Huy Hoàng kết thúc SEA Games 31 với việc đoạt 4 huy chương vàng cá nhân, 1 huy chương vàng tập thể và phá 2 kỷ lục của Đại hội. Thành tích của anh góp công lớn giúp tuyển bơi Việt Nam đoạt 11 huy chương vàng, 11 huy chương bạc và 3 huy chương đồng, vượt xa chỉ tiêu đề ra.
Trước giải, ban huấn luyện chỉ đặt mục tiêu đoạt từ 6-8 huy chương vàng, trong bối cảnh kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đã chia tay đội. Ánh Viên là vận động viên chủ lực của tuyển bơi Việt Nam, giúp đội đoạt 25/36 huy chương vàng tại các kỳ SEA Games 2013, 2015, 2017 và 2019.
Khi được hỏi bản thân có gặp áp lực khi Ánh Viên chia tay đội hay không, Huy Hoàng đã chia sẻ: "Tôi không có áp lực gì cả, bởi tôi thi đấu cho chính mình. Khi thi đấu, tôi dồn hết đam mê vào các nội dung, để thể hiện phong độ tốt nhất. Về phần huy chương, tôi chỉ cố gắng để giành được mục tiêu cao nhất ở các nội dung tham dự".
Cả 11 tấm huy chương vàng của tuyển bơi Việt Nam đều đến các kình ngư nam. Đây là bước tiến vượt bậc so với chỉ 4 huy chương vàng tại đại hội năm 2019. Ngoài Huy Hoàng và Trần Hưng Nguyên, Phạm Thanh Bảo cũng lần đầu có tên trên bảng vàng. Bên cạnh đó, đội cũng giành 2 huy chương vàng tiếp sức, điều chưa từng có trong lịch sử.
"Tuyển bơi Việt Nam đã có một đại hội rất thành công. Tôi rất vui khi được cạnh tranh với những vận động viên của Singapore. Họ rất mạnh ở khu vực Đông Nam Á. Tuyển bơi Việt Nam có rất nhiều nhân tài, họ còn rất trẻ. Đó là điều rất tuyệt vời", Huy Hoàng nhấn mạnh.
Trong số 4 huy chương vàng cá nhân đã giành được, Huy Hoàng đã gây bất ngờ khi về nhất nội dung 200m bơi bướm. Đây không phải là nội dung sở trường của Huy Hoàng. Tuy nhiên, kình ngư này xem đây không phải là nội dung để thi thố ở những sân chơi lớn như ASIAD hay Olympic.
Anh nói: "Tôi thi đấu nội dung 200m bơi bướm vì cảm thấy mình có thể tranh chấp huy chương và đóng góp vào thành công của tuyển bơi Việt Nam. Nhưng nội dung này tôi sẽ chỉ thi đấu tại các giải quốc gia và Đông Nam Á. Còn với những sân chơi lớn, tôi chỉ tập trung vào 1-2 nội dung sở trường".