có đáy là cát pha bùn (chiếm 60-80%) và có lượng nước ngọt nhất định chảy vào. Đặc biệt, ở nơi đáy có nhiều bùn hay những vùng ảnh hưởng do bão, lũ lụt sẽ khiến chúng bị chết ngạt.
Đáng chú ý, chúng thường di chuyển trên mặt nước khi gặp môi trường không thích hợp bằng cách tiết một túi nhầy, giảm trọng lượng để có thể nổi lên và được sóng biển cuốn đi.
Siêu bão Noru đổ bộ vào miền Trung nước ta có thể là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng hàng triệu con ngao bị sóng cuốn vào bờ biển Nam Định.
Khi cơn bão đi vào vùng biển phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa lúc 4h ngày 27/9, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 16 và đổ bộ vào đất liền với sức gió mạnh khoảng cấp 7 đến cấp 9.
Sức mạnh này tạo ra những con sóng vô cùng mạnh, nước dâng cao khiến những con ngao nhận biết được môi trường sống bị đe dọa, chúng nổi lên để di chuyển (hoặc bị chết ngạt) và được sóng cuốn trôi.
Đây là một điều hoàn toàn tự nhiên, nhiều vùng ven biển trên thế giới cũng đã gặp phải hiện tượng các loài động vật bị sóng đánh dạt vào bờ.
Chẳng hạn tại Mỹ, vào năm 2021 hàng nghìn con ngao bị trôi dạt vào bãi biển Revere, Massachusetts, sau khi bị ảnh hưởng một cơn bão.
Các chuyên gia sau khi nghiên cứu đã kết luận rằng, sự kiện ngao dạt vào bờ biển ở Mỹ là hoàn toàn do cơn bão gây nên, không phải do con người.
Một số nguyên nhân khác cũng có thể gây ra hiện tượng này gồm biến đổi khí hậu, yếu tố dịch bệnh hay môi trường nước không có đủ oxy, ô nhiễm nguồn nước...
Tuy nhiên trong trường hợp này, theo các chuyên gia, nghi vấn hàng đầu gây nên hiện tượng này là do hậu quả của cơn bão Noru.
Tháng 8/2022, trên địa bàn phường Hải Lĩnh, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cũng từng xuất hiện với số lượng lớn. Lãnh đạo địa phương cho biết đây là hiện tượng thường gặp hàng năm vào các mùa mưa bão.