Theo lịch sử xứ này thì truyền thống hóa thân bắt đầu khi sư trưởng Gedun Trupa, đệ tử thừa kế của đại sư Tsong Khapa hứa sẽ trở lại để hướng dẫn cho các đệ tử phái Mũ Vàng thông qua các vị Đạt Lai Lạt Ma. Đến đời vị Đạt Lai Lạt Ma thứ năm, Lobsang Gyatso, thì truyền thống này phát triển mạnh mẽ vì ngoài nhiệm vụ trưởng môn phái Mũ Vàng, ông này còn nắm quyền cai trị toàn xứ Tây Tạng nữa.
Lobsang Gyatso vừa nắm quyền lãnh đạo tinh thần vừa nắm quyền lãnh đạo quốc gia, từ hành pháp, lập pháp đến tư pháp. Có lẽ vì trách nhiệm nặng nề, ông đã phong cho vị thầy có công dạy dỗ mình, một trưởng lão của phái Mũ Đỏ làm Ban Thiền Lạt Ma, chia quyền lãnh đạo tinh thần trong xứ với vị này. Các vị Ban Thiền Lạt Ma cũng tuyên bố rằng họ sẽ hóa thân trở lại để trông nom, hướng dẫn tinh thần cho dân chúng Tây Tạng và truyền thống hóa thân phát triển mạnh mẽ, lan rộng khắp nơi.
Các vị trưởng lão, trụ trì tu viện cũng tuyên bố hóa thân trở lại để tiếp tục công việc mà họ chưa hoàn tất trong kiếp người ngắn ngủi, và từ đó các vị hóa thân đã nắm giữ một vai trò hết sức quan trọng trong tu viện Tây Tạng cho đến nay.
Không phải đến thế kỷ XV, dưới quyền lãnh đạo của các Đạt Lai Lạt Ma thì truyền thống hóa thân mới bắt đầu, mà thật ra việc này đã có từ trước nhưng ít được đề cập và các vị hóa thân cũng không tuyên bố gì nhiều. Ngay từ thế kỷ XI, một vị thánh nổi tiếng của Tây Tạng, vị hành giả mặc áo rách Milarepa thường gọi vị thầy của ông, Marpa, là hóa thân của Bồ Tát Dorjee Chang. Rất nhiều bài thơ, bài hát của Milarepa ca tụng công ơn dạy dỗ của sư phụ đã dùng lẫn lộn cả tên Marpa lẫn Dorjee Chang. Dĩ nhiên, một đệ tử không bao giờ gọi sai tên sư phụ của mình, nhất là trong các bài thơ tán thán công đức như vậy, trừ khi ông tin tưởng rằng sư phụ của ông chính là hóa thân của một vị Đại Bồ Tát.
Từ “tulku” thường bị định nghĩa một cách sai lạc, không chính xác bởi các nhà nghiên cứu châu Âu. Một số đã dịch “tulku” là Phật sống, hay một người đã đắc quả vị Phật. Đây là một sai lầm rất lớn vì Phật là một quả vị cao tột, trong lịch sử chỉ có một người duy nhất, thái tử Tất Đạt Đa là chứng đắc được mà thôi.
Một số học giả châu Âu cho rằng các vị hóa thân hay Phật sống chính là Đức Thích Ca đã đầu thai trở lại. Một người Tây Tạng, dù ngu dốt thất học đến đâu cũng không thể chấp nhận quan niệm sai lầm này, vì Đức Phật Thích Ca đã nhập niết bàn thì làm gì có chuyện đầu thai trở lại. “Niết bàn” là sự giải thoát vĩnh viễn khỏi luân hồi sinh tử và không đầu thai trở lại, dù dưới bất cứ hình thức nào. Một giả thuyết khác, cũng do người châu Âu đưa ra, là các vị hóa thân là do các vị Phật khác, không nhất thiết phải là Đức Phật Thích Ca đầu thai trở lại. Đây cũng là một quan niệm sai lầm vì một khi đã trở thành Phật nghĩa là chấm dứt, giải thoát vĩnh viễn, không thể có một vị đã thành Phật lại đầu thai trở lại thế gian để làm một vị “Phật sống” được.
Một số người đã đặt câu hỏi phải chăng chỉ có một vị Phật duy nhất? Theo kinh điển thì có rất nhiều vị Phật nhưng mỗi vị giáo hóa tại một nơi khác nhau. Tại cõi Ta Bà, hay thế giới hiện nay, chỉ có một vị Phật duy nhất là Phật Thích Ca mà thôi, tuyệt đối không thể có một vị Phật thứ hai nào nữa ra đời. Chỉ khi nào giáo lý của Đức Phật Thích Ca biến mất, không còn ai biết đến, kể cả những kinh điển, danh từ đều thất truyền thì lúc đó Đức Phật Di Lặc mới xuất hiện để dạy dỗ chúng sinh. Trước khi Đức Di Lặc ra đời, không thể có một vị Phật nào khác xuất hiện. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì không thể có hai Đức Phật cùng làm một việc trong cùng một khoảng thời gian, nếu Đức Phật thứ hai xuất hiện khi giáo lý hay kinh điển của Đức Phật thứ nhất vẫn còn lưu hành thì đó là một việc thừa hay sao? Các tu viện Tây Tạng đã phân biệt hết sức rõ ràng khi họ thờ Đức Phật Thích Ca như vị Phật hiện tại và Đức Di Lặc như vị Phật tương lai.
Theo kinh điển thì các vị Bồ Tát vì thương xót chúng sinh nên thường biến hóa thành vô số thân hình dạo khắp các nơi để hóa độ chúng sinh. Vì các ngài có thể phân chia hóa hiện ra làm vô số nên những vị hóa thân thường được giải thích như là hóa thân của các vị Bồ Tát.
Trích sách Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng l Nguyên Phong.
Bạn có thể đặt mua sách tại đây
Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng: https://bit.ly/huyenthuatvacacdaosiTayTang-Shopee
Bộ sách 15 cuốn đầy đủ của Nguyên Phong: https://bit.ly/tronboNguyenPhong15cuontiki