Nguồn gốc, ý nghĩa lễ Vu lan báo hiếu

Minh An (tổng hợp)| 19/08/2020 13:08

Việt BáoLễ Vu Lan là một ngày có ý nghĩa rất quan trọng của người Việt, mang giá trị nhân văn, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” ngàn đời của dân tộc ta. Tuy nhiên không phải ai trong chúng ta cũng biết đến nguồn gốc và ý nghĩa ngày lễ Vu Lan báo hiếu.

Nguồn gốc của lễ Vu Lan

Từ rất xa xưa, Kinh Vu Lan Bồn của Phật Giáo đã ghi chép rằng: Nguồn gốc của danh từ Vu lan là phiên âm chữ phạn Ullambana, dịch theo ngôn ngữ của người Trung Hoa là Giải Đảo Huyền, có nghĩa cứu khỏi tội treo ngược.

Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ nơi địa ngục. Mẹ của Mục Kiền Liên là bà Thanh Đề theo đạo Bà La Môn, bà là người sống rất xa hoa, tham lam, độc ác, không tin Tam Bảo.

Mỗi ngày bà thường nấu rất nhiều thức ăn và làm vương vãi khắp nơi trên mặt đất. Còn cậu bé Mục Kiền Liên, con trai của bà thì tính tình lại trái ngược hoàn toàn với mẹ của mình. Cậu bé luôn nhặt lại những hạt cơm bà làm rơi xuống, rửa sạch rồi ăn chúng. Tất cả những người quen biết đều yêu mến và khen ngợi Mục Kiền Liên là một cậu bé ngoan, hiếu thảo. Họ xem Mục Kiền Liên như một tấm gương để giáo dục con em của mình.

Sau khi bà Thanh Đề qua đời, Mục Kiền Liên đã xuất gia theo học Phật và trở thành đệ tử của Đức Phật. Có được phép thuật, Mục Kiền Liên liền dùng tuệ nhãn tìm mẹ khắp nơi trong trời đất, cuối cùng tìm thấy mẹ nơi đại địa ngục.

Trông thấy mẹ tóc tai dơ bẩn, chỉ còn da bọc xương, đói khát, úp mặt xuống đất, không thể ngưỡng nổi đầu lên. Mục Kiền Liên đau xót khôn nguôi, ôm bà bật khóc rồi dâng cho mẹ một bát cơm ăn đỡ đói. Nhưng bà Thanh Đề vẫn còn quá sân tham, nên khi cơm đưa đến miệng thì cơm hóa thành lửa đỏ, không thể ăn được. Bất lực không thể cứu được mẹ nên Mục Kiền Liên quay về tìm sự giúp đỡ của Phật.

Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".

Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng, chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu lan ra đời.

Kể từ những năm tháng đầu tiên khi Phật giáo truyền vào Việt Nam, các chùa đã tổ chức Lễ Vu lan. Ngày nay, Lễ Vu lan không còn đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng ca ngợi lòng hiếu thảo đối với mẹ không thôi mà đã trở thành "lễ hội" mang tính cách nhân văn nói lên lòng hiếu kính của tất cả mọi người đối với cả mẹ lẫn cha hiện tiền, hay ông bà cha mẹ đã quá vãng nhiều đời nhiều kiếp.

Lòng trân trọng hiếu kính mẹ cha, phụng thờ tổ tiên ông bà, chính là sợi dây liên kết giữa người còn kẻ mất, là truyền thống cao đẹp nêu cao tình người của dân tộc Việt.

Ảnh minh họa: Internet

Vì sao Lễ Vu lan có bông hồng cài áo?

Trong Lễ Vu lan thường có nghi thức Bông hồng cài áo. Theo GS.TS. Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, nghi thức Bông hồng cài áo xuất phát từ áng văn viết về mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được viết vào những năm 1960.

Trong một chuyến công tác tại Nhật Bản, Thiền sư rất lạ khi thấy người Nhật thành kính gài tặng ông một bông hoa trắng lên ngực áo. Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹp của việc này, ông đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu lan Báo hiếu của nhà Phật và viết ấn phẩm "Bông Hồng Cài Áo" vào năm 1962.

Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành.

Với ý nghĩa đó, nhiều người Việt mình đến ngày Vu lan đều cài một bông hoa màu đỏ lên áo, đó là biểu tượng của việc còn cha mẹ. Những người đã mất mẹ thì cài hoa màu trắng.

Làm gì vào ngày lễ Vu lan 2020?

Ngày lễ Vu lan báo hiếu 2020 rơi vào ngày 2/9 dương lịch. Theo thông lệ hàng năm của người theo đạo Phật, vào ngày này, những người con thường có một số hoạt động thể hiện lòng thành tâm của mình với ông bà, cha mẹ.

Hoạt động phổ biến nhất là đến chùa cầu kinh với mong muốn những người đã khuất và chúng sinh được yên nghỉ, còn những người đang sống có sức khoẻ, hạnh phúc.

Ngoài ra, mọi gia đình đều chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên, cúng phóng sinh cho các linh hồn để báo hiếu và tỏ lòng thành. Ăn chay cũng là một hoạt động trong ngày lễ Vu Lan.

Vào ngày này, các phật tử thường làm lễ cúng dường, lễ cầu siêu, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích đức, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc, tăng thọ, hoá giải nghiệp chướng…

Với những người còn bố mẹ, có thể dành tặng những lời chúc, những món quà ý nghĩa cho bố mẹ mình.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nguồn gốc, ý nghĩa lễ Vu lan báo hiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO