Nguy cơ cháy rừng cao, giám sát chặt từ cơ sở, không chủ quan, lơ là

06/05/2024 16:55

Trong những ngày qua, do tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino, nắng nóng gay gắt đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37-39 độ C, có nơi 44 độ C. Toàn quốc đã xảy gần 20 vụ cháy rừng làm trên 260 ha rừng các loại bị thiêu rụi. Trước tình trạng trên, các địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.

Chú thích ảnh
Cháy rừng tại hai huyện Thanh Chương, Nam Đàn (Nghệ An), ngày 1/5/2024. Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Cháy rừng gây hậu quả nghiêm trọng

Tại tỉnh Hà Giang, thời tiết nắng nóng kéo dài trên 40 độ C diễn ra liên tiếp nhiều ngày dẫn đến các cánh rừng khô kiệt. Trong hai ngày 26 - 27/4, tại huyện Vị Xuyên, gần 20 ha rừng đã bị thiêu rụi. Trong quá trình chữa cháy, hai cán bộ kiểm lâm đã hy sinh, một kiểm lâm khác bị thương. Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình các cán bộ kiểm lâm bị nạn tại tỉnh Hà Giang; yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, quyết liệt triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng và tập trung khắc phục hậu quả sau cháy rừng.

Chiều 2/5, một đám cháy đã bùng phát tại Lô 2 khoảnh 7, lô 7 khoảnh 8, tiểu khu 179 (xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Ngay sau khi phát hiện điểm cảnh báo cháy từ vệ tinh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận đã thông tin đến Hạt Kiểm lâm huyện Ninh Phước, đơn vị chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Tân Giang yêu cầu triển khai huy động các lực lượng, phương tiện khẩn trương tiếp cận hiện trường, tiến hành dập lửa và tạo đường băng trắng khoanh vùng đám cháy. Sau khoảng 3 giờ nỗ lực dập lửa, đám cháy cơ bản được khống chế, khoanh vùng.

Ngày 4/5, tỉnh Tây Ninh đã xảy ra cháy rừng trên diện tích lớn tại Khoảnh 3 và Khoảnh 6, Tiểu khu 5 (khu vực cầu 15), thuộc Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, thuộc huyện Tân Biên. Địa phương đã huy động các lực lượng chức năng tổ chức các biện pháp chữa cháy. Đến 4 giờ 30 phút ngày 5/5 cơ bản đã khống chế được đám cháy.

Nhận định về nguy cơ cháy rừng trong thời gian tới, ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết,  nhiều tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Kom Tum, Gia Lai, Đăk Nông, Tây Ninh và các tỉnh Tây Nam còn xảy ra nắng nóng diện rộng và có mức cảnh báo nguy cơ rất nguy hiểm (mức V). Từ nay đến giữa tháng 5, một số tỉnh có mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng rất nguy hiểm. Cụ thể, Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng từ ngày 11 - 15/5 với mức nhiệt cao nhất từ 36-39 độ C, có nơi trên 40 độ C. Các địa phương cần theo dõi sát các bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn để chủ động ứng phó.

Nhiều cách làm hiệu quả trong phòng, chống cháy rừng

Trước nguy cơ xảy ra cháy rừng mức cao, nhiều địa phương đã có những cách làm hiệu quả trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, để chủ động trong phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra, Chi cục đã triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị trực thuộc quyết liệt, tăng cường biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.

Theo đó, cán bộ kiểm lâm được phân công thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm để dự báo và thông tin cấp dự báo cháy rừng liên tục. Các đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng số 1, 2, 3 phối hợp với Hạt Kiểm lâm sở tại, các đơn vị chủ rừng rà soát trang thiết bị, công cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng của đơn vị và các chủ rừng trên địa bàn quản lý; chủ động sẵn sàng thực hiện chữa cháy rừng kịp thời, triệt để và an toàn theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và 4 sẵn sàng (sẵn sàng lực lượng, sẵn sàng phương tiện, sẵn sàng hậu cần và sẵn sàng chỉ huy).

Vườn Quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông có diện tích rừng lớn nhất tỉnh, là khu Ramsar thứ 2.000 thế giới. Hiện Vườn có các khu A1, A3, A4 và A5 dự báo cháy cấp V (cực kỳ nguy hiểm), khu A2 dự báo cháy cấp IV (nguy hiểm). Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện chỉ đạo Vườn Quốc gia Tràm Chim thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Ông Phan Hữu Tình, Phòng Quản lý bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết, để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2024, Vườn chủ động mọi nguồn lực, ứng trực 24/24 giờ trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Vườn đã trang bị camera, flycam ở khu vực trọng yếu để quản lý trực tiếp, kịp thời phát hiện nhanh khi có cháy xảy ra; đồng thời huy động hàng trăm nhân lực sẵn sàng ứng trực, tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng. Vườn còn có 19 trạm bảo vệ và 9 đài quan sát, chòi canh, cùng máy bơm chữa cháy chuyên dụng và cải tiến, hàng chục nghìn mét dây chữa cháy, hàng trăm bình xịt, cùng với bàn cào dập lửa, lăng phun nước…, sẵn sàng cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ông Nguyễn Quang Viên, Giám đốc Khu bảo tồn và du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười tỉnh Tiền Giang cho hay, để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm nay, Ban Quản lý đã lập kế hoạch giữ ẩm cho thảm thực vật và mặt đất bằng cách bố trí 2 cống hở cùng 1 trạm bơm điện công suất lớn để bơm nước vào ngập đồng, hạn chế nguy cơ cháy. Ngoài ra, Ban Quản lý đã ký kết về đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy với chính quyền địa phương cùng các đơn vị đóng trên địa bàn. Đơn vị tổ chức tuyên truyền trực tiếp với người dân vùng đệm Khu bảo tồn thông qua các buổi giao lưu, tiếp xúc để nâng cao ý thức cho người dân; xây dựng kế hoạch phòng cháy, chữa cháy hằng năm. Qua 23 năm thành lập Khu bảo tồn, đến nay công tác đảm bảo an toàn về phòng, chống cháy rừng được luôn thực hiện tốt.

Trước đó, để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 43/CĐ-TTg ngày 1/5/2024 về việc tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng, Công điện số 41/CĐ-TTg, ngày 27/4/2024. Công điện số 31/CĐ-TTg, ngày 4/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, tiếp tục thực hiện nghiêm Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; và các văn bản chỉ đạo có liên quan; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân tích cực tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra cháy rừng trên diện rộng và gây thiệt hại lớn về rừng trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ cháy rừng cao, giám sát chặt từ cơ sở, không chủ quan, lơ là
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO