Không còn nhảy Dancesport, Flashmob, Aerobic hay Zumba, giờ đây, TikTok Dance (nhảy TikTok) - cover lại những đoạn nhảy trên TikTok - đang dần chiếm vị trí trong giới trẻ. Điều đáng nói, chính những giáo viên, phụ huynh - những người trực tiếp dạy dỗ con trẻ - cũng lao theo xu hướng nhảy TikTok này.
Chỉ cần gõ từ khóa “trẻ nhảy TikTok", hàng chục gợi ý hiện ra như “trẻ nhảy TikTok cực chất", “đứa trẻ cấp 1 nhảy trend TikTok", “trẻ con nhảy TikTok đú trend solo"... Trong các video, những đứa trẻ này thản nhiên cover lại điệu nhảy mà không cần hiểu nó có ý nghĩa gì.
Giáo viên dạy trẻ nhảy TikTok
Truy cập vào một tài khoản có tên @lesuong187, ngay ở đầu trang, người này chia sẻ một video ghi lại cảnh một cô giáo đang dạy gần 20 trẻ nhảy trên nền nhạc remix Bum xi la bùm - một trend của TikTok nhiều tháng qua. Được biết, chủ tài khoản này là một cô giáo dạy mầm non ở Đồng Nai và video được quay tại chính khuôn viên của trường.
Từ lâu, nhảy được coi là một loại hình ngôn ngữ hình thể, giúp biểu đạt ý tưởng và cảm xúc. Tuy nhiên, những động tác cô và trẻ lắc hông, vuốt mình, uốn éo trên nền nhạc giật giật lại có phần quá đà, nhạy cảm. Hiện tại, video của cô giáo này đã thu về 2 triệu lượt xem và hơn 70.000 lượt thích.
Một tài khoản của cô giáo khác là @maimi_thienan cũng thường xuyên đăng tải clip của học sinh lên trang cá nhân. Trong đó, một video với tựa đề “Khởi động mùa sinh nhật của lớp" cũng ghi lại cảnh trẻ nhảy nhót, “múa quạt" trên nền nhạc Vũ điệu 6 anh em ngay trong lớp học.
Những câu như “hôm nay ta có mặt nơi đây vui cùng đêm nay ta bay nào", “bao con tim cùng say về nơi đây ta cùng lên mây” hoàn toàn không phù hợp với trẻ mầm non. Video cũng được chèn hiệu ứng ánh đèn chớp khiến nhiều người liên tưởng đến việc cô trò đang đi bar.
Không chỉ mầm non, ở các cấp học lớn hơn, một số cô giáo cũng có ngay video nhảy TikTok cùng học sinh trong giờ ra chơi, thậm chí trong giờ học. Khi việc nhảy TikTok trở thành điều bình thường đối với học sinh, nhiều em sẵn sàng nài nỉ cô nhảy để quay video cùng.
Cô giáo sở hữu tài khoản TikTok @kieuha1307 đăng tải một video ghi lại cảnh giờ ra chơi, hàng chục học sinh đồng thanh “Cô ơi, quay TikTok đi cô" và được cô đồng ý.
Ngay sau đó, cô cùng 7 học sinh khác nhảy TikTok với tựa đề “Mặc cho mọi người nói đi dạy phải nghiêm khắc lên, tôi và học sinh vẫn xếp hàng đu trend mỗi ngày".
Nhiều giáo viên, phụ huynh vô tư đăng ảnh trẻ nhảy nhót lên TikTok. Ảnh: TikTok. |
Cha mẹ thích thú, có ngay lớp học để đáp ứng nhu cầu
“Cô trò cưng quá"
“Cô giáo xinh và nhảy đẹp quá"
“Tuyệt vời quá"
“Bé áo hồng nhảy dẻo ghê, có năng khiếu đấy"...
Bên dưới phần bình luận của những video trên, nhiều người, trong đó có cả phụ huynh tỏ ra đồng ý với những hành động trên của giáo viên, cho rằng giáo viên như vậy là năng động, phù hợp với giới trẻ, coi việc con trẻ nhảy TikTok là năng khiếu, tài năng…
Thậm chí, nhiều phụ huynh sẵn sàng đầu tư cho con đi học nhảy TikTok, quay lại cảnh con mặc quần áo không phù hợp lứa tuổi, nhảy trên nền nhạc giật giật với câu từ nhạy cảm. Một số nơi lại có ánh đèn chớp cùng sự hò hét ủng, hộ của người xem.
Những video này sau đó được chính phụ huynh đăng tải lại lên trang cá nhân TikTok hoặc được người khác quay lại và đưa lên. Họ tỏ ra thích thú, khen con nhảy giỏi, khớp nhạc, làm được hơn người lớn…
Đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, các trung tâm, lớp học cũng bắt trend, mở ngay các lớp dạy nhảy TikTok và quảng cáo rầm rộ trên mọi nền tảng bằng chính hình ảnh học sinh.
Tại TP.HCM, một trung tâm giới thiệu khóa học TikTok Dance Trend với giá 200.00 đồng/buổi. Theo quảng cáo, đây một khóa học nhảy online dạy tất cả những vũ điệu trend Tiktok đang được giới trẻ yêu thích.
Trung tâm này cũng khẳng định việc học TikTok Dance Trend sẽ giúp bé rèn luyện sức khỏe, đồng thời giúp trẻ hòa đồng với xã hội, thỏa mãn đam mê với những vũ điệu đang gây bão mạng hiện nay.
Trong khi đó, một trung tâm khác tại Hà Nội lại quảng cáo việc học nhảy TikTok sẽ giúp trị gù lưng ở trẻ, phát triển chiều cao, cơ lưng khỏe, cơ thể dẻo dai và muôn vàn lợi ích khác mà không hề nhận thức được những nguy hại mà TikTok có thể gây ra cho sức khỏe, tâm lý của trẻ em.
Một trung tâm tại TP.HCM giới thiệu khóa học TikTok Dance Trend với giá 200.00 đồng/buổi. |
Chuyên gia cảnh báo
Sau khi xem một số video nói trên, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội - nhận xét việc giáo viên dạy trẻ nhảy, ghi lại hình ảnh và đăng tải lên mạng xã hội có thể là do cảm xúc nhất thời, muốn vui, muốn thể hiện, cũng có thể muốn nhắn gửi tới phụ huynh việc giáo viên tổ chức hoạt động cho trẻ.
Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy nhiều giáo viên chưa được trang bị đủ năng lực số, không nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn sẽ ảnh hưởng đến học sinh, đồng thời vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng khi TikTok giới hạn độ tuổi sử dụng.
“Bản chất những bài nhảy TikTok không giúp ích nhiều cho học sinh, hạn chế trẻ tương tác trực tiếp, học các kỹ năng bên ngoài xã hội. Ở khía cạnh nào đó, việc lấy bài nhảy trên TikTok để dạy cho trẻ còn cho thấy giáo viên không đủ năng lực sư phạm, nghĩa là cô không đủ khả năng biên tập những bài múa cho học sinh, dạy học sinh cover lại bài nhảy chỉ nhằm mục đích quay video mà không rút ra bài học gì cho trẻ", ông Nam nói.
Bên cạnh đó, việc người lớn dạy trẻ nhảy TikTok, quay và vô tư đăng tải video đã trực tiếp khơi gợi sự tò mò của trẻ, kích thích chúng tìm hiểu và sử dụng nền tảng mạng xã hội này từ sớm.
Không chỉ giáo viên, ông Nam cho rằng phụ huynh có hành động tương tự cũng đang thiếu kiến thức về an toàn trên không gian mạng, nhất là khi để lộ “dấu chân số" của trẻ quá sớm, gây nguy hại đến trẻ.
“Tâm lý nhiều phụ huynh rất trái ngược, không muốn con dậy thì sớm, yêu sớm nhưng lại để con ăn mặc không đúng lứa tuổi. Khi con nhảy nhót, uốn éo phản cảm lại thấy thích thú”, ông Nam nhận định và cho rằng điều này khiến nguy cơ lộ lọt thông tin, mất dữ liệu ngày càng lớn. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho những đối tượng lừa đảo, quấy rối, bắt nạt trên mạng.
Tương tự, nhận xét về những video trẻ nhảy TikTok, giáo viên và phụ huynh đưa hình ảnh đó lên mạng xã hội, cô Tiêu Thị Trang - Chủ cơ sở mầm non độc lập Bình Minh (Hà Đông, Hà Nội) - cho rằng đó hành động phản cảm, không phù hợp trong môi trường giáo dục, từ lứa tuổi, âm nhạc, trang phục cho đến động tác cơ thể.
Là người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực giáo dục, cô Trang không khuyến khích việc giáo viên cho trẻ nghe nhạc không đúng lứa tuổi, xem video chứa nội dung ngoài chương trình học, đặc biệt không quay video TikTok theo trend để đăng tải lên mạng xã hội.
Theo cô Trang, việc cho trẻ tiếp xúc với nhạc, tiếng ồn quá lớn về lâu dài có thể ảnh hưởng đến thính giác của trẻ, xem và nghe quá nhiều sẽ dẫn tới xu hướng cảm âm của con bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, mạng xã hội phát triển đã kéo theo những hệ lụy đối với trẻ em, nhất là khi trẻ chưa nhận thức được việc tốt, việc xấu, việc thật hay chiêu trò nhằm mục đích câu view. Việc đưa hình ảnh, thông tin của con lên mạng xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ với trẻ, đẩy trẻ vào tình thế dễ bị kẻ xấu lợi dụng.
Cần có giới hạn của việc nhảy TikTok
Theo ông Nam, cần phải có ranh giới rõ ràng đối với việc giáo viên, phụ huynh cho trẻ nhảy TikTok, quay và đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội.
Theo đó, trẻ hoàn toàn có thể học nhảy để rèn luyện thể chất, nhưng thay vì nhảy TikTok, hãy dạy trẻ những hoạt động lành mạnh như nhảy Aerobic. Nếu nhảy hiện đại, hãy dạy trẻ những động tác phù hợp với lứa tuổi thay vì nhảy sexy, phản cảm và dùng hình ảnh đó để câu view.
“Với mỗi hoạt động, trẻ cần rút ra được bài học, không phải hoạt động xong là bỏ đó, hoặc hoạt động cho có, chỉ nhằm mục đích quay video", ông Nam nói và nhận định khi mạng xã hội đầy rẫy nội dung độc hại như hiện nay, việc trang bị kỹ năng an toàn trên không gian mạng trẻ là càng sớm càng tốt.
Không những thế, chính người lớn cũng phải thay đổi, nâng cao năng lực số cho bản thân, ý thức được lợi ích nhưng cũng phải nắm bắt được nguy cơ có thể xảy ra với con trên mạng. Đặt ra những quy định rõ ràng với con về độ tuổi, thời gian con trẻ sử dụng mạng xã hội.
Đồng quan điểm, cô Trang cho rằng thay vì cho con xem và học theo điệu nhảy trên TikTok, phụ huynh nên dành thời gian cho con tìm hiểu về các nhạc cụ dân tộc, cho con học múa Bale, Yoga Kid… Thay vì học theo lời bài hát xu hướng, cha mẹ hãy cho con nghe, học những bài hát phù hợp với lứa tuổi, hướng trẻ được sống và lớn lên một cách lành mạnh.
“Nếu cho trẻ học TikTok Dance, người dạy cần đảm bảo phải am hiểu về âm nhạc, vũ điệu và sử dụng trang phục phù hợp cho trẻ”, cô Trang nhấn mạnh.
Ngoài ra, để không ảnh hưởng đến chất lượng giờ học, cô Trang cho rằng các nhà trường nên đặt ra quy định về việc sử dụng điện thoại trong giờ làm việc, đồng thời cấm sử dụng hình ảnh liên quan đến nhà trường, học sinh để đăng tải lên mạng xã hội nhằm mục đích cá nhân.
“Nếu muốn đăng tải, mọi nội dung cần được nhà trường kiểm tra và đồng thuận trước khi sử dụng. Nếu có hình ảnh học sinh, cần nhận được sự đồng ý của trẻ và cha mẹ các em", cô Trang nói.