Trong các nguồn lực để phát triển, nguồn lực có trí tuệ là nhân tố cơ bản, quyết định đối với sự phát triển của mỗi nước. Vì vậy, chính sách giáo dục có ý nghĩa đặc biệt, được coi là quốc sách hàng đầu của quốc gia.
Bài học Phần Lan 3.0
Cuốn sách là phiên bản cập nhật so với phiên bản 2.0 mà Omega+ đã xuất bản vào cuối năm 2016. Hai ấn bản trước của “Bài học Phần Lan” đã được dịch ra gần 30 thứ tiếng; mô tả cách một quốc gia Bắc Âu nhỏ bé xây dựng nên hệ thống trường học cung cấp khả năng tiếp cận nền giáo dục đẳng cấp thế giới cho tất cả thanh thiếu niên trong nước như thế nào.
Ở “Bài học Phần Lan 3.0”, tác giả Pasi Sahlberg tiếp nối và cập nhật câu chuyện về cách Phần Lan duy trì thành tích giáo dục mẫu mực của mình, bao gồm cả cách nước này phản ứng với những thay đổi hỗn loạn trong nước và trên toàn thế giới như đại dịch Covid-19.
“Bài học Phần Lan 3.0” cung cấp các tài liệu mới quan trọng về một số chủ đề như: Giáo viên và giáo dục giáo viên; Giáo dục trẻ em có nhu cầu đặc biệt; Vai trò của trò chơi trong giáo dục chất lượng cao; Các phản ứng của Phần Lan trước tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng, điểm số trong các cuộc thi quốc tế không như kỳ vọng và đại dịch toàn cầu.
Trong lúc các quốc gia đang tiến hành cải cách giáo dục, tình trạng khủng hoảng sức khỏe cộng đồng và bất ổn kinh tế thúc đẩy những thay đổi toàn cầu, “Bài học Phần Lan 3.0” khuyến khích giáo viên, học sinh và các nhà hoạch định chính sách có những suy nghĩ lớn rộng hơn, táo bạo hơn khi tìm kiếm các giải pháp mới để cải thiện trường học và toàn bộ hệ thống giáo dục.
Triết lý và chính sách giáo dục
Giáo dục thường được coi là chìa khóa cho quá trình hiện đại hóa các xã hội truyền thống, chuẩn bị cho các quốc gia tham gia cạnh tranh trong một thế giới toàn cầu hóa. Bởi vậy, khi xem xét kỹ lưỡng bất cứ vấn đề nào về chính sách giáo dục thì hàng loạt câu hỏi đủ loại liên quan tới bản dạng xã hội, khát vọng, niềm tin của cộng đồng, các lý tưởng về công lý, và cách con người thích ứng với sự đa dạng sẽ nảy sinh. Ý tưởng đó đã đưa dẫn các tác giả đi sâu khám phá “những vấn đề cốt lõi của triết lý giáo dục cũng như hệ quả của chúng đối với những quyết định về mặt chính sách”.
Mười chương của cuốn sách “Triết lý và chính sách giáo dục” lần lượt khám phá những chiều cạnh tạo nên hoặc gây ảnh hưởng tới thứ chúng ta định danh là “triết lý giáo dục”. Độc giả rất khó tìm thấy phát biểu duy nhất về triết lý giáo dục trong cuốn sách này bởi chính các tác giả cũng khẳng định, không tồn tại một kiểu triết lý giáo dục chung duy nhất áp dụng cho mọi nền giáo dục ở nhiều xã hội khác nhau, và trong nhiều giai đoạn khác nhau.
Hai tác giả Winch và Gingell bắt đầu với việc tiếp cận từ mục tiêu của giáo dục, chương trình giáo dục, thực tiễn dạy và học cho tới hàng loạt vấn đề thu hút sự quan tâm của công chúng như kiểm tra đánh giá, thành tích, giáo dục công dân, hướng nghiệp, yếu tố chính trị và kinh tế thị trường trong giáo dục. Những khía cạnh này cung cấp cho chúng ta nền tảng để hiểu thế nào là triết lý giáo dục, nó được cấu thành từ những bộ phận nào và vận hành ra sao, và nó đã tác động như thế nào tới việc hoạch định chính sách giáo dục của một quốc gia hay một cộng đồng xã hội. Mỗi thành tố ngoài được phân tích, mổ xẻ, so sánh, liên hệ giữa các hệ thống xã hội khác nhau, còn được đặt trong tương quan với các quan niệm đã có từ quá khứ, từ đó giúp độc giả hình thành dòng mạch xuyên suốt về mặt nhận thức luận.
Bài học giáo dục từ nước Mỹ
“Bài học giáo dục từ nước Mỹ” của tiến sĩ Tony Wagner - hiện là Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách giáo dục và làm việc như một chuyên gia của Phòng thí nghiệm đổi mới sáng tạo - Đại học Harvard - trước hết là bức tranh tương đối toàn diện về hệ thống giáo dục phổ thông của nước Mỹ.
Cuốn sách đề cập đến nhiều vấn đề cấp thiết đặt ra đòi hỏi các lãnh đạo trường học, cộng đồng, giới chính trị, doanh nghiệp và thậm chí cả những cá nhân tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục ở Mỹ phải chú ý, phải tham gia vào, phải nỗ lực để cải thiện nhà trường.
Mệnh đề trung tâm mà tác giả muốn thảo luận là một trường học được xem là tốt sẽ trông ra sao và vận hành như thế nào. Câu hỏi đó cũng đồng nhất với bài toán nan giải hiện nay của nhiều nền giáo dục trên thế giới, ngay cả những nơi vốn được ca ngợi là sở hữu hệ thống giáo dục tiên tiến, hiện đại.