Người viết bản giới thiệu Dinh Độc Lập đầu tiên sau ngày hòa bình

29/04/2024 09:16

49 năm sau đại thắng mùa xuân 1975, ông Trần Trung Đệ (89 tuổi), một trong những nhân chứng sống lịch sử đã có những chia sẻ về thời kỳ đầu tiếp quản Dinh Độc Lập.

Ngổn ngang những ngày đầu tiếp quản

Mở đầu câu chuyện, ông Trần Trung Đệ chia sẻ về ước mơ hồi nhỏ của mình muốn được một lần đi Sài Gòn. Ông kể, hồi đó chị gái ông hay đưa hàng từ Mỏ Cày (Bến Tre) lên thành phố. Chị có hứa khi có dịp sẽ cho ông đi, nhưng rồi dự định đó mãi không thành hiện thực.

tran-trung-de-4-1.png
Nhân chứng lịch sử, ông Trần Trung Đệ, một trong những người đầu tiên tiếp quản Dinh Độc Lập sau ngày giải phóng. Ảnh: Hồ Văn

Sau này lớn lên, ông Đệ ra Bắc theo cách mạng, đi học tập và làm việc, vẫn nhớ đến ước mơ này.

Đến khoảng năm 1973, ông nhận lệnh về Lộc Ninh, rồi được điều vào Trại Davis (trong sân bay Tân Sơn Nhất). Đây là trụ sở của hai phái đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thi hành Hiệp định Paris 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam.

Ngày 30/4/1975, kết thúc nhiệm vụ ở Trại Davis, ông được phân công về Dinh Độc Lập. Ông chia sẻ: "Đây đúng là cơ duyên khi nhớ về ước mơ thuở nhỏ".

Sau 15 ngày bàn giao công việc ở Trại Davis, ngày 15/5/1975, ông cùng nhiều người ở trại được ô tô chở đến Dinh Độc Lập, vào cổng đường Nguyễn Du. Do không có chỗ ở nên ông được bố trí nghỉ tại 1 phòng bên trong Dinh.

Ông nhớ lại: "Việc đầu tiên là ông đi xung quanh Dinh một vòng để quan sát. Toàn bộ khuôn viên lúc này mọi thứ vẫn còn rất ngổn ngang, cỏ mọc um tùm, ô tô, xe tăng, pháo nằm rải rác, thậm chí trên bãi cỏ.

dinh doc lap.jpg
Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh: Nhà báo Ngọc Đản chụp lúc 11h30 ngày 30/4/1975

Trước cảnh tượng đó và nghĩ đến việc sắp tới mình và các đồng đội tiếp quản dọn dẹp, sắp xếp nơi này, thay vì lo lắng ông lại cảm thấy rất vui mừng, hãnh diện khi được vào đây làm việc.

Vui mừng vì mình được tiếp quản Dinh Độc Lập, cơ quan đầu não của chế độ Việt Nam Cộng hòa vừa bị sụp đổ, từ nay đất nước đã thống nhất, nhân dân 2 miền Nam - Bắc sum họp một nhà.

Chia sẻ về cảm xúc lúc đó ông nói thêm, do là người phiên dịch tiếng Nga trong Trại Daivs, có điều kiện tiếp xúc với các loại sách vở có hình ảnh tòa nhà, cung điện, lâu đài ở nước ngoài nên khi nhìn thấy Dinh Độc Lập, ông cũng không đến mức choáng ngợp.

Với tâm trạng đó, ông tiếp tục đi khám phá quanh Dinh, vừa quan sát vì công việc, nhưng cũng vì tò mò muốn tìm hiểu.

“Khi xuống dưới hầm, tôi thấy khu vực này có thể chứa được một tiểu đoàn bảo vệ, sâu cỡ 2 tầng lầu. Bên trong các đường hầm ngổn ngang súng, đạn và các vật dụng quân cụ… Đây có thể là do lính bảo vệ bỏ chạy trong cảnh hỗn loạn nên súng ống bị vứt lại", ông Đệ nói.

Theo ông Đệ, sau khi quân quản khoảng vài tháng, các tổ chức đơn vị dần ổn định, đã cho công binh xuống hầm để dọn dẹp và giao lại cho đơn vị ông quản lý.

20150424095432 img 8432 01.jpg
Một phòng họp trong Dinh Độc Lập. Ảnh: Lê Anh Dũng 

Dinh Độc Lập cũng là nơi làm việc của Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định trong những ngày đầu giải phóng cho đến đầu năm 1976.

Theo ông Đệ, sau khi tình hình tiếp quản ổn định, những hoạt động đầu tiên tại Dinh Độc Lập là phục vụ các cuộc họp. Từ các cuộc họp của thành phố, đến các cuộc họp của Bộ Chính trị, Trung ương,… Trong đó, cuộc họp của Bộ Chính trị tổ chức lần đầu ở Dinh kéo dài đến nửa tháng. Cuộc họp thống nhất các tổ chức Nam-Bắc, như Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Mặt trận, cùng nhiều tổ chức khác.

Sau đó, bộ phận quân quản bắt đầu cho các đoàn khách vào tham quan. Đến khoảng từ năm 1987, hoạt động của Dinh bắt đầu chuyển đổi sang làm kinh tế du lịch, nên các hội nghị tổ chức giảm dần.

“Khi phục vụ các hội nghị, các đoàn tham quan… tôi thường là người đứng ra thuyết minh về lịch sử và những vấn đề liên quan đến Dinh. Tôi viết ra bản thuyết minh ngắn gọn, là bản thô sơ đầu tiên giới thiệu về trụ sở của cơ quan đầu não một thời”, ông Đệ nhớ lại.

Cũng theo ông Đệ, việc thuyết minh ban đầu chưa có lớp lang, giới thiệu theo sự hiểu biết. Sau thấy nhu cầu cần được hiểu và biết về Dinh nhiều hơn của các đoàn tới thăm, nên cần phải có một bản thuyết trình đầy đủ, căn bản và phải chuyên nghiệp. Ông Đệ cũng là người soạn bản này rồi chuyển cho các anh em trẻ hơn thay nhau thuyết minh. Bản thuyết trình này được sử dụng phục vụ các đoàn tham quan một thời gian dài sau đó.

Ông Đệ cũng nói thêm, phụ trách bộ phận tiếp quản đầu tiên là Thiếu tá Bùi Văn Mẹo, tiếp đó là Thiếu tá Nguyễn Kim Sơn, Đại úy Châu Văn Bê rồi mới đến ông, khi đó là Trung úy. Do ông ở trong Dinh Độc Lập nên dù trước ông có 3 người phụ trách, nhưng mọi việc lúc đó hầu hết đều do ông quán xuyến.

Hóa giải những lời đồn

Có nhiều đoàn vào tham quan Dinh Độc Lập thường đặt câu hỏi với đội thuyết minh về “những bí ẩn trong Dinh” như có nhiều đường hầm thông ra bên ngoài, có đường hầm nối ra tận Vũng Tàu; thậm chí là có hầm tra tấn, hầm axit…

W-dinh-doc-lap-tphcm-hue-ex-1.jpg
Hình ảnh Dinh Độc Lập ngày nay. Ảnh: Nguyễn Huế

“Tôi nói thật, đó cũng chỉ là những câu chuyện được đồn thổi, thêu dệt. Thực tế, tôi làm việc ở đây từ những ngày đầu giải phóng, cho đến khi nghỉ hưu nên có thể khẳng định, các câu chuyện đồn đại là không có thật. Chẳng có đường hầm nào thông ra bên ngoài, không có hầm axít, tra tấn hay thủ tiêu gì cả… Trong Dinh chỉ có hệ thống hầm ngầm phục vụ hoạt động và bảo vệ Dinh”, ông Đệ khẳng định.

Ông Đệ cho biết, mọi thứ bên trong Dinh ngay từ đầu tiếp quản, đến nay hầu như đều được giữ nguyên. Ông làm việc ở Dinh từ 1975 đến 1987 thì chuyển sang Văn phòng Chính phủ làm công việc khác cho đến lúc nghỉ hưu năm 1997.

Tuy nhiên, trong quá trình đó, vì Dinh thuộc của Văn phòng Chính phủ nên ông vẫn thường xuyên đến làm việc, cũng như được mời đến các hội nghị, hội thảo liên quan với vai trò là nhân chứng sống.

Lịch sử Dinh Độc Lập

Năm 1868, chính quyền Pháp bắt đầu cho thiết kế và xây dựng tại trung tâm thành phố Sài Gòn một Dinh thự làm nơi ở cho Thống đốc Nam kỳ, khi xây xong có tên gọi là Dinh Norodom.

Ngày 7/9/1954, Dinh Norodom được bàn giao giữa đại diện chính phủ Pháp, Ðại tướng Paul Ely với đại diện chính quyền Sài Gòn Thủ tướng Ngô Ðình Diệm. Ngô Ðình Diệm đã quyết định đổi tên Dinh thành Dinh Ðộc Lập.

Ngày 27/2/1962, phe đảo chính đã cử hai viên phi công quân đội Sài Gòn là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc lái 2 máy bay AD6 ném bom làm sập toàn bộ phần chính cánh trái của Dinh. Do không thể khôi phục lại, Ngô Ðình Diệm đã cho san bằng và xây một dinh thự mới ngay trên nền đất cũ theo đồ án thiết kế của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ – người Việt Nam đầu tiên đạt giải Khôi nguyên La Mã.

Ngô Ðình Diệm quyết định khởi công xây dựng Dinh ngày 1/7/1962. Trong thời gian này, gia đình Ngô Ðình Diệm tạm thời chuyển sang sống tại Dinh Gia Long (hiện nay là Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh). Công trình đang xây dựng dở dang thì Ngô Ðình Diệm bị phe đảo chính giết chết ngày 2/11/1963.

Do vậy, ngày khánh thành Dinh 31/10/1966, người chủ tọa buổi lễ là Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia. Người có thời gian sống ở Dinh thự này lâu nhất là Tổng thống Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu (từ tháng 10/1967 đến 21/4/1975).

Bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trưa ngày 30/4/1975, Tổng thống cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa là Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân ta đã thực hiện được ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhân dân 2 miền Nam - Bắc sum họp một nhà.

Ngày nay, Dinh Ðộc Lập là di tích quốc gia đặc biệt, cơ quan quản lý là Hội trường Thống Nhất (thuộc Văn phòng Chính phủ), được đông đảo du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan và là nơi hội họp, tiếp khách của các cấp lãnh đạo trung ương cũng như của thành phố.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/nguoi-viet-ban-gioi-thieu-dinh-doc-lap-dau-tien-sau-ngay-hoa-binh-2275238.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/nguoi-viet-ban-gioi-thieu-dinh-doc-lap-dau-tien-sau-ngay-hoa-binh-2275238.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người viết bản giới thiệu Dinh Độc Lập đầu tiên sau ngày hòa bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO