Đây là một trong những đề xuất trong văn bản lấy ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 100, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Ngày 1/12, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, đề xuất trên đã được Bộ Công an gửi Bộ Tư pháp nhưng đến nay chưa có phản hồi.
Đại diện Cục CSGT cho biết, quá trình tăng cường xử lý vi phạm thông qua hệ thống camera, lực lượng CSGT nhận thấy có tình trạng người vi phạm ở xa nơi bị phát hiện vi phạm.
"Hiện nay, theo quy định xử phạt vi phạm hành chính thì Thủ trưởng cơ quan nơi trực tiếp phát hiện vi phạm mới có thẩm quyền lập biên bản vi phạm và ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính" - đại diện Cục CSGT thông tin.
Để tạo thuận lợi cho người dân, Cục CSGT đã đề nghị cơ quan soạn thảo Nghị định 100 sửa đổi một số nội dung tại khoản 8, Điều 80, quy định về thủ tục xử phạt đối với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ, đường sắt.
Cụ thể, khoản 8 Điều 80 quy định: Đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý, cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) đến trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm; chủ phương tiện có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.
Đại diện Cục CSGT cho biết, cơ quan này đề xuất chuyển chứng cứ vi phạm được ghi nhận thông qua thiết bị nghiệp vụ về cơ quan chức năng địa phương để lập biên bản, tạo thuận lợi cho người dân.
Theo đó, trường hợp bị phát hiện vi phạm hành chính ở tỉnh này nhưng tài xế cư trú ở tỉnh khác; hoặc bị phát hiện vi phạm hành chính ở huyện này nhưng cư trú ở huyện khác và việc đi lại gặp khó khăn thì cơ quan phát hiện vi phạm được chuyển kết quả thu thập đến cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan cùng cấp nơi người vi phạm cư trú.
Các trường hợp vi phạm sẽ đến trụ sở cơ quan chức năng ở địa phương để giải quyết.
"Sự ủy quyền không làm thay đổi bản chất sự việc vì các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đã được kiểm định, được Nghị định 165 quy định. Người dân có thể xử phạt ngay tại nơi bị lập biên bản hoặc sử dụng Dịch vụ công Quốc gia, tránh phải đi lại quãng đường dài, nhiều lần…" - đại diện Cục CSGT nói.
Phúc Lâm