Người trẻ bị dụ dỗ làm việc nhẹ lương cao, nguy cơ từ không gian mạng

15/06/2022 14:50

Miếng pho mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột. Lời chào mời trên mạng, không cần bỏ sức mà lương cao cần phải xem xét”, PGS. TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều thiếu nữ liên tục bị dụ dỗ qua Facebook vào TP Hồ Chí Minh làm “việc nhẹ, lương cao” .

Gần đây nhất là trường hợp bé gái N.T.T.N (SN 2006, quê Phú Yên) nghe theo lời dụ dỗ vào TP Hồ Chí Minh làm “việc nhẹ lương cao”, sau đó mất tích bí ẩn khi đến khu vực phường 13, quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh), người nhà không thể liên lạc được.

Ngày 16/6, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hương cho biết đến giờ vẫn chưa biết chính xác con ở đâu. Qua điện thoại, các đối tượng liên lạc với gia đình chỉ cho biết con ông đang ở Campuchia.

Trước đó, ngày 6/6, Công an tỉnh Bắc Giang, Công an huyện Yên Dũng và Công an xã Cảnh Thụy vừa phối hợp với các đơn vị, địa phương giải cứu an toàn 5 cháu gái bị dụ dỗ qua Facebook vào TP Hồ Chí Minh làm việc nhẹ, lương cao.  Cụ thể chỉ cần biết đánh máy là được nhận mức lương 20 triệu đồng/tháng. Các em này đã trốn gia đình để đi từ trưa ngày 31/5.

Rất may, lực lượng chức năng đã giải cứu kịp thời khi chiếc xe chở 5 cháu gái này đã đến địa phận tỉnh Bình Thuận.  Công an tỉnh Bình Thuận cho biết đã nhiều lần công an địa phương này chặn bắt các chuyến xe đưa người sang Campuchia làm việc trái phép. Các nạn nhân khi được đưa qua biên giới sẽ phải làm việc theo kiểu bị bóc lột, đánh đập, ngược đãi, thậm chí ép vi phạm pháp luật, làm gái mại dâm… Nếu người nhà, gia đình nạn nhân có liên lạc được thì bọn chúng bắt chuộc về với số tiền lớn hoặc "thế mạng" bằng một người khác.

Người trẻ bị dụ dỗ làm việc nhẹ lương cao, nguy cơ từ không gian mạng
PGS. TS Trần Thành Nam

Trao đổi với phóng viên qua một loạt các vụ việc trẻ em gái bị lừa qua Facebook khi “việc nhẹ, lương cao”PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN cho rằng điều này cho thấy năng lực số của chúng ta nhất là giới trẻ chưa đáp ứng kịp với cuộc cách mạng 4.0.

“Nhận diện các nguy cơ trên MXH của nhiều người trong đó có giới trẻ vẫn còn nhiều khoảng trống”, PGS. TS Trần Thành Nam cảnh báo.

Trong khi đó, những thông tin trên mạng hoàn toàn có thể giả mạo. Chưa kể nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội bị lộ lột, không bảo mật nên nhiều khi đó lại là nguồn tin cho kẻ xấu lợi dụng, từ đó chúng tạo niềm tin đối với người trẻ.

PGS. TS Trần Thành Nam cũng cho rằng, giai đoạn hậu Covid-19 nhiều người đang chịu áp lực về tài chính. Đó cũng chính là động cơ khiến các bạn trẻ cũng mong muốn kiếm tiền để trang trải cho những ước mơ của mình.

Tội phạm cũng bị thúc bách về mặt tài chính nên đã tung ra nhiều hình thức lừa đảo tinh vi được giăng ra mà nhiều người chưa nhận diện được. Trong đó, lừa đảo trên mạng là một cách thức mà tội phạm áp dụng.

“Rõ ràng là lừa đảo trên MXH  cũng đã được truyền thông rồi nhưng cần biến nó thành năng lực số cho tất cả mọi người, nhất là người trẻ. Mọi người cần phải hiểu rõ được nguy cơ trên không gian mạng, các thủ đoạn trên không gian mạng như thế nào.

Những gì có tính chất dễ dàng, không cần bỏ sức mà lương lại cao thì cần phải xem xét. Cũng phải xác định luôn – miếng pho mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột thôi do đó, cần phải làm sao để giới trẻ biết dừng lại trước những lời mời chào tưởng như có lợi. Thực tế, chẳng có gì dễ dàng cả”, PGS. TS Trần Thành Nam bày tỏ.

Ông tỏ ra lo ngại thực tế hiện nay thế hệ trẻ bị cám dỗ bởi vật chất nhiều quá. Các bạn không coi trọng lao động, không yêu quý lao động nên bị hút vào miếng mồi “việc nhẹ, lương cao” được các đối tượng xấu giăng ra.

“Còn nếu các bạn ấy hiểu rõ về giá trị của lao động thì trước những lời mời chào đầy cám dỗ như thế, các bạn sẽ chần chừ hơn, do dự hơn thậm chí biết nói lời từ chối ngay”, PGS. TS Trần Thành Nam bày tỏ.

Qua những sự việc này, ông cho rằng bên cạnh trách nhiệm của những cơ quan quản lý (dự báo, cảnh báo, khuyến cáo về các loại tội phạm trên không gian mạng) vẫn phải nhắc đến vai trò của gia đình.

“Nhìn ở góc độ ở gia đình, khi con chưa đến tuổi trưởng thành thì một trong phần các em ấy rơi vào bẫy của kẻ lừa đảo hay mắc lỗi có trách nhiệm của bố mẹ, người thân khi chưa quan tâm đầy đủ của các thành viên.

Ở tuổi này các bạn ấy chưa trưởng thành cần sự giám sát nhưng ở một số nơi, một số gia đình các em coi như đã trưởng thành, coi như có trách nhiệm thậm chí phải kiếm tiền nuôi ngược gia đình. Đây có thể là một trong những yếu tố  khiến cho các bạn bị áp lực tài chính nhiều hơn.

Đó cũng chính là động cơ khiến các bạn dễ bị mắc bẫy, thậm chí trốn nhà để đi vì ở nhà không tạo ra được môi trường tích cực, không tạo ra được kết nối giữa cha mẹ và con cái”, PGS. TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cũng nhìn nhận, trong bối cảnh hiện nay, bố mẹ muốn bảo vệ con mình phải thông thái. Không thể trời sinh voi rồi sinh cỏ, đẻ con ra rồi kệ con tự lớn.

“Như thế thì chết vì nguy cơ bây giờ nhiều lắm. Đặc biệt nguy cơ trên mạng- dù mạng là ảo nhưng nguy cơ lại là thật. Nhiều vụ mất con cũng từ MXH mà ra”, PGS. TS Trần Thành Nam cho hay.

 N. Huyền

Theo infonet.vietnamnet.vn
https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/nhip-song/tre-bi-du-do-lam-viec-nhe-luong-cao-mieng-pho-mat-mien-phi-chi-co-trong-bay-chuot-413363.html
Copy Link
https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/nhip-song/tre-bi-du-do-lam-viec-nhe-luong-cao-mieng-pho-mat-mien-phi-chi-co-trong-bay-chuot-413363.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người trẻ bị dụ dỗ làm việc nhẹ lương cao, nguy cơ từ không gian mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO