Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ: “Thích ứng hài hòa với thiên nhiên để phát triển bền vững”

27/09/2022 12:45

Ông sinh ra ở vùng biển Thanh Hóa, cuộc sống gắn liền với bão lụt, để rồi trong quá trình công tác lại được bố trí ở những vị trí, chức vụ trực tiếp đương đầu với thiên tai. Ông là Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nguyên Trưởng ban Phòng chống lụt bão Trung ương, nay là Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT).

Nhân dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống PCTT Việt Nam (22/5/1946 - 22/5/2021), Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trò chuyện với ông - người đã từng là “tư lệnh” ngành Nông nghiệp nhưng được gọi bằng cái tên dân dã là “Bộ trưởng bão lụt”.

a5(1).jpg
Ông Lê Huy Ngọ trực tiếp chỉ đạo ứng cứu trận lũ lịch sử miền Trung năm 1999. (Ảnh TL)

Sự nghiệp “làm quan” của ông dường như gắn liền với bão lũ?

Có sự trùng lặp đó. Khi ở Ty Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phú (nay là hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ), tôi đã đối mặt với trận lũ lụt đầu tiên năm 1971. Mùa Hè năm 1988, tôi được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa thì 1 năm sau, Thanh Hóa bị trận bão nặng nề nhất trong lịch sử địa phương - cơn bão số 6 năm 1989.

Đến năm 1997, khi vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ NN&PTNT (ngày 29/9/1997) thì đã phải đương đầu với cơn bão Linda (bão số 5). Đây là một trong những cơn bão mạnh nhất ập vào Tây Nam Bộ trong 100 năm qua, gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản.

Sau bão Linda 1997 là trận “đại hồng thủy” ở miền Trung năm 1999; Đoàn công tác Trung ương do tôi làm Trưởng đoàn đã vào miền Trung, trực tiếp chỉ đạo ứng cứu. Kế đó nữa là chỉ đạo chống đỉnh lũ năm 2000 ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đặc biệt là chiến đấu với lũ quét ở Du Tiến, Du Già phía Bắc tỉnh Hà Giang năm 2004…

Trận “đại hồng thủy” ở miền Trung cách đây hơn 20 năm vẫn in hằn trong ký ức của nhiều người về sự đau thương, mất mát. Vậy với ông là gì?

Trận thiên tai cách đây hơn 20 năm đối với miền Trung là trường học thực tiễn, khắc nghiệt và đau đớn. Lũ lên rất nhanh, cường độ rất lớn, khả năng ứng phó hết sức khốc liệt. Sau đó toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế chìm trong lũ, bị cô lập. Nhiều huyện của Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Định đã ngập chìm trong nước.

Trong trận “đại hồng thủy” ấy cũng như những đợt thiên tai sau này, điều tôi cảm nhận rõ nhất là tính chủ động của người dân. Những người sống trong vùng “nhạy cảm” với thiên tai, thường xuyên phải đương đầu với bão lũ, nhưng bài học giá trị nhất chính là họ - người dân đã bất chấp hy sinh để cứu nhau, tương trợ nhau, khi lực lượng cứu hộ chưa kịp tới.

a2-1.jpg
Ông Lê Huy Ngọ chia sẻ với phóng viên sáng 20/5/2021

Ông muốn nhắc tới đây như là một nét đẹp văn hóa trong PCTT của dân tộc ta?

Đúng vậy. Những bài học lịch sử cho thấy, mỗi lần có thiên tai thì tinh thần cố kết cộng đồng và truyền thống tương thân tương ái, nhường cơm sẻ áo, lá lành đùm lá rách của dân tộc ta càng được phát huy cao độ. Đó chính là kết tinh của văn hóa cộng đồng Việt Nam trong PCTT.

Ngày nay, do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và thiên tai cực đoan, dị thường trên quy mô lớn, tác động tiêu cực trên diện rộng và khó lường. Vì vậy, phải phát triển và xây dựng văn hóa PCTT với tinh thần chủ động, kết hợp “phòng - chống - tránh - thích ứng” theo hướng “thuận thiên”, góp phần nâng cao năng lực chống chịu tổng hợp của quốc gia trước thách thức nghiêm trọng, cực đoan, khó lường của thiên tai.

Những bài học gì cần được rút ra sau những trận thiên tai vừa qua, thưa ông?

Để ứng phó với thiên tai, tôi cho rằng, phương châm “4 tại chỗ” là vô cùng quan trọng. Với những trận thiên tai trên diện rộng, quy mô lớn như bão Linda 1997, đại hồng thủy 1999, hay như lũ lụt lịch sử năm 2000 của ĐBSCL, sạt lở đất ở miền Trung năm 2020 thì phải có sự chỉ đạo của Trung ương, có lực lượng mạnh của Quân đội, Công an và lực lượng kỹ thuật chuyên môn hỗ trợ ứng cứu mới hiệu quả.

Nhưng tôi vẫn nhấn mạnh, quan trọng nhất vẫn là sự chủ động phòng ngừa và thích ứng của người dân trước thiên tai. Người dân phải có kỹ năng để tự cứu mình trước khi người khác đến cứu.

Một bài học cũng cần được phát huy là nâng cao năng lực cộng đồng trong PCTT, từng bước đưa nội dung PCTT vào kế hoạch gắn với phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nếp sống văn hóa PCTT của người dân.

Ngày nay, với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học - công nghệ, đặc biệt là người dân tiếp cận thông tin rất nhanh chóng qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, truyền thanh, mạng xã hội, Facebook, Zalo, Youtube… Đây là điều kiện để đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng người dân để chủ động phòng ngừa, thích ứng với thiên tai.

Một vấn đề cũng cần phải nghiên cứu là bão lụt giờ đây bất thường, không theo một quy luật nhất định. Trong khi đó, bộ máy PCTT ở địa phương chủ yếu kiêm nhiệm, chưa chuyên nghiệp; phương tiện, trang thiết bị còn thiếu nhiều nên trong nhiều tình huống không thể cứu hộ, cứu nạn.

Vì vậy, đã đến lúc phải xây dựng cơ quan nghiên cứu khoa học - công nghệ, các trung tâm cứu hộ chuyên nghiệp do Bộ Quốc phòng quản lý. Với những phương tiện cứu hộ hiện đại, chuyên nghiệp, thường xuyên huấn luyện về PCTT như bộ đội huấn luyện để bảo vệ Tổ quốc, trở thành lực lượng phản ứng nhanh, mạnh mỗi khi lụt bão xảy ra.

Quá trình công tác, nhất là khi làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 10 năm làm Trưởng ban Phòng chống lụt bão Trung ương, tôi đã trực tiếp chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn 64 trận bão lụt, trong đó có những trận bão lụt lịch sử, những thiệt hại do thiên tai gây ra đối với Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số là một nỗi ám ảnh, hằn sâu trong ký ức.

Dù đã về hưu, nhưng mỗi lần xảy ra thiên tai, nhất là khi có tin nhiều đồng bào thiệt mạng và những người lính làm nhiệm vụ ngã xuống, tôi lặng người đi rất lâu; chỉ mong được sẻ chia, chỉ mong thiệt hại do thiên tai sẽ giảm đi..

Bởi vậy, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, tôi cho rằng, các cấp, ngành, chính quyền các địa phương phải chủ động phòng tránh và thích ứng với thiên tai; việc xử lý, khắc phục hậu quả phải được triển khai kịp thời. Sau thiên tai cần ổn định ngay các vấn đề an sinh xã hội cho người dân; đồng thời có quy hoạch, kế hoạch tái thiết lâu dài. Đặc biệt, các nhà hoạch định cần thiết nghiên cứu, xây dựng chính sách căn cơ hơn để người dân có cuộc sống ổn định, bền vững trước thiên tai.

Tôi nghĩ trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu cần có thêm tiêu chí về sự hài lòng, về hạnh phúc của người dân. Hài lòng, hạnh phúc ở đây trước hết là cuộc sống an toàn của người dân trước thiên tai”.

Ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ: “Thích ứng hài hòa với thiên nhiên để phát triển bền vững”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO