Người Việt trước năm 1945 đi du lịch có gì đặc biệt?

Minh Châu| 29/03/2022 10:53

Trong quá trình khai thác thuộc địa, người Pháp đã đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, đồng thời tiến hành thăm dò, khảo sát một số địa điểm nghỉ mát để phục vụ cho quan chức người Pháp và tầng lớp giàu có người Việt.

Du lịch, du khảo luôn là thể tài hấp dẫn cho đội ngũ sáng tác mọi thời đại. Trước năm 1945, du lịch ở Việt Nam có những bước phát triển đáng kể. Người Pháp khi khai thác thuộc địa đã đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, đồng thời tiến hành thăm dò một số địa điểm nghỉ mát ở miền núi và miền biển để phục vụ cho quan chức người Pháp và tầng lớp giàu có người Việt.

Tiếp đó, họ cho quy hoạch và xây dựng một số địa điểm du lịch, nghỉ dưỡng theo lối kiến trúc phương Tây mà ngày nay vẫn còn giá trị về mặt khoa học và thẩm mỹ như: Sa Pa, Tam Đảo, Ba Vì, Mẫu Sơn, Hạ Long, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Bạch Mã, Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu…

Với việc cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch cơ bản đã được hình thành rải rác khắp nơi, các văn nhân, thi sĩ, nhà báo, nhà nghiên cứu Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn trong việc thực hiện các chuyến du lịch tự phát, khám phá vẻ đẹp của các vùng địa lý, văn hóa trên cả nước. Và từ các hành hương, các chuyến du lịch khám phá vẻ đẹp này, họ đã cho ra đời nhiều tác phẩm du lịch, du khảo với nhiều phong cách khác nhau, đăng trên nhiều tờ báo khác nhau như: Đông Dương, Nam Kỳ địa phận, Công luận, Nam Phong, Ngày Nay, Phong Hóa, Tri Tân, Nam Kỳ tuần báo...

Trong số các tờ kể trên, Nam Phong tạp chí đăng tải nhiều bài du lịch, du khảo nhất. Từ số 10 (tháng 4/1918) đến số 207 (tháng 12/1934), có tới 93 số có bài thể loại du lịch, du khảo.

Tri Tân tạp chí tồn tại không dài (khoảng 5 năm, Số 1 ra ngày 3/6/1941, số cuối ra ngày 22/11/1945, tổng cộng 212 số báo. Năm 1946, Tri Tân Tạp chí còn ra 2 số mới nữa vào ngày 6/6/1946 và 16/7/1946) những đã định hình sắc nét thể tài du lịch, du khảo, với nhiều đặc điểm nổi bật và giàu giá trị nội dung.Người Việt trước năm 1945 đi du lịch có gì đặc biệt? - 1

Nam Kỳ tuần báo là tờ báo ra đời khá muộn ở Nam Kỳ do Hồ Văn Trung tức nhà văn Hồ Biểu Chánh, tự Thứ Thiên làm Giám đốc, dưới sự bảo trợ của người Pháp. Dù tờ báo này in được 85 số rồi đình bản  (số báo đầu tiên xuất bản ngày 03/9/1942, số cuối cùng in ngày 15/6/1944), nhưng cũng đã giới thiệu tới công chúng không ít các bài du lịch, du khảo của các tác giả đương thời, có nhiều đóng góp cho thể tài này.

Để giúp bạn đọc tìm hiểu kỹ hơn về những tác phẩm du lịch, du khảo trên tờ tuần báo này, mới đây, NXB Tổng hợp TP. HCM đã phát hành cuốn Du lịch, du khảo trên Nam Kỳ tuần báo. Sách do hai nhà nghiên cứu Võ Văn Thanh và Trần Thành Trung tập hợp, chú giải và giới thiệu.

Du lịch, du khảo trên Nam Kỳ tuần báo tập hợp 25 bài viết ghi nhận sự trải nghiệm các chứng tích, địa chỉ lịch sử - văn hoá một thời, khám phá địa chí, phong tục, lễ hội văn nghệ dân gian và dân tộc học.

Có thể kể đến những tác phẩm như: Những ngày dừng bước bên làng Tiên Điền – nơi thi hào Nguyễn Du ký gởi nắm xương tàn ngàn kiếp của Vương Quý Lê; Chuyện lạ xứ Lào của Khuông Việt (đăng trên các số 9, 10, 11, 12, 13 với các phần Giới thiệu xứ Lào, Vệ sanh và óc mê tín của người Lào, Một đám hỏa táng, Người Lào với ái tình); Chuyện xứ Chàm vì nước quên mình của Nguyễn Thị Tố Lan; Viếng Tây Đô của Thiếu Sơn; Hai mươi lăm ngày đi tìm dấu người xưa của Khuông Việt (đăng tải trên các số  26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 38, 39, 40, 43, 45, 47, 48, 49, 51, 54, 56, 58. Tác phẩm này khảo cứu, khám phá địa chí phong tục nhiều vùng đất ở Đồng bằng Sông Cửu Long như: Cần Thơ, Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc, Vĩnh Long,  Bến Tre, Mỹ Tho, Tân An và cả Sài Gòn); Hà Tiên du ngoạn của Biểu Chánh; Thăm trại sinh viên Khương Hạ (Hà Đông) của Đặng Văn Chung; Người Thượng ở Đồng Nai, 15 ngày với người Thượng (khảo cứu và phóng sự) Mọi “Xà niên” của Thái Hữu Thành (những bài viết này rất thú vị về phong tục của các tộc người, tuy không đầy đủ nhưng cũng cho thấy được những đặc điểm sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán, lối sống…); Phóng sự về người Thổ, Mèo, Mường ở miền Thượng du Bắc Kỳ của Ngọc Ước (tiếc rằng bài viết này còn dở dang, theo lời của Tòa soạn là do tác giả bị bệnh nên không gửi bài đăng tiếp)…

Bên cạnh những tác phẩm ghi nhận sự trải nghiệm các chứng tích, địa chỉ lịch sử - văn hoá một thời, khám phá địa chí, phong tục, lễ hội văn nghệ dân gian và dân tộc học là những hồi ức, kỷ niệm đẹp về tháng ngày ở những địa danh ở trong nước và nước ngoài.

Có thể kể đến các tác phẩm như: Đi coi vở tuồng “Chơn ái tình” của Trúc Hà; Ba lần đi xem hội chợ ở Sài Gòn của Thiếu Sơn; Tôi ăn Tết ở Côn Nôn của Khuông Việt; Chuyện tình xứ Lào của Hoàng Tích Hoàn; Cao Miên du ký: Oudong của Trần Ngọc Lâu; Năm ấy ở Pháp tôi được ăn Tết một cách bất ngờ của Lê Văn Ngôn; Lệ Tết thầy hồi xưa của Nguyễn Hương Trà; Tết Paris năm ấy của Tây Đô Cát sĩ…

Nhìn chung, các tác phẩm tập hợp trong sách Du lịch, du khảo trên Nam Kỳ tuần báo cung cấp nhiều kiến thức về địa chí, lịch sử, văn hóa, phong tục, dân tộc, dân gian, giúp người đọc sống trong tâm thức “khảo cổ” và thực tại đời sống tinh thần dân tộc trong những năm đầu của thập niên 1940.

Dù được viết cách đây 8 thập kỷ, nhưng các tác phẩm này vẫn là những bài học nghiệp vụ hữu ích cho những người viết, người làm công tác khảo cứu, văn hóa, du lịch… hôm nay.

Những tác phẩm này cũng là những tư liệu hữu ích cho những người yêu văn hóa, văn học, báo chí, du lịch, địa phương học, nhân học và liên ngành khoa học xã hội…

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Người Việt trước năm 1945 đi du lịch có gì đặc biệt?
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO