Nhiều bệnh nhi chưa kịp tiêm vaccine sởi đã mắc bệnh
Một bệnh nhi 13 tháng tuổi, không may mắn như nhiều bệnh nhi khác, từ lúc sinh ra tới nay, liên tục bị bệnh vặt, nên gia đình không thể đưa em đi tiêm phòng các mũi vaccine đầy đủ, trong đó có mũi vaccine ngừa bệnh sởi.
Cách đây khoảng 1 tuần, gia đình dự định đưa bệnh nhi đi tiêm vaccine các mũi còn thiếu thì bệnh nhi bất ngờ có các triệu chứng sốt ngày thứ 6, sổ mũi, nổi ban rải rác toàn thân, kết mạc mắt đỏ, mi mắt sưng, đau họng. Sau khi được các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố khám, xét nghiệm, bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh sởi biến chứng viêm phổi. “Do con tôi chưa tiêm vaccine sởi nên khi biết bé bị bệnh gia đình đã đưa đến bệnh viện khám, bác sĩ đã cho bé nhập viện để theo dõi” - mẹ bệnh nhi cho biết.
Cũng nằm tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), bệnh nhi H.T.V (15 tháng tuổi, quận Bình Tân, TPHCM) nhập viện được 3 ngày vì bệnh sởi.
Những ngày đầu mới bị bệnh, bệnh nhi có các cơn sốt từ nhẹ chuyển sang cao nhanh chóng, nước mũi và mắt đỏ hoe… Đến ngày thứ 4, sau khi sốt, bệnh nhi có những nốt ban đỏ nổi khắp người, bắt đầu phát ban phía sau tai, sao đó lan rộng ra khắp mặt, xuống cổ, ngực, lưng, tay và phát ban khắp cơ thể trong 3 ngày. Gia đình nhanh chóng đưa bệnh nhi nhập viện, được chẩn đoán mắc bệnh sởi, cần theo dõi tích cực.
BS.CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - cho biết: Ngay trong bệnh viện, những trường hợp mắc bệnh lý tim bẩm sinh và chưa tiêm phòng ngừa vaccine sởi, thì tỉ lệ bị lây chéo là rất nhanh. Như vậy một nguy cơ rất lớn là chúng ta không thể kiểm soát được những trường hợp chưa tiêm vaccine, cũng như để tình trạng sởi lây lan trong cộng đồng, trong môi trường bệnh viện.
TPHCM nhanh chóng kiểm tra và tiêm bổ sung cho trẻ
Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố về tình hình dịch bệnh, từ đầu năm đến ngày 9.6.2024, tại TPHCM đã ghi nhận 16 trường hợp mắc sởi. Trong đó, chỉ riêng từ ngày 3.6 đến ngày 9.6, TPHCM ghi nhận 9 ca bệnh sởi. Hầu hết số ca mắc là những trường hợp trẻ em chưa được tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và việc gián đoạn cung ứng các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng trong năm 2022 đã tác động đến tỉ lệ tiêm chủng các vaccine cho trẻ, nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi.
Từ đầu năm 2023 khi nguồn cung vaccine bắt đầu có trở lại nhưng chưa đầy đủ, TPHCM bắt đầu triển khai kế hoạch tiêm bù mũi cho trẻ chưa được tiêm chủng. Khi tình hình cung ứng vaccine tiêm chủng mở rộng đi vào ổn định trong năm 2024, Sở Y tế TPHCM đã triển khai tiêm vaccine đồng loạt ở tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên toàn thành phố nhằm tăng độ bao phủ vaccine, chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
Theo báo cáo, đến hết tháng 4 năm 2024, tỉ lệ trẻ đủ 18 tháng đã tiêm đủ 2 mũi sởi đối với lứa trẻ sinh năm 2018, 2019, 2020, 2021 lần lượt là 93,2%; 90,1%; 91,7% và 93,6%.
Mức bao phủ này đạt chỉ tiêu tối thiểu theo yêu cầu của Bộ Y tế, nhưng chưa đạt chỉ tiêu của TPHCM đề ra là trên 95%, đây là mức bao phủ cần thiết để có thể tạo miễn dịch cộng đồng ngăn ngừa bệnh bùng phát và tiến đến mục tiêu loại trừ bệnh sởi (theo Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ).Theo bác sĩ Lê Thị Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, thành phố hiện đang rà soát danh sách trẻ trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia, phát hiện những trẻ nào chưa được tiêm chủng đầy đủ sẽ mời ra tiêm chủng theo lịch tiêm của ngành y tế. Đối với trẻ ở cộng đồng, ngành y tế cũng đã huy động mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng tiếp cận và vận động trẻ em đến trạm y tế để được tiêm chủng.