Nhiều vụ hỏa hoạn từ việc tủ lạnh phát nổ
Liên quan đến vụ việc khói tỏa từ ngôi nhà trọ cao 5 tầng, 1 tum trong ngõ 187 Triều Khúc, xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) khiến nhiều người dân hoang mang. Được biết nguyên nhân ban đầu được xác định có thể do chập cháy tủ lạnh (có vỏ nhựa).
Hiện trường vụ cháy tại Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) tối 14/3. |
Có thể thấy, đây không phải lần đầu xảy ra hỏa hoạn do tủ lạnh phát nổ tại nhà ở. Theo Hindustan Times, hồi cuối tháng 12/2023, một tủ lạnh ở Gobindpura Mohalla, gần Vishwakarma Chowk (Ấn Độ) cũng phát nổ khiến 5 người bị thương khá nặng.
Hay đầu tháng 7/2023, The Paper đưa tin một vụ nổ "như bom" do tủ lạnh gây ra ở cửa hàng kem ở Hà Nam (Trung Quốc) đã khiến một người thiệt mạng và một người bị thương. Sự cố xuất phát từ việc trong quá trình rã đông đá, chủ nhà dùng vật sắc nhọn để cạy lớp tuyết phủ, gây thủng dàn lạnh, dẫn đến rò rỉ ga và phát nổ.
Tủ lạnh phát nổ khiến 5 người bị thương nặng ở Ấn Độ. |
Thậm chí, năm 2017, vụ hỏa hoạn đã khiến một chung cư ở Anh bị bốc cháy vì nổ tủ lạnh hay Samantha Thomas ở xứ Wales cũng mất mạng vì chiếc tủ lạnh.
Theo nhiều chuyên gia, sự cố nổ tủ lạnh thường được gọi là “Thảm họa bị bỏ qua”. Trong khi đó, tủ lạnh chính là là thiết bị nguy hiểm trong nhà vì đa số thiết bị điện tử khác trước khi phát nổ thường bốc khói hoặc có tiếng báo động, còn tủ lạnh có thể bất ngờ phát nổ mà không có dấu hiệu cảnh báo khiến người dùng không kịp trở tay.
Nguyên nhân tủ lạnh phát nổ
Qua trao đổi và khảo sát, Tiền Phong nhận thấy có nhiều nguyên nhân khiến tủ lạnh phát nổ, trong đó thứ nhất là việc khi sử dụng tủ lạnh một thời gian, ngăn đông thường bị đóng tuyết hoặc đông đá ở cạnh.
Khi ấy, nhiều người đã lấy vật cứng nhọn để cạy lớp đóng băng này để giúp tủ lạnh lưu thông khí lạnh dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc làm này sẽ khiến ngăn đông bị rách thành. Sau đó, chất làm lạnh sẽ bị rò rỉ tiếp xúc với không khí dẫn đến cháy nổ.
Thứ hai là khi để đồ uống có gas trong tủ lạnh, khi các đồ này bị đông lạnh, thể tích của nó sẽ tăng lên khiến lon bị biến dạng, đến khi lớp vỏ lon không thể chịu nổi áp lực bên trong sẽ phát nổ. Tương tự, bia, rượu cũng là chất dễ cháy nổ khi để trong ngăn đá tủ lạnh, vì chúng có chứa cồn nên rất dễ bị cháy nổ trong trường hợp có sự cố.
Không nên để đồ uống có gas, có cồn như bia rượu trong ngăn đông của tủ lạnh. |
Thứ ba là khi tủ lạnh đã quá cũ hoặc do sửa chữa hàn xì, thay gas nhiều lần nên có cặn bẩn gây tắc ống mao nối từ dàn ngưng đến dàn bay hơi, giảm khả năng làm mát, dẫn đến áp suất hệ thống quá cao, dễ cháy nổ. Ngoài ra, do máy nén là loại kín nên các cuộn dây điện có thể bị chập, chạm, gây ra tia lửa điện và làm gas bắt lửa…
Thứ tư, nếu đặt tủ lạnh quá gần các thiết bị điện phát ra nhiệt lượng như lò vi sóng, bếp gas,.. thì khi nhiệt lượng của các thiết bị này quá cao hoặc xảy ra chập cháy, tủ lạnh cũng sẽ bị nổ theo.
Thứ năm, mặc dù bình gas trong tủ lạnh được bọc bởi lớp vỏ thép chắc chắn, nếu quá trình nạp gas không được thực hiện đúng kỹ thuật, gas có thể rò rỉ ra bên ngoài. Khi khí gas tiếp xúc với tia lửa điện, sẽ gây ra tình trạng cháy nổ.
Ngoài ra, nếu bạn đặt tủ lạnh tại môi trường kín, nhiệt độ cao, tản nhiệt kém hoặc ẩm ướt sẽ khiến kim loại bị ăn mòn nhanh chóng gây nên cháy nổ, hỏa hoạn.
Cách phòng tránh tủ lạnh phát nổ
Theo Wayne Archer, chuyên gia điện gia dụng của Sears Home Services, hầu hết vụ nổ tủ lạnh diễn ra bất ngờ, không có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng. Tuy nhiên người dùng có thể để ý đến tiếng kêu của tủ. Ví dụ nếu bình thường máy nén chạy sẽ tạo ra tiếng kêu vo ve, ổn định ở tần số cao. Nhưng nếu tủ lạnh phát ra âm thanh chói tai, hoặc tệ hơn là không có tiếng ồn nào, có thể dây dẫn khí làm lạnh đã bị tắc. Trong trường hợp này, người dùng cần rút điện, gọi kỹ thuật viên đến kiểm tra và làm sạch các cuộn dây ngưng tụ.
Ngoài ra cần để ý, khi hai bên của tủ lạnh tỏa ra nhiều nhiệt, thân tủ có các vết nứt; có mùi gas phát ra từ tủ lạnh khi bạn đứng gần; thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh bị hư nhanh và có mùi; tủ lạnh phát ra tiếng nổ từ phía dưới hoặc phía sau; tần suất hoạt động của máy nén tủ lạnh cao hơn bình thường
Theo chuyên gia, cần đặt tủ lạnh ở những nơi thoáng mát, không ẩm ướt và không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Tránh đặt tủ quá sát tường, gần các thiết bị phát nhiệt như lò vi sóng, bếp gas… và không đặt thiết bị điện lên trên tủ. Nếu cần phải đặt tủ lạnh ở nơi có ánh sáng mặt trời, bạn nên dùng màn che để bảo vệ tủ lạnh khỏi nắng nóng.
Tránh đặt tủ quá sát tường, gần các thiết bị phát nhiệt như lò vi sóng, bếp gas… và không đặt thiết bị điện lên trên tủ. |
Không nên đặt chai nước thủy tinh, đồ uống có gas hoặc rượu, bia lên ngăn đá của tủ lạnh, nên để chúng ở ngăn mát. Đối với tủ lạnh cũ, không nên can thiệp vào các thiết bị hoặc linh kiện bên trong. Thường xuyên vệ sinh và bảo dưỡng tủ lạnh để đảm bảo hoạt động tốt nhất. Không sử dụng vật sắc nhọn để cạy tuyết hoặc đá trong tủ lạnh.
Việc bơm gas cho tủ lạnh phải đảm bảo chất lượng gas và đúng kỹ thuật để tránh rò rỉ gas. Đối với các thao tác bảo dưỡng và bơm gas, cần sự trợ giúp của các trung tâm điện lạnh uy tín, vì đó là những việc yêu cầu chuyên môn và kỹ năng cao.
Nếu có dấu hiệu cho thấy tủ có nguy cơ bị nổ, ngay lập tức ngắt nguồn điện để đảm bảo an toàn.