Nguồn gốc lây lan khó hiểu của bệnh đậu mùa khỉ

23/05/2022 17:05

Vốn chỉ phổ biến ở châu Phi, bệnh đậu mùa khỉ đã lan sang 15 nước trên thế giới với hơn 100 ca nhiễm.

Hiện đậu mùa khỉ xuất hiện chủ yếu ở các nước châu Âu, Mỹ, Canada, Australia.

Chính phủ Bỉ đã áp dụng việc cách ly 21 ngày đối với người mắc. Anh khuyến cáo những người tiếp xúc với ca bệnh nên hạn chế lại gần các đối tượng nhạy cảm như người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người bị suy giảm miễn dịch…

Theo đó, các ca F1 của người mắc đậu mùa khỉ nên hạn chế giao tiếp gần, quan hệ tình dục, dọn giường của người bệnh mà không đeo đồ bảo hộ. Họ cũng nên được tiêm vắc xin.

Tiến sĩ Susan Hopkins, cố vấn của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA), thông tin: “Chúng tôi đang phát hiện nhiều trường hợp hơn hằng ngày. Chúng tôi không biết căn bệnh này đến từ đâu và xâm nhập vào châu Âu như thế nào. Không có mối liên hệ rõ ràng giữa các ca bệnh ở Vương quốc Anh”.

Triệu chứng trên da của bệnh đậu mùa khỉ

Mối lo đậu mùa khỉ bùng phát

Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá đợt bùng phát đậu mùa khỉ là "một mối lo ngại".

Sau đại dịch Covid-19, sự xuất hiện của một căn bệnh bất thường đã thu hút sự chú ý của người dân ở một số quốc gia. Sau khi ghi nhận 4 ca nhiễm, Bỉ áp dụng biện pháp cách ly 21 ngày đối với những người mắc bệnh.

Căn bệnh này lần đầu tiên được phát hiện ở khỉ, có thể lây truyền từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần gũi - bao gồm cả quan hệ tình dục - và do virus đậu mùa khỉ gây ra.

Đậu mùa khỉ gây sốt, đau nhức cơ thể, ớn lạnh và mệt mỏi ở hầu hết bệnh nhân. Những người bị bệnh nặng có thể phát ban và tổn thương trên mặt, bàn tay và các bộ phận khác của cơ thể.

Nguồn gốc lây lan chưa được xác định 

Tiến sĩ Hopkins cho biết căn bệnh này "tương đối nhẹ" ở người lớn còn trẻ nhỏ có nguy cơ cao hơn. Rủi ro vẫn cực kỳ thấp vào lúc này nhưng mọi người cần phải cảnh giác. Khi có triệu chứng, hãy đi khám và hạn chế tiếp xúc với người khác.

Các triệu chứng ban đầu không rõ ràng, giống nhiễm trùng do virus. Trong các giai đoạn sau, người bệnh phát ban, thường ở mặt, bàn tay và cánh tay, cũng có thể ảnh hưởng đến các vùng sinh dục.

Tiến sĩ Hopkins cho biết: “Bắt đầu là những nốt đỏ và chuyển sang mụn nước - phồng rộp giống như bệnh thủy đậu. Các nốt đóng vảy và khi vảy bong ra, virus không còn lây nhiễm nữa".

Giáo sư Paul Hunter, Đại học East Anglia (Anh), nói: "Chúng tôi từng chứng kiến một đợt bùng phát nhỏ trong quá khứ, với một trường hợp liên quan đến du lịch. Sau đó, người này đã truyền bệnh cho nhân viên y tế”.

"Bệnh nhiễm trùng này đang gia tăng trên toàn cầu trong vài năm nay, điển hình là các vụ bùng phát ở phương Tây thường liên quan đến việc tiếp xúc với động vật. Nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy một đợt bùng phát lớn như vậy ở nhiều quốc gia ngoài châu Phi”.

Giáo sư Hunter cho biết thêm: “Ở người lớn, đây là dạng bệnh khá nhẹ và sẽ tự khỏi, thường trong vòng 3 tuần, đôi khi để lại sẹo. Nhưng bệnh có thể nghiêm trọng, đặc biệt ở trẻ em và những người bị ức chế miễn dịch, có thể ở cả phụ nữ mang thai”.

An Yên (Theo Sky)

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/benh-dau-mua-khi-bung-phat-khong-ro-nguon-goc-lay-lan-2022397.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/benh-dau-mua-khi-bung-phat-khong-ro-nguon-goc-lay-lan-2022397.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nguồn gốc lây lan khó hiểu của bệnh đậu mùa khỉ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO