Trong 5 năm qua, châu Âu là khu vực có tỷ lệ nhập khẩu vũ khí tăng cao nhất trên thế giới. Bloomberg dẫn lời các nhà nghiên cứu cho hay, một phần lý do vì nhiều nước lo ngại trước mối đe dọa an ninh từ Nga.
Theo báo cáo được Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hôm 14/3, trong khi hoạt động xuất khẩu vũ khí trên toàn cầu giảm 4,6% trong giai đoạn từ năm 2017 – 2021, tỷ lệ nhập khẩu vũ khí ở châu Âu lại tăng 19% trong 5 năm qua.
Trong vòng 5 năm, tỷ lệ nhập khẩu vũ khí của châu Âu tăng từ 10% lên thành 13%. (Ảnh: Bloomberg) |
“Châu Âu là điểm nóng mới. Chi tiêu quân sự không chỉ tăng từng chút một mà là tăng rất nhiều. Chúng ta cần có nhiều loại vũ khí mới mà trong số này phần nhiều là hàng nhập khẩu”, ông Siemon Wezeman, đồng tác giả bản báo cáo thường niên của SIPRI cho biết.
Cũng theo ông Wezeman, đa số vũ khí mà châu Âu nhập khẩu được sản xuất ở nhiều quốc gia châu Âu và tại Mỹ.
Hiện tại, cả Đức, Đan Mạch và Thụy Điển đều đã thông báo về kế hoạch tăng mức chi tiêu quân sự.
Các nước châu Âu càng lo lắng về tình hình an ninh quốc gia, sau khi chứng kiến cuộc tấn công quân sự của Nga ở Ukraine. Những loại vũ khí mà châu Âu mua thêm được cho gồm các chiến đấu cơ như F-35 của Mỹ, tên lửa, pháo binh và vũ khí hạng nặng.
Cũng theo ông Wezeman, xu hướng tăng cường nhập khẩu vũ khí của các nước châu Âu xuất hiện sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine vào lãnh thổ liên bang Nga hồi năm 2014. Hiện tại, xu hướng này càng thể hiện rõ.
Ông Wezeman nói thêm chi phí của châu Âu trong hoạt động mua bán vũ khí toàn cầu đã tăng từ 10% lên thành 13% trong 5 năm, và thị phần này đang tăng đều. Các chuyên gia ước tính số tiền mà châu Âu bỏ ra để mua vũ khí là gần 100 tỉ USD/năm.
Cũng theo SIPRI, châu Á và châu Đại Dương vẫn là khu vực nhập khẩu chính vũ khí trên thế giới trong vòng 5 năm qua, khi chiếm tới 43% tổng giá trị buôn bán vũ khí toàn cầu với 6 quốc gia nhập khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới là Ấn Độ, Trung Quốc, Australia, Hàn Quốc, Pakistan và Nhật Bản.
“Căng thẳng giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia ở châu Á và châu Đại Dương là nguyên nhân chính khiến khu vực này tăng cường nhập khẩu vũ khí”, SIPRI nhấn mạnh trong báo cáo.
Trung Đông đang là thị trường nhập khẩu vũ khí lớn thứ 2 trên thế giới khi chiếm 32% tổng giá trị nhập khẩu vũ khí toàn cầu mà nguyên nhân chính xuất phát từ căng thẳng giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh.
“Giá dầu hiện tại giúp họ có thêm nguồn thu nhập và số tiền này thường được sử dụng cho các đơn đặt hàng vũ khí quy mô lớn”, ông Wezeman cho hay.
Trái lại, châu Mỹ và châu Phi là hai khu vực tiếp tục chứng kiến hoạt động nhập khẩu vũ khí sụt giảm mạnh với tỷ lệ lần lượt là 36% và 34% trong vòng 5 năm. Mỗi khu vực này chiếm khoảng 6% giá trị nhập khẩu vũ khí toàn cầu.
Nói về từng quốc gia cụ thể, Ấn Độ và Ả Rập Xê-út hiện đứng đầu thế giới trong danh sách nhập khẩu vũ khí khi mỗi nước chiếm khoảng 11%, tiếp đó là Ai Cập với 5,7%, Australia 5,4% và Trung Quốc là 4,8%.
Mỹ vẫn đứng đầu danh sách các nước xuất khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới. (Ảnh: Reuters) |
Trong danh sách các nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu vũ khí, Mỹ đứng số 1 và chiếm 39%. Vị trí thứ hai là Nga khi giảm xuống còn 19% trong vòng 5 năm qua và nguyên nhân chính là do Trung Quốc giảm số lượng vũ khí nhập khẩu từ Nga.
Việc bị Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu liên tiếp áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế hà khắc sau khi Tổng thống Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine được cho sẽ tác động lớn tới doanh thu của ngành công nghiệp vũ khí Nga trong tương lai. Ngoài ra, Algeria và Ai Cập là hai trong số nhiều nước chịu ảnh hưởng lớn nhất do phụ thuộc lớn vào các loại vũ khí nhập khẩu từ Nga.
Đứng thứ 3 trong danh sách các nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới là Pháp khi chiếm 11% tổng giá trị toàn cầu. Trung Quốc và Đức lần lượt xếp thứ 4 và 5 với tỷ lệ 4,6% và 4,5%.
Kyodo đưa tin, tính tổng thể, trong danh sách 10 quốc gia đứng đầu thế giới về nhập khẩu vũ khí thì có tới 6 nước đến từ châu Á và châu Đại Dương. Chốt danh sách này là Nhật Bản khi chiếm 11% tổng giá trị nhập khẩu vũ khí toàn cầu.
Giá trị xuất khẩu vũ khí của Mỹ cũng đã tăng 14% trong 5 năm. Trong cùng kỳ, Nga lại bị giảm 26%.
Theo SIPRI, Mỹ vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho khu vực châu Á và châu Đại Dương, bởi xuất khẩu vũ khí là phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc.
Ngoài ra, tính tổng thể theo báo cáo của SIPRI, cộng lại Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức chiếm hơn 3/4 tổng giá trị xuất khẩu vũ khí trên toàn cầu.
Minh Thu (lược dịch)