Âm nhạc dân tộc là một bản giao hưởng tinh tế, thể hiện tâm hồn và tinh thần của đất nước. Ngày nay, dưới sự tác động mạnh mẽ của sự phát triển công nghệ, sự lan tràn của văn hóa toàn cầu, âm nhạc truyền thống dân tộc đang đối mặt với nguy cơ mai một.
Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, nhưng những bạn trẻ sống với nhạc cụ truyền thống trong Câu lạc bộ FTI (FPT Traditional Instruments) của trường Đại học FPT đang tích cực thực hiện sứ mệnh lan tỏa niềm đam mê và tình yêu với nhạc cụ truyền thống đến thế hệ trẻ, góp phần vào việc bảo tồn, phát triển di sản văn hóa âm nhạc của đất nước.
Ngày càng nhiều người trẻ hiểu rằng, âm nhạc truyền thống không chỉ là những bản nhạc đơn thuần mà còn là tấm gương phản ánh tâm hồn, tình cảm, tri thức của dân tộc. Để hiểu rõ về bản chất của một dân tộc, cần thấu hiểu về âm nhạc của dân tộc đó.
Trần Thị Minh Ánh - phó chủ nhiệm của FTI tâm sự: “Với mình, nhạc cụ truyền thống chứa đựng câu chuyện, lịch sử và tâm hồn của dân tộc. Những cây đàn bầu, đàn nguyệt, tiếng sáo trúc,... những bài hát dân ca truyền miệng đã trở thành những dấu ấn văn hóa không thể thiếu trong cuộc sống người Việt. Việc kết nối với nguồn gốc văn hóa là cách để chúng ta tìm thấy sự tự hào về bản thân và thấu hiểu sâu hơn về nguồn cội của mình”.
FTI không chỉ là nơi để các tài năng trẻ thể hiện khả năng chơi các nhạc cụ truyền thống một cách thành thạo, mà còn là nơi gắn kết những con tim đam mê âm nhạc cổ truyền. Đến với FTI chỉ là sự tình cờ, nhưng dần, nhạc cụ truyền thống đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Nguyễn Ngọc Thùy Trang. Cô bạn được tham gia biểu diễn, được tiếp thêm tình yêu với âm nhạc dân tộc bởi các đàn anh, đàn chị. “Khi mới gia nhập, khả năng chơi nhạc cụ truyền thống của mình còn nhiều hạn chế. Các anh, các chị trong câu lạc bộ là những người tận tình, sẵn sàng ở với em đến tận 8-9 giờ tối để tập luyện cho xong một bản nhạc.”, Thùy Trang bộc bạch.
Cô bạn cho biết thêm, kỉ niệm đáng nhớ nhất của mình là chuyến đi Tuần văn hóa Hoa Anh đào ở Kon Tum. Tại đây, Thùy Trang đã được giao lưu âm nhạc truyền thống cùng mọi người và được biết thêm về nhạc cụ truyền thống của người dân Tây Nguyên.
Còn với Lương Phạm Việt Anh - Trưởng ban chuyên môn của FTI, tình yêu với tiếng sáo là khởi nguồn cho niềm đam mê nhạc cụ truyền thống của cậu bạn. Ngoài việc muốn chơi nhạc, muốn thưởng thức âm thanh của nhạc cụ truyền thống thì Việt Anh còn muốn lan tỏa âm nhạc truyền thống đến nhiều người hơn.
“Nhạc cụ truyền thống mang trong mình vẻ đẹp thời gian và tinh hoa văn hóa. Những điều cao đẹp như vậy thì mình nên phát triển và bảo tồn. Việc phát huy nhạc cụ truyền thống không chỉ là bảo tồn mà còn là việc làm cho tương lai. Bằng cách kết hợp với hiện đại, ta có thể tạo ra những tác phẩm mang dấu ấn của thời đại mới, vừa giữ vững bản sắc văn hóa, vừa thể hiện tính đa dạng và sáng tạo”, Việt Anh bày tỏ.
Ngoài các buổi công diễn trong các sự kiện, chương trình hay các buổi lễ quan trọng, FTI còn có hoạt động biểu diễn văn nghệ truyền thống trong giờ chào cờ của nhiều trường trung học phổ thông, trung học cơ sở hay tiểu học. Qua việc tương tác trực tiếp với các học sinh, FTI đã khơi dậy niềm say mê với âm nhạc gốc rễ và khám phá thế giới âm nhạc đa dạng của Việt Nam.
“Mình nghĩ, không phải phải các bạn trẻ không thích nhạc cụ truyền thống mà chỉ là không có cơ hội để tiếp xúc thôi. Bởi vì, sâu thẳm bên trong mỗi con người Việt Nam đều mang niềm tự hào, niềm tin yêu đối với bản sắc văn hóa dân tộc mình. Việc của tụi mình cần làm là đưa nhạc cụ dân tộc đến gần với các bạn trẻ để các bạn có thêm cơ hội để tiếp xúc và thấu hiểu”, Ngọc Thoa - Chủ nhiệm FTI chia sẻ.
Trong bối cảnh xã hội đương thời, việc bảo tồn và phát huy di sản âm nhạc dân tộc đặt ra nhiều thách thức. Tuy nhiên, nhóm người trẻ của FTI đã biết cách kết hợp giữa tinh thần truyền thống và chất liệu hiện đại, không ngại đưa những giai điệu quen thuộc vào bản nhạc hiện đại, tạo nên sự gần gũi, thú vị hơn đối với thế hệ người trẻ.
Trong thời gian sắp tới, các bạn trẻ của FTI sẽ tiếp tục những dự án lớn hơn, mang nhạc cụ truyền thống đi xa hơn không chỉ trong mà còn ngoài nước. Ngoài ra, câu lạc bộ cũng sẽ sử dụng mạng xã hội, các nền tảng trực tuyến để lan tỏa tình yêu, kiến thức về âm nhạc dân tộc, giúp nhiều người hiểu và tiếp cận dễ dàng hơn.