Nguyên nhân chính 'ẩn' trong giá gạo tăng

22/08/2023 13:58

Bên cạnh lợi ích kinh tế, xuất khẩu gạo còn gắn với thương hiệu và uy tín quốc gia trong ứng xử với quốc tế, khi Việt Nam có vai trò quan trọng trong đảm bảo hoạt động hiệu quả của thị trường gạo thế giới.

Số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, trong tháng 7/2023, Việt Nam đã xuất khẩu 660.738 tấn gạo, kim ngạch 362,66 triệu USD, tăng 6,9% về lượng và tăng 6,4% về kim ngạch so với tháng trước. Tính chung 7 tháng qua, cả nước xuất khẩu gần 4,9 triệu tấn gạo, tổng kim ngạch đạt 2,62 tỷ USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 31,4% về kim ngạch so với cùng kỳ 2022.

3 nguyên nhân khiến giá gạo tăng

Hiện nay giá gạo xuất khẩu Việt Nam đã tiến sát ngưỡng 620 USD/tấn, nhưng DN vẫn gặp khó trong thu mua lúa đáp ứng đơn hàng. Theo nhận xét của TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, giá gạo đang tăng mạnh ẩn chứa 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất là xung đột địa chính trị làm cho nguồn cung lương thực và các loại nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất lương thực bị hạn chế, gián đoạn. Thứ hai là thời tiết cực đoan, với sự xuất hiện của hiện tượng El Nino, nguy cơ giảm sản lượng lương thực nói chung và lúa gạo nói riêng là hiện hữu, vậy nên các quốc gia đang lo lắng cho nguồn cung phục vụ nhu cầu nội địa. Thứ ba là trong nỗi lo đó, một nhóm ít nước ngừng xuất khẩu như Ấn Độ, UAE,… khiến áp lực nguồn cung lại càng lớn, nên tình hình giá gạo những ngày tới sẽ rất khó dự báo.

Trong khi đó, gạo là mặt hàng chiến lược liên quan đến đời sống cơ bản của người dân, gắn với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và nền kinh tế. Trên thế giới, số lượng quốc gia có thể sản xuất gạo đủ đáp ứng nhu cầu của chính mình và còn xuất khẩu được không nhiều, trong đó có Việt Nam.

Các quốc gia như Việt Nam không chỉ có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực của đời sống người dân, mà còn giữ vai trò, trọng trách lớn đối với thị trường gạo toàn cầu. Trong bối cảnh khó khăn về nguồn cung như hiện tại, cả thế giới đang dõi theo từng hành vi, động thái của các nước xuất khẩu gạo lớn trong đó có Việt Nam.

Theo TS. Võ Trí Thành, cần nhìn nhận thực trạng không còn chỉ là vấn đề được mùa được giá của người nông dân, vấn đề kinh doanh có lãi của thương lái, của DN hay điều hành đảm bảo an ninh lương thực của cơ quan quản lý nhà nước. Câu chuyện về gạo lớn hơn là một lĩnh vực kinh doanh đơn thuần hay thậm chí còn lớn hơn việc đảm bảo an ninh lương thực của một quốc gia.

“Bên cạnh lợi ích kinh tế, xuất khẩu gạo còn là câu chuyện thương hiệu và uy tín quốc gia trong ứng xử với quốc tế, khi Việt Nam là một trong những nước có vai trò quan trọng trong đảm bảo hoạt động hiệu quả của thị trường gạo thế giới, góp phần đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định và phát triển bền vững của rất nhiều quốc gia”, TS.Võ Trí Thành phân tích.

Nỗ lực hài hòa lợi ích các bên

Để công tác điều hành xuất khẩu gạo đảm bảo mục tiêu tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, đảm bảo lợi ích của người trồng lúa; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đảm bảo dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; đảm bảo xuất khẩu có hiệu quả, ngày 15/8/2023, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước.

Tại Chỉ thị, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

Đánh giá về động thái này, TS.Võ Trí Thành cho đây là phản ứng chính sách nhanh nhạy trong điều hành. Việc theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, các kho để kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng lúc này là hết sức cần thiết.

“Bộ Công Thương đang nỗ lực hài hòa lợi ích các bên, một mặt đảm bảo an ninh lương thực trong nước trước mọi tình huống, ổn định thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô. Mặt khác vẫn tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, cân bằng lợi ích kinh doanh giữa các thành phần tham gia thị trường gắn với giữ chất lượng sản phẩm, đảm bảo thương hiệu gạo Việt”, TS.Võ Trí Thành nhận xét.

Thời gian tới, để đảm bảo an ninh lương thực theo TS. Võ Trí Thành cần duy trì được nguồn cung cũng như khả năng tiếp cận của người dân, dự trữ ổn định. Trong đó nguồn cung cần được tính toán kĩ lưỡng, vượt trên ngưỡng thông thường có xét đến bối cảnh khó đoán định. Người dân phải luôn mua được gạo với giá bình ổn, tránh để giá tăng cao theo xu hướng chung của thế giới, ảnh hưởng đến lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Đối với các DN, vấn đề của thị trường gạo hiện nay là vấn đề thời điểm đàm phán, ký kết hợp đồng cũng như thời điểm thu mua từ người nông dân. Quá trình này sẽ có độ vênh về giá, bởi giá gạo thay đổi từng ngày nên bên nào cũng muốn hưởng lợi lớn nhất trong kinh doanh.

“Để giải quyết bài toán đảm bảo hợp đồng của các DN đang đối diện, cần tăng cường tính linh hoạt trong việc kí kết các hợp đồng, tránh để xảy ra tranh chấp, đánh mất uy tín trên thị trường. Người nông dân, thương lái, DN xuất khẩu cần có chiến lược dài hơi, đảm bảo thực hiện hợp đồng để giữ được thị trường trong tương lai thông qua nắm chắc mối liên kết dài hạn với các đối tác”, TS. Võ Trí Thành khuyến nghị.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nguyên nhân chính 'ẩn' trong giá gạo tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO