Tài sản tích lũy của Việt Nam dự báo tăng 125% trong 10 năm tới
Trên CNBC, các chuyên gia của New World Wealth và hãng tư vấn đầu tư Henley & Partners vừa có báo cáo cho rằng, tỷ lệ tăng trưởng tài sản tích lũy của người Việt Nam sẽ nhanh nhất thế giới trong 10 năm tới, với mức bứt phá lên đến 125%.
Theo ông Andrew Amoils, nhà phân tích của New World Wealth, đây sẽ là mức tăng trưởng tài sản cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào, xét về GDP bình quân đầu người và số lượng triệu phú USD.
Sở dĩ tài sản tích lũy của người Việt được dự báo tăng nhanh nhất trên phạm vi toàn cầu, theo chuyên gia của New World Wealth, là bởi Việt Nam đang củng cố vị thế là một trung tâm sản xuất toàn cầu.
Việt Nam ngày càng trở thành một địa bàn trọng yếu cho hoạt động sản xuất của các công ty công nghệ đa quốc gia, các hãng ô tô, nhà sản xuất điện tử, quần áo và dệt may...
Tốc độ tăng trưởng tài sản tích lũy của người Việt còn nhanh hơn Ấn Độ, một quốc gia được biết đến với nền kinh tế rất năng động, có tốc độ tăng trưởng nhanh và là trung tâm phát triển của kinh tế thế giới trong thập kỷ tới. Ấn Độ được dự báo sẽ soán ngôi cả nước Đức và Nhật để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2027.
Dù vậy, tăng trưởng tài sản tích lũy của người Ấn Độ dự kiến chỉ đạt 110% trong 10 năm tới.
Một trong những yếu tố giúp tài sản của người Việt Nam tăng vọt là nhờ vị thế của một quốc gia an toàn hơn so với nhiều nước khác. Vị thế này sẽ giúp Việt Nam hút mạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo McKinsey, đó còn là vị trí chiến lược của Việt Nam, với biên giới gắn liền với Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có dân số tỷ người. Việt Nam còn ở ngay các tuyến hàng hải thương mại lớn, trong khi chi phí lao động thấp, cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gần đây cũng đưa Việt Nam trở thành một lựa chọn của các nhà đầu tư quốc tế cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, độ mở kinh tế rất lớn, với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương... cùng với việc nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất với các đối tác lớn như Mỹ, Nhật Bản... được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam trở thành thỏi nam châm hút vốn FDI. Trong năm 2023, vốn đầu tư FDI vào Việt Nam tăng 32% so với 2022.
Theo World Bank, nếu 10 năm trước, GDP đầu người của Việt Nam là 2.190 USD thì giờ đã gấp đôi, lên 4.100 USD.
Với tốc độ tăng 125% như dự báo, thu nhập trung bình của người Việt sẽ đạt 9.225 USD.
Chờ cỗ máy sản sinh triệu phú USD của đại gia Việt
Theo New World Wealth, Việt Nam có 19.000 triệu phú USD và 58 người có tài sản trên 100 triệu USD.
Còn Forbes cho hay, tính tới ngày 21/2, Việt Nam 6 tỷ phú USD, gồm: Chủ tịch Vingroup (VIC) Phạm Nhật Vượng (với 4,8 tỷ USD); Chủ tịch VietJet (VJC) Nguyễn Thị Phương Thảo (2,3 tỷ USD); Chủ tịch Techcombank (TCB) Hồ Hùng Anh (1,6 tỷ USD); ông chủ Thaco Trần Bá Dương và gia đình (1,4 tỷ USD); Chủ tịch Masan (MSN) Nguyễn Đăng Quang (1 tỷ USD) và Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long (2,4 tỷ USD).
Tài sản người Việt tăng nhanh số 1 thế giới trong thập kỷ tới không chỉ nhờ dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam mà còn nhờ kỳ vọng từ các cỗ máy in tiền cũng như tham vọng của nhiều doanh nhân Việt, trong đó có tỷ phú Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Trần Đình Long, ông Trương Gia Bình...
Sự bứt phá về quy mô vốn, quy mô tài sản của hàng loạt tập đoàn tư nhân lớn như Vingroup, Hòa Phát, Masan, Techcombank, FPT,... trong thập kỷ qua đã tạo ra rất nhiều triệu phú USD, tỷ phú USD người Việt.
Tại Vingroup, có ông Phạm Nhật Vượng với tài sản gần 5 tỷ USD, bà Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng, với hơn 8.000 tỷ đồng), bà Phạm Thúy Hằng (gần 5.400 tỷ đồng)... Với Techcombank, có tỷ phú Hồ Hùng Anh, ông Nguyễn Đăng Quang, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (7.250 tỷ đồng), bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (6.800 tỷ đồng), Hồ Anh Minh (6.700 tỷ đồng)... Tại HPG, có ông Trần Đình Long, bà Vũ Thị Hiền (vợ ông Long, với 11.520 tỷ đồng)...
Gần đây, Tập đoàn FPT của ông Trương Gia Bình đã trở lại top 10 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán. Dù vẫn còn khiêm tốn so với Vingroup, Vinhomes, HPG, Masan,... nhưng FPT cũng đã sản sinh ra hơn 200 triệu phú USD sau gần 2 thập kỷ lên sàn chứng khoán.
Trong thập kỷ tới, rất nhiều tập đoàn tư nhân có thể tạo ra một loạt triệu phú USD, thậm chí tỷ phú USD như Hòa Phát, SunGroup, Sunshine, BRG, Techcombank, Masan, Vinhomes, Novaland, VPBank, Gelex, SSI, MWG,...
Riêng tỷ phú Phạm Nhật Vượng, cơ hội bứt phá về tài sản của doanh nhân này cũng như nhiều cổ đông lớn của Vingroup có thể rất khác biệt. Ông Vượng cùng Vingroup và các công ty đang sở hữu khoảng 96-97% cổ phần hãng xe điện VinFast (VFS) - niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ).
Hồi cuối tháng 8/2023, Forbes từng ghi nhận tỷ phú Phạm Nhật Vượng bứt phá lên vị trí giàu thứ 16 trên thế giới và đứng số 2 châu Á với khối tài sản 66 tỷ USD do cổ phiếu VinFast tiếp tục lập đỉnh trong hai tuần đầu lên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ.