Tổ chức đám cưới “kiểu Tây” – ngoài trời, lãng mạn, hiện đại, mang tính cá nhân hóa, nhưng nhiều cặp đôi vẫn phải “lựa ý” bố mẹ và biến tấu để phù hợp với văn hóa người Việt, nhất là với những khách mời lớn tuổi, chưa từng dự một đám cưới lạ như thế bao giờ.
Cân bằng Tây - ta để cả nhà cùng vui
Hồng Trang – cô gái hiện sống ở Phần Lan – dự định tổ chức đám cưới tại Hà Nội với khoảng 200 khách mời vào cuối tháng 2/2024. Từ rất lâu, Hồng Trang đã mơ về một đám cưới ngoài trời, nhiều cỏ cây, lãng mạn và “đặc biệt” hơn so với đám cưới truyền thống.
Định cư ở nước ngoài đã 10 năm, cô cũng rất quen thuộc với những đám cưới như thế này.
Phần Lan – nơi cô gặp chồng và đang sinh sống – là một đất nước nhiều cây cỏ. Vì thế, việc quay về Việt Nam tổ chức một lễ cưới ngoài trời có ý nghĩa đặc biệt với Trang, “giống như là mang được một chút xíu Phần Lan về Việt Nam vậy”.
Cuối tháng 2/2024, Hồng Trang và bạn trai sẽ tổ chức một đám cưới ngoài trời nhỏ gọn, lãng mạn như cô từng mơ ước
Trang chia sẻ, cô cảm thấy mình cực kỳ may mắn khi được bố mẹ tôn trọng ý kiến, thậm chí là “chiều hết sức” trong việc tổ chức một đám cưới kiểu mới so với văn hóa người Việt.
“Ban đầu, bố mẹ mình cũng hơi quan ngại vì thấy nó lạ, phức tạp quá, lại còn giới hạn số lượng khách. Vì mình đang ở nước ngoài nên mẹ đã giúp mình đi xem trên dưới 10 địa điểm - chỗ thì không ưng, chỗ thì không phù hợp tài chính nên gia đình đã định quay lại làm đám cưới trong nhà. Nhưng cuối cùng, sau vài đêm suy nghĩ, mẹ mình quyết định sẽ hỗ trợ tài chính để mình được tổ chức đám cưới trong mơ”.
Tuy nhiên, Hồng Trang cho biết, vì đám cưới sẽ có nhiều khách mời của bố mẹ là người lớn tuổi, nhiều cô bác ở quê và lạ lẫm hoàn toàn với phong cách này nên cô cũng phải tiết chế một số việc để không khiến mọi người trở nên quá lạc lõng, bố mẹ đỡ khó xử.
“Ví dụ như mình sẽ bỏ màn first dance (bài nhảy của cô dâu, chú rể) và bỏ những hoạt động ‘nhí nhố’ của người trẻ sau bữa tiệc. Thực ra, mình cũng hơi buồn vì nó sẽ không được hoàn toàn lãng mạn như mình ao ước, nhưng mình vẫn rất hài lòng vì ít nhất cũng có được một đám cưới ngoài trời”.
Trang cho rằng, đám cưới “kiểu Tây” không phải lựa chọn phù hợp với tất cả mọi người. Mỗi đám cưới diễn ra đều có sự góp mặt của gia đình 2 bên, họ hàng, bạn bè nên cô vẫn ưu tiên phương án hài hòa, cân bằng các yếu tố văn hóa, tài chính, mỗi bên giảm “cái tôi” của mình đi một chút.
“Ví dụ như nhà bạn có điều kiện, bạn muốn làm đám cưới ‘xịn’ nhưng nhà thông gia không muốn hoặc không có tài chính để theo thì cũng không được. Hay nếu bạn cố làm đám cưới theo ý mình mà phật ý bố mẹ, phật ý thông gia, họ hàng thì cũng mất vui. Đám cưới quan trọng nhưng gia đình vẫn quan trọng hơn” – Hồng Trang tâm sự.
Hoàng Thu Trang đã có một đám cưới ý nghĩa và để lại nhiều dấu ấn cùng người thân và bạn bè hồi tháng 4 năm nay
Hoàng Thu Trang – cô dâu từng tổ chức đám cưới hồi tháng 4 năm nay với gần 200 khách ở một khu nghỉ dưỡng sang trọng – cho rằng, để có một đám cưới ngoài trời suôn sẻ và thành công, rất cần sự ủng hộ của phụ huynh hai bên.
“Điều này phụ thuộc vào tư tưởng của người lớn rất nhiều. Rất may mắn là bố mẹ mình luôn tôn trọng ý kiến của con cái. Trước đó, chị gái mình cũng từng tổ chức đám cưới trên du thuyền ở Vịnh Hạ Long với số lượng khách mời còn ít hơn nên bố mẹ cũng không còn lạ lẫm nữa. Tuy nhiên, lúc đầu bố mẹ cũng phải cân đo đong đếm rất nhiều để quyết định mời ai, không mời ai. Cũng đã có một chút lời qua tiếng lại nhưng tựu chung lại, cả nhà đều vui vẻ và hạnh phúc với đám cưới”.
Trang cũng cho rằng, với một số gia đình, vấn đề không phải là tài chính mà là tư tưởng của phụ huynh. Có những gia đình không tìm được tiếng nói chung đã tìm đến phương án tổ chức 2 đám cưới – một lễ dành cho số đông họ hàng, bạn bè của bố mẹ, một lễ chỉ dành cho bạn bè thân thiết của cô dâu, chú rể. “Rất may, nhà mình họ hàng ít nên chỉ cần một đám cưới là đủ”.
Đi đám cưới không phải chỉ để đưa phong bì
Chia sẻ về chuyện mâu thuẫn thế hệ khi tổ chức đám cưới, Lê Thu Trang – đại diện một đơn vị chuyên tổ chức đám cưới “private” (cá nhân) – chia sẻ, bản thân chị và đội ngũ của mình từng gặp khá nhiều tình huống cô dâu, chú rể có xích mích, tranh luận gay gắt với bố mẹ.
“Cô dâu, chú rể mong muốn tổ chức một đám cưới ‘private’ nhưng bố mẹ lại bảo họ hàng, bạn bè vài trăm người biết mời ai, bỏ ai. Lúc đó, chúng tôi là người ở giữa, lại phải đứng ra giải quyết, tìm tiếng nói chung. Đôi khi, chúng tôi phải gợi ý phương án tổ chức tiệc riêng cho họ hàng. Còn đám cưới ‘private’ chỉ dành riêng cho bạn bè, người thân của cô dâu, chú rể thôi”.
Đám cưới “private” đòi hỏi rất nhiều công sức, thời gian của cô dâu, chú rể. Bù lại, họ sẽ nhìn thấy dấu ấn của mối quan hệ trong từng chi tiết của đám cưới
Trang cho rằng, nghề của mình là nghề “làm dâu trăm họ” nên không kỳ vọng làm hài lòng tất cả mọi người. “Chúng tôi đặt cảm xúc, nguyện vọng của cô dâu, chú rể lên trước tiên. Bởi vì đây là đám cưới của họ. Chúng tôi chỉ cần làm hài lòng 70-80% khách mời là thành công rồi”.
“Thực ra, nếu nói về yếu tố truyền thống thì chắc chỉ còn lễ ăn hỏi là có điều đó. Các đám cưới mà chúng tôi vẫn gọi là đám cưới ‘cơ bản’ bây giờ cũng đâu còn nghi lễ nào theo truyền thống. Cắt bánh, rót rượu cũng là nghi lễ được du nhập từ phương Tây. Nên việc cho rằng đám cưới ‘private’ là học theo nước ngoài, không phù hợp văn hóa Việt là cũng không công bằng”.
Trang nói, chúng ta nên đặt câu hỏi “ý nghĩa thực sự của đám cưới là gì?” thì mọi người sẽ thấy việc thay đổi này rất nên khuyến khích, ngoại trừ yếu tố tài chính không phải cặp đôi nào cũng có điều kiện. “Đám cưới là sự kiện để người thân, bạn bè đến chúc phúc cho cô dâu, chú rể nên việc đưa yếu tố truyền thống vào hay không cũng không quan trọng bằng cảm xúc của nhân vật chính và khách mời. Đám cưới kiểu Tây hay kiểu ta thì cũng đều nhắm đến mục đích cuối cùng đó.
Đến dự một đám cưới mà có thời gian để chia sẻ với cô dâu, chú rể, để lắng nghe câu chuyện của họ sẽ ý nghĩa hơn nhiều đi đám cưới chỉ để đưa phong bì, để bắt tay nhau xã giao, cô dâu chú rể đi chúc rượu qua loa hết một hội trường cũng vừa lúc hết tiệc”.
Với kinh nghiệm 6 năm làm tiệc cưới, Lê Thu Trang và các cộng sự từng chứng kiến hàng nghìn đám cưới khác nhau. Nhưng cô phải thừa nhận một điều rằng, với các đám cưới “private”, khi đứng phía dưới, “chúng tôi luôn xúc động rơi nước mắt khi lắng nghe câu chuyện của cô dâu, chú rể và khi chứng kiến họ đọc lời thề ước”.
“Đó là lý do chúng tôi luôn thấy sự thay đổi này là tích cực và nên khuyến khích”.
Theo VietNamNet